Hậu Giang yêu cầu sở, ngành thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 được công bố mới đây cho thấy tỉnh Hậu Giang đã tăng 6 bậc so với kết quả của năm trước. Chính quyền tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải chú trọng khắc phục những yếu tố làm giảm điểm số chung của bảng xếp hạng PCI, đặt mục tiêu tăng 7 bậc chỉ số PCI năm 2019.

 Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị hôm nay, 12-4. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị hôm nay, 12-4. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp quí 1 năm 2019” diễn ra ở tỉnh Hậu Giang vào hôm nay, 12-4.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang dẫn báo cáo PCI năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả PCI năm 2018 của tỉnh Hậu Giang tăng 6 bậc so với kết quả của năm trước đó.

Cụ thể, tỉnh Hậu Giang vươn lên đứng ở vị trí thứ 44/63 địa phương trong cả nước và đứng thứ 10/13 địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Trong 10 chỉ số thành phần, Hậu Giang có 6 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm”, ông Nghĩa cho biết.

Theo đó, trong 4 chỉ số giảm điểm, gồm chỉ số gia nhập thị trường năm 2018 đạt 7,71 điểm, giảm 0,2 điểm so với kết quả của năm 2017; chỉ số về tính minh bạch và chi phí thời gian năm 2018 lần lượt đạt 5,92 và 7,01 điểm, giảm lần lượt là 0,19 và 0,88 điểm so với kết quả của năm 2017. Đặc biệt, chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh năm 2018 đạt 5,96 điểm, giảm 0,72 điểm so với năm 2017.

Chính quyền tỉnh Hậu Giang đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này. Lý giải về sự sụt giảm trên, ông Nghĩa cho biết, đó là do việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thông qua đối thoại chưa đáp ứng yêu cầu, chưa vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Hồng Trung - đơn vị đầu tư cải tạo, nâng cấp Trung tâm Thương mại Nàng Mau (Hậu Giang) cho biết, đã 14-15 năm doanh nghiệp đầu tư vào dự án này, nhưng vẫn chưa xong do vướng mắc về cơ chế.

Theo ông Sơn, đến nay doanh nghiệp đã nhận được đến 34 biên bản, thông báo làm việc giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó, có 2 vấn đề cần giải quyết liên quan đến sở, ngành và 1 liên quan đến cấp huyện. “Nhưng, sau thông báo kết luận lần cuối cùng của lãnh đạo địa phương, thì 19 ngày sau, mới chính thức có văn bản thông báo kết luận và 44 ngày sau các sở mới họp triển khai”, ông cho biết và nói rằng nếu như thời gian giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được rút ngắn, thì chắc chắn PCI của địa phương sẽ tốt hơn.

Theo ông Sơn, khi lãnh đạo địa phương đã có kết luận, lẽ ra các sở ngành chỉ việc tổ chức triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, “nhưng đằng này sở ngành lại tiếp tục họp bàn kết luận của lãnh đạo địa phương nữa là không cần thiết”, ông nói.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, các địa phương trong tỉnh mỗi khi thấy có việc gì khó lập tức làm văn bản “đẩy” lên cho các sở, ngành. “Điều này, các đồng chí thoát được một thời gian, nhưng sau đó các sở ngành gửi xuống, thì các đồng chí nói khó hiểu, khó thực hiện lại làm tiếp văn bản đẩy lên”, ông cho biết và nói rằng việc này cũng là lý do khiến PCI bị đánh giá thấp về chỉ số năng động của chính quyền.

Theo đề nghị của ông Châu, các sở ngành lẫn địa phương trong tỉnh phải lấy doanh% nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. “Phải chấm dứt tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh”, ông nhấn mạnh.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287467/chinh-quyen-hau-giang-bi-danh-gia-kem-nang-dong.html