'Hậu phương' nông nghiệp

Nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong 3 nhóm ngành gộp của nền kinh tế, cùng với công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Phân tích từ mô hình cân đối liên ngành cho thấy, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng với nhóm ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân của nền kinh tế và lan tỏa đến nhập khẩu thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế.

Cụ thể, so sánh với ngành công nghiệp, trong các năm 2012, 2016, 2019, mức độ lan tỏa tới giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm - thủy sản luôn ở mức trên 0,61 lần, cao hơn tương đối so với ngành công nghiệp chưa bao giờ vượt quá ngưỡng 0,533 lần. Tuy nhiên, cũng trong những năm này, lan tỏa đến nhập khẩu của ngành công nghiệp thấp nhất là 0,467 lần nhưng chỉ số này đối với khu vực nông - lâm - thủy sản không cao hơn 0,39 lần. Như vậy, có rất nhiều cơ sở để tin rằng, nền kinh tế Việt Nam nên xem nhóm ngành nông, lâm và thủy sản là nhóm ngành trọng điểm.

Mặc dù vậy, điều trớ trêu là tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản càng thấp càng được các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách xem như thành tích đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế (mặc dù tỷ lệ giá trị tăng thêm so với GDP chẳng liên quan gì đến cấu trúc kinh tế). Với ý tưởng như vậy, tăng trưởng nông, lâm, ngư ngày càng giảm và cơ cấu nhóm ngành này trong GDP từ khoảng 20% GDP năm 2000 xuống còn hơn 11,88% năm 2022.

Người viết đã tiến hành một nghiên cứu ước lượng đóng góp của các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nghiên cứu này cho thấy, giai đoạn 2000 - 2020, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp giảm liên tục. Năm 2010, lực lượng lao động giảm 15,4% so với năm 2000, còn giai đoạn 2010 - 2020 so với giai đoạn 2000 - 2010 thì giảm đến gần 32%. Điều này kéo theo đóng góp của yếu tố đầu vào lao động vào tăng trưởng của nhóm ngành này giai đoạn 2000 - 2010 giảm 24,4% và giai đoạn 2010 - 2020 giảm 59%.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2000 - 2010 là 4,5% cao hơn giai đoạn 2010 - 2020 (4,2%). Do lực lượng lao động trong nhóm ngành nông, lâm và thủy sản giảm mạnh nên để giá trị tăng thêm đạt được tăng trưởng trên 4%, nhóm ngành này phụ thuộc vào tăng trưởng về vốn và tăng trưởng về năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Đáng chú ý là năng suất nhân tố tổng hợp giai đoạn 2010 - 2020 tăng nhanh hơn gấp đôi giai đoạn 2000 - 2010. Điều đó cho thấy tác động tích cực của khoa học công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực này đã có bước đầu tiến bộ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm dần, đến năm 2020 chỉ là 2,7%. Một trong những nguyên nhân là do yếu tố đầu vào lao động giảm nhanh chóng qua các năm. Như vậy, để có được tăng trưởng, nhóm ngành này phụ thuộc 2 yếu tố đầu vào còn lại là vốn và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Điều đó có nghĩa tuy tăng trưởng về giá trị tăng thêm nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhưng chất lượng tăng trưởng của nhóm ngành này lại tăng lên.

Rõ ràng không thể hoàn toàn soi theo các nền kinh tế của những nước phát triển để đưa ra định hướng giống nhau. Mỗi nước có một đặc trưng. Việt Nam là đất nước có truyền thống nông nghiệp từ ngàn đời, tâm hồn của người Việt là tâm hồn nông dân dù có gọi là gì đi nữa. Câu “dĩ nông vi bản” ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Đồng thời, có rất nhiều cơ sở để tin rằng, Việt Nam nên xem nhóm ngành nông, lâm và thủy sản là nhóm ngành kinh tế trọng điểm. Mong trong tương lai, các chính sách của Nhà nước có chuyển biến mạnh, chú trọng vào nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản hơn - lĩnh vực luôn là hậu phương vững chắc cho sự phát triển của đất nước.

TS. Bùi Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/hau-phuong-nong-nghiep-i316324/