Hậu hội nghị liên Triều: Chưa nên kì vọng giải giáp hạt nhân

Mối quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã có sự khởi sắc đáng kể từ đầu năm 2018, trong đó không thể không kể đến tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ Năm vừa kết thúc tuần trước ở Bình Nhưỡng, theo The Diplomat.

Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Triều Tiên nắm tay tươi cười trên đỉnh Paekdu. Ảnh: Yonhap

Thành quả đáng chú ý nhất của hội nghị là văn bản thỏa thuận được ký kết bởi các Bộ trưởng Quốc phòng nhằm giảm căng thẳng dọc theo biên giới liên Triều.

Thỏa thuận – được xây dựng suốt nhiều tháng qua – bao gồm những điều khoản quan trọng nhằm hạn chế tình trạng đối đầu trên không, trên đất liền và trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Cùng với đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã giữ đúng lời hứa trong việc hỗ trợ kế hoạch chuyển đổi kinh tế của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Trước đó, hồi đầu năm, ông Kim đã thông qua chiến lược phát triển mới cho Triều Tiên, trong đó ưu tiên đầu tư kinh tế thay vì đẩy mạnh chương trình hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ năm, cũng là hội nghị lần thứ ba giữa hai ông Moon – Kim trong năm 2018, còn cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc trong vai trò trung gian hòa giải trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đối với ông Moon, việc giải quyết các vấn đề liên Triều thông qua hội nghị thượng đỉnh là một mục tiêu quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là việc “hồi sinh” quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều Tiên, vốn đang đóng băng và chưa có nhiều tiến triển.

Tuyên bố Bình Nhưỡng 19/9 cho thấy Chủ tịch Kim đã có những nhượng bộ cụ thể hơn về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân so với thỏa thuận từng kí kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6 và thỏa thuận Bàn Môn Điếm ngày 27/4.

Dù vậy, các điều khoản nhượng bộ này cũng rất hạn chế. Ví dụ, lời hứa tháo dỡ địa điểm thử nghiệm tên lửa đạn đạo Sohae từng được hai ông Trump – Kim thỏa thuận miệng tại Singapore. Lần này, Chủ tịch Kim chỉ đơn thuần nới rộng thỏa thuận và bổ sung thêm các cơ sở phóng vệ tinh gần Sohae.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh các chuyên gia quốc tế chỉ được phép “quan sát” quá trình phá dỡ, mà không thể kiểm tra chính xác phương pháp phá dỡ của Triều Tiên.

Thậm chí, ngay cả khi bãi thử bị vô hiệu hóa, chương trình vệ tinh của Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục.

Cụ thể, cơ sở thử nghiệm vệ tinh ở Đông Bắc Triều Tiên – vốn bị bỏ không từ năm 2009 – có thể sẽ hoạt động trở lại. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể sẽ chuyển sang sử dụng các bệ phóng vệ tinh di động giống như Trung Quốc và Israel.

Ngoài Sohae, khu thử hạt nhân Yongbyon nổi tiếng của Triều Tiên cũng xuất hiện trong tuyên bố Hàn – Triều mới nhất. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không hứa hẹn cụ thể bất cứ điều gì về cơ sở này, mà chỉ tuyên bố “sẽ sẵn sàng đóng cửa bãi thử nếu Mỹ tuân theo các cam kết của thỏa thuận ngày 12/6, bao gồm khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh liên Triều”.

Theo Diplomat, dù không thể phủ nhận những thành công mà hai ông Moon – Kim đã đạt được trong lĩnh vực phát triển quan hệ liên Triều, nhưng cái đích cuối cùng – loại bỏ vũ khí của Triều Tiên – vẫn còn là một mục tiêu xa xôi ở thời điểm hiện tại.

Ít nhất, những nỗ lực của Tổng thống Moon cũng được cho là sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều, vốn là điều cộng đồng quốc tế lo sợ sau khi Tổng thống Mỹ Trump bất ngờ tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Minh Hạnh
Theo The Diplomat

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/hau-hoi-nghi-lien-trieu-chua-nen-ki-vong-ve-viec-giai-giap-hat-nhan-1327195.tpo