Hậu Giang ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh, tỉnh Hậu Giang đã xác định hướng đi riêng, đó là phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường.

Những năm qua, nông nghiệp Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ. Ông Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ - đánh giá, nông nghiệp Hậu Giang có quy mô sản xuất nhỏ lẻ; hạ tầng cơ sở và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chưa thật tốt; trình độ nguồn lực giới hạn. Do vậy Hậu Giang cần nhanh chóng thích ứng với sản xuất thông minh, chính xác, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hậu Giang ưu tiên tập trung phát triển nông nghiệp xanh

Hậu Giang ưu tiên tập trung phát triển nông nghiệp xanh

Cụ thể là với sản xuất lúa gạo, Hậu Giang có thể đưa công nghệ viễn thám vào quản lý sản xuất và sâu bệnh; ứng dụng quản lý cây trồng thông qua thiết bị điện thoại thông minh; sử dụng phân bón thông minh để sản xuất lúa gạo theo phương pháp hữu cơ, theo chuỗi giá trị; tổ chức theo hợp tác xã. Còn đối với mô hình nuôi cá da trơn hay cá thát lát quy mô công nghiệp hiện là thế mạnh của địa phương, trong vùng cũng đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, Vì vậy, dễ dàng ứng dụng công nghệ nông nghiệp 4.0 như: tự động hóa, internet kết nối vạn vật (IoT).

Trong khi đó, sản xuất rau, hoa quả, Hậu Giang có lợi thế như khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, bưởi Châu Thành... là những ngành hàng có công nghệ cho tự động hóa từ khâu sản xuất cây giống (gồm cả bầu ươm), cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản... Do đó, cần lựa chọn những loại hoa, quả có quy mô sản xuất tập trung, có công nghệ và thị trường để thí điểm.

Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc xác định được mô hình, hướng đi thích hợp thì vấn đề giống, vốn cũng như sự hỗ trợ từ các Công ty, tập đoàn trong tiêu thụ rất quan trọng.

Về vấn đề này, đại diện Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm cho biết, đơn vị sẵn sàng chia sẻ thông tin, nguồn lực cũng như mối quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động với bà con nông dân tỉnh Hậu Giang; tham gia thực hành nông nghiệp thông minh thông qua các dự án hợp tác; đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào các dự án nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch tại tỉnh Hậu Giang.

Đại diện Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh khẳng định, sự liên kết người cung cấp, nhà máy sản xuất và thị trường sẽ tăng lợi lợi nhuận tiết kiệm thời gian, dễ dàng tạo ra sản phẩm chất lượng. Sự liên kết này cũng ý nghĩa làm giảm bớt chi phí sản xuất làm tăng lợi nhuận nhờ vào việc giảm chi phí đầu tư (phân bón thuốc sâu…), giảm sản phẩm hỏng, giảm thời gian tồn trữ vận chuyển… Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nên giữ vai trò chính là áp dụng các công nghệ mới, hướng dẫn và giám sát quá trình sản xuất của nông dân, cung ứng “đầu vào” (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị, công nghệ…) và bao tiêu “đầu ra” cho các hợp tác xã, hoặc các tổ chức sản xuất nông nghiệp được chọn lựa trong vùng nguyên liệu. Do đó công ty, sẽ tư vấn cho nông dân - người trực tiếp sản xuất được hưởng lợi những chính sách này. Từ đó, thay đổi nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm của các thành viên và hợp tác xã.

Để hiện thực hóa mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, Hậu Giang cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, các doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân. Trong đó, người nông dân phải mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hau-giang-uu-tien-phat-trien-nong-nghiep-xanh-nong-nghiep-thong-minh-117329.html