Hậu phương vững chắc của lính đảo Trường Sa

Với những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa thì hậu phương vững chắc của các anh là người vợ đảm đang gánh vác việc gia đình. Đó là nguồn động viên lớn, động lực để mỗi người lính quyết tâm bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự hào là vợ lính đảo

Kết hôn 12 năm thì có đến 10 năm cô giáo Đào Thị Hiền (SN 1985), Trường THPT Hiệp Hòa số 6 đón Tết vắng chồng. Chồng chị là anh Ngô Văn Khiết đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn. Do đặc thù công việc nên thường 1 đến 2 năm anh mới về nhà một lần. Mọi công việc ở nhà một mình chị lo toan.

 Chị Đào Thị Hiền dạy con học bài.

Chị Đào Thị Hiền dạy con học bài.

Những lúc chứng kiến bữa cơm sum họp của các gia đình xung quanh hay khi sinh con, chăm bố mẹ già ốm đau mà không có chồng bên cạnh, chị cũng ngậm ngùi. Để anh yên tâm, chị luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng chu toàn mọi việc.

Trong ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp ở thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, chị Hiền kể: Mặc dù vất vả nhưng chị rất tự hào là vợ của người lính hải quân. May mắn hơn, 3 mẹ con ở cùng với ông bà nội nên sớm, tối quây quần bên nhau.

Anh chị yêu nhau bằng giọng nói, tiếng cười qua điện thoại, bằng những bức thư gửi vội từ đảo về đất liền. Hiểu sự vất vả, khó khăn của chồng, chị Hiền luôn cố gắng lo toan việc nhà, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, nuôi dạy 2 con ăn học. Hai con gái của anh chị là cháu Ngô Quỳnh Anh (SN 2010) và Ngô Vân Hà (SN 2012) đều liên tục là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Mai Trung. Ở trường, chị Hiền là giáo viên dạy giỏi môn Lịch sử, nhiều năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Ở Trường THPT Hiệp Hòa số 6, nơi chị Hiền công tác, thầy giáo Nguyễn Đình Cung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù phải thay chồng đảm đương mọi việc nhưng cô giáo Hiền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp quý mến, học trò tin yêu. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để cô vừa thực hiện tốt công tác giảng dạy, vừa chăm lo gia đình. Được biết, ngoài dạy học, cô Hiền còn làm 7 sào ruộng, mùa nào thức nấy cây trái trong vườn sum suê.

Nối máy liên lạc với anh Ngô Văn Khiết, một giọng nói trầm ấm mang theo âm điệu mặn mòi của biển, anh bảo, bản thân anh luôn hiểu vợ mình chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm nên ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ, rảnh rỗi là anh gọi điện hỏi thăm, động viên vợ con cố gắng vượt qua.

Dù ngoài khơi xa mới phủ sóng 2G, điện thoại chỉ nghe, gọi được nhưng chị Hiền vẫn thấy ấm lòng, luôn tin tưởng vào tình yêu của anh dành cho biển đảo và gia đình là thiêng liêng nhất.

Cũng như nhiều gia đình có chồng công tác trong lực lượng hải quân, chị Nguyễn Thị Song, xã Yên Lư (Yên Dũng) luôn tự nhủ phải vượt khó, chu toàn việc nhà, tiếp thêm sức mạnh để chồng yên tâm công tác.

Lấy nhau 7 năm nhưng thời gian ở gần nhau chỉ tính bằng ngày. Đó là những khoảng thời gian ít ỏi khi anh Nguyễn Văn Hồng kết thúc hải trình công tác ở mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa được nghỉ phép ít ngày về với gia đình. Lần gặp nhau gần đây nhất là vào tháng 12/2018 khi anh hoàn thành nhiệm vụ trên nhà giàn DK1, được về phép rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.

Cô giáo Đào Thị Hiền cùng mẹ chồng nhặt hành, tỏi chuẩn bị bán.

Chị Song cùng người thân luôn theo dõi tình hình biển đảo qua các đài, báo hằng ngày. Những món quà anh gửi về đất liền chỉ đơn giản là những bông hoa được làm từ ốc biển nhưng chị cảm thấy ấm áp, trân trọng bởi nó chứa đựng tình cảm của anh dành cho chị. Mỗi lần nhớ chồng, chị và các con lại ngồi ngắm những món quà giản dị mà ý nghĩa đó, áp lên tai những con ốc biển để nghe tiếng sóng rì rào như chính tiếng nói yêu thương của chồng đang kề bên.

Chia sẻ nỗi vất vả của anh nơi đầu sóng, ngọn gió, chị Song và gia đình luôn động viên anh Hồng cố gắng bởi đất nước đang cần những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo, mặc dù làm vợ người lính đảo sẽ chịu vất vả, thiệt thòi nhưng chị luôn tin tưởng vào tình yêu của anh dành cho chị cũng như mong đợi một ngày gần nhất gia đình được đoàn tụ. Tuy xa cách về không gian địa lý nhưng tình cảm gắn bó yêu thương ở từ hai đầu nỗi nhớ là nguồn sức mạnh để cả tiền tuyến và hậu phương thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Vững vàng nơi đầu sóng

Mỗi người lính đảo gắn với một câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thủy chung và sự hy sinh trong nghìn trùng xa cách của người vợ, người mẹ nơi hậu phương. Khi các anh đang ngày đêm sát cánh cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì ở quê nhà, các chị lặng lẽ thay chồng gánh vác việc gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ, đối nội, đối ngoại vẹn cả đôi đường để các anh yên tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các chị chính là động lực để những người lính đảo vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, trong gian khó, phẩm chất người lính Cụ Hồ càng ngời sáng.

Đại tá Nguyễn Đăng Số, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Chia sẻ với những khó khăn của người lính đảo, ở quê nhà, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình cán bộ, chiến sĩ. Hằng năm, dịp Tết Nguyên đán, Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chính quyền địa phương đến chia sẻ, động viên, tặng quà người thân chiến sĩ, kịp thời nắm bắt hoàn cảnh của từng người để có sự giúp đỡ phù hợp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp hội quan tâm, động viên, chia sẻ những công việc thường nhật của gia đình lính đảo như: Thu hoạch mùa màng, cải tạo nhà cửa, ruộng vườn.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã đến thăm, tặng quà 7 gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Tỉnh đoàn Thanh niên đã đến thăm, tặng quà 15 gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại biên giới, hải đảo.

Mặc dù cuộc sống hằng ngày còn gặp nhiều khó khăn nhưng những người vợ lính đảo luôn mạnh mẽ, tình yêu riêng hòa chung với tình yêu đất nước giúp các chị có thêm sức mạnh, trở thành hậu phương vững chắc cho các anh yên tâm làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/354810/hau-phuong-vung-chac-cua-linh-dao-truong-sa.html