Hậu kiểm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Liệu có thả gà ra đuổi?

Nghị định 15 của CP có hiệu lực, trong đó các cơ quan chức năng thay vì tiền kiểm sẽ chuyển sang hậu kiểm đối với hầu hết các sản phẩm thực phẩm

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay đúng vào thời điểm Nghị định 15 của Chính phủ vừa chính thức có hiệu lực, trong đó các cơ quan chức năng thay vì tiền kiểm sẽ chuyển sang hậu kiểm đối với hầu hết các sản phẩm thực phẩm.

4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mục tiêu của phương thức quản lý này là giúp giảm phiền hà, hạn chế thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay khi chủ trương này được đưa ra, đã có không ít ý kiến lo ngại: Hậu kiểm nếu không được thực hiện tốt chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Cách đây chưa lâu, cảnh sát môi trường đã ập vào bắt quả tang gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP HCM.

Dù biết là thực phẩm bị tiêm thuốc an thần có thể gây ảnh hưởng đến thận, hệ thần kinh và gây ung thư xương, nhưng chủ lò mổ lớn nhất thành phố này vẫn nhẫn tâm sử dụng để thịt lợn trở nên dẻo, mềm, bắt mắt hơn.

Vụ việc nghiêm trọng đó, dĩ nhiên, không phải do doanh nghiệp kinh doanh lò mổ đó tự khai báo mà do sự phối hợp của quần chúng cùng thanh tra thú y, cảnh sát môi trường mật phục nhiều đêm, dầm mình trong mương nước hôi thối quanh khu lò mổ mới bắt được quả tang hành vi tàn độc đó...

Trở lại với bê bối thuốc chữa ung thư giả Vinaca sản xuất từ than tre, nứa. Cả một thời gian dài, các cơ quan chức năng không phát hiện ra hoạt động làm ăn phi pháp của nhà sản xuất. Thậm chí chủ cơ sở sản xuất còn tìm mọi cách qua mắt cơ quan chức năng để được vinh danh trong "Top 10 thương hiệu Việt Nam".

Và bây giờ khi triển khai Nghị định 15, khá nhiều thách thức được đặt ra. Khi đã hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần tự công bố là hầu hết các sản phẩm được lưu thông trên thị trường. Và người tiêu dùng không khỏi lo ngại: Những sự việc nghiêm trọng như vừa nêu nếu trông chờ vào sự tự giác của nhà sản xuất thì sẽ đi tới đâu?

“Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tôi thấy cũng chưa được đảm bảo, ví dụ như cả khu chợ Cơ khí này, chúng tôi vẫn cứ ăn, chứ hiếm khi thấy lực lượng thanh tra tới để kiểm tra rau, thịt cá ở đây”.

“Ở chợ này không thấy ai kiểm tra cả, mạnh ai người ấy bán, chỉ thấy người đến thu tiền”.

“Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cái đó rất gọn nhẹ, nhưng khi họ bán ra thị trường, khi xảy ra chuyện thì người dân ăn cũng là việc đã rồi…” - ý kiến 1 số người dân khi được hỏi về việc hậu kiểm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trước đây, thực hiện tiền kiểm, tất cả các loại thực phẩm trước khi ra thị trường, doanh nghiệp phải công bố sản phẩm và phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, đã ngăn chặn được nhiều vi phạm ngay từ đầu.

Trong điều kiện lực lượng thanh tra thú y, quản lý thị trường mỏng như hiện nay, khi áp dụng hậu kiểm, có phát hiện kịp thời các vụ sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn hay không? Điều đáng nói là không chỉ người dân mà ngay cả cơ quan chức năng cũng lo ngại điều này.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Những điều kiện hiện nay chưa đủ để áp dụng phương thức hậu kiểm. Thanh tra chuyên ngành hiện nay quá ít. Ở Chi cục An toàn thực phẩm chỉ có từ 2-3 người, chỉ có một công chức là được phép thanh tra, còn lại các viên chức chỉ giúp việc, hơn nữa, việc thanh tra cũng chỉ mang tính hành chính, xem có đủ giấy chứng nhận không, việc lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá chưa thực hiện được. Công cụ không có nên việc trả lời sản phẩm đó có đạt chất lượng không là cả một vấn đề”.

Vụ việc Vinaca sản xuất thuốc ung thư giả khiến người tiêu dùng hoài nghi về các giấy chứng nhận.

Trước thực trạng "3 bộ cùng quản lý một gánh bún rong ngoài chợ" như từng nêu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần có một Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm, thay vì 3 Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và 10 ngành khác cùng quản lý cái ăn, thức uống như hiện nay.

Nếu thực tế, việc hậu kiểm cũng bị hạn chế bởi những quy định có phần nới lỏng về kiểm tra hiện nay, bà Trần Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho rằng: “Một đơn vị được chứng nhận loại A và đã có một đơn vị đến kiểm tra, đơn vị đó sẽ yên tâm trong 2 năm tới sẽ không ai được phép đến kiểm tra nữa. Vậy trong 2 năm đó họ sản xuất thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không, không thể biết. Lúc đó ai chịu trách nhiệm?”

Giải đáp băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng có quyền thanh tra đột xuất. Nhưng vấn đề đặt ra là tại những cơ sở biệt lập, xa khu dân cư hoặc có đường vào độc đạo như lò mổ Xuyên Á, làm thế nào để hậu kiểm, nhất là khi năng lực xét nghiệm ở nước ta chưa thể phát hiện được những chất độc hại mới?

“Giảm kiểm tra đối với các doanh nghiệp không có nghĩa là buông lỏng, ngược lại sẽ tăng cường giám sát, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thanh tra chuyên ngành phối hợp với công an trinh sát để phát hiện. Nhiều vụ như bơm tạp chất vào tôm là do thanh tra đột xuất. Thứ 2 là phải phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân, rồi đường dây nóng. Chúng ta phải nghĩ ra cách để giám sát tốt hơn” , ông Vũ Văn Tám nhận định.

Trước lo ngại về việc hậu kiểm có thể dẫn đến tình trạng “thả gà ra đuổi”, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, chúng tôi thường có những đoàn thanh tra, kiểm tra có quyết định, sẽ ít có cơ hội cho các cán bộ thanh tra, kiểm tra vi phạm và việc báo trước không có ý nghĩa trong việc hậu kiểm. Hậu kiểm có thể chúng tôi ra thị trường, chợ hoặc các siêu thị, chúng tôi vẫn có thể lấy mẫu và kiểm tra ngay tại lúc đó, không cần đến tận cơ sở kiểm tra hoặc chúng tôi có chương trình giám sát chủ động sau khi sản phẩm đưa ra thị trường, chúng tôi sẽ kiểm soát và tập trung nguồn lực để tăng cường lực lượng hậu kiểm mạnh hơn nữa”.

Đó là ý kiến của các cơ quan chức năng, còn với người tiêu dùng, dù tiền kiểm hay hậu kiểm, cái mà họ cần là một hệ thống pháp lý đủ mạnh để xử lý thật nghiêm những kẻ gây tội ác bằng sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn. Ngược lại, người dân cũng phải đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện các hộ sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn.

Trong một cộng đồng nhỏ ở địa phương (một làng, một xã) không khó để “vạch mặt, chỉ tên” những hộ nông dân hay những trang trại có hành vi sử dụng chất cấm đầu độc người tiêu dùng. Phải làm sao để người sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn hiểu rằng nếu vi phạm thì chẳng những không còn đường kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật./.

Văn Hải-Phương Thoa/VOV1 -

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/hau-kiem-trong-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-lieu-co-tha-ga-ra-duoi-754281.vov