Hậu Giang: Thu hút nhà đầu tư chiến lược

Việc xác định mục tiêu cụ thể cùng chiến lược phát triển 10 sản phẩm mũi nhọn, chủ lực đã và đang giúp tỉnh Hậu Giang vượt qua nhiều khó khăn, giữ ổn định sản xuất công nghiệp, xuất khẩu.

 Sản xuất chế biến cá thát lát tại Hợp tác xã Kỳ Như

Sản xuất chế biến cá thát lát tại Hợp tác xã Kỳ Như

Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đến nay, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thu hút được 34 nhà đầu tư với tổng mức đầu tư trên 3.200 tỷ đồng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND những địa phương có liên quan, công tác hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp được thực hiện khá tốt. Kết thúc năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt 40.799 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng 7,6%.

Với những con số tích cực trên, Sở Công Thương đã đề ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2020: Tăng giá trị sản xuất công nghiệp lên 46.695 tỷ đồng (tăng hơn 14% so với năm 2019); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa là 1,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 770 triệu USD. Để làm được, trong năm nay, công tác thu hút, kêu gọi đầu tư sẽ được chú trọng, nhất là tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược có nhiều tiềm năng để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Cùng với đó, việc xác định tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn như cá thát lát, mãng cầu… đang giúp Hậu Giang có kế hoạch cụ thể nhằm đưa những sản phẩm này tiếp cận và mở rộng thị trường hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thậm - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang - cho biết, trong năm nay, Hậu Giang vẫn hướng vào phát triển mạnh hơn cho 10 sản phẩm mũi nhọn gồm bưởi Năm Roi, cam sành, cam đường, xoài, dứa, chanh không hạt, các loại cá nước ngọt, cá thát lát, mãng cầu, mía… Tuy nhiên, Sở sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến mạnh hơn cho 2 sản phẩm là cá thát lát và mãng cầu, đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm này. Việc chú trọng vào những sản phẩm tiêu biểu sẽ giúp các hộ sản xuất, chủ cơ sở, hợp tác xã ứng phó tốt hơn trước biến động giá thị trường và mở rộng tiêu thụ, xuất khẩu ra nhiều tỉnh, thành phố trong, ngoài nước.

Là cơ sở nhận được hỗ trợ tích cực từ công tác xúc tiến, quảng bá của Sở Công Thương, bà Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như - chia sẻ: Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã thu mua khoảng 1,5 tấn cá thát lát nguyên liệu của 11 hộ xã viên và 8 hộ liên kết, cung ứng cho các siêu thị lớn như Tứ Sơn, VinMart, Lotte Mart tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nên chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc, chủ động nguyên liệu, đảm bảo chất lượng cá tốt nhất. Dự kiến, trong năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường xúc tiến thương mại qua hỗ trợ từ Sở Công Thương nhằm mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành phố.

Theo ngành Công Thương Hậu Giang, hiện nay, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa thực sự phát triển. Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị, liên kết giữa các "mắt xích" của chuỗi, từ việc trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, hướng tới phát triển bền vững.

Với vai trò quản lý nhà nước tại địa phương, Sở Công Thương sẽ nỗ lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản có lợi thế. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, thường xuyên đối thoại, nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hau-giang-thu-hut-nha-dau-tu-chien-luoc-132412.html