Hậu Giang: Sản lượng lúa tăng 49.688 tấn so với năm 2019

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, diện tích gieo trồng lúa cả năm 2020 của toàn tỉnh này là 196.779ha, tăng 0,3% so cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, tăng 0,25 tấn/ha so cùng kỳ; sản lượng đạt 1.308.612 tấn, tăng 3,95% so với cùng kỳ.

Sản xuất lúa chất lượng cao ở Hậu Giang. (Ảnh: Báo Hậu Giang)

Sản xuất lúa chất lượng cao ở Hậu Giang. (Ảnh: Báo Hậu Giang)

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang thì việc chuyển đổi cơ cấu giống từ chất lượng thấp sang chất lượng cao đã góp phần nâng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá lúa trung bình năm 2020 cao hơn từ 300-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2019, nông dân có lợi nhuận từ 30%.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và các địa phương còn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và đã có khoảng 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết bao tiêu lúa với diện tích 30.052ha, có 23.509 hộ tham gia.

Được biết, thời gian qua, nhằm tìm hướng ra bền vững cho sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều giải pháp cụ thể trước mắt cũng như lâu dài trong lĩnh vực này, bởi đây là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, hằng năm có khoảng 270.000 ha diện tích đất sản xuất lúa. Sản xuất lúa của tỉnh có 3 vụ/ năm, trong đó nhóm lúa thơm và lúa chất chất lượng cao chiếm khá cao trong cơ cấu sản xuất.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đang tập trung rà soát vùng sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng bố trí mùa vụ hợp lý, đây mạnh mô hình chuyển đổi cho phù hợp. Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ và công nghệ cao trong sản xuất lúa. Tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng hình thành chuổi liên kết, tiêu thụ, tăng cường xúc tiến thương mại và tìm thị trường tiêu thụ.

Cũng trong thời gian qua, với sự tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật và đầu tư hệ thống thủy lợi, hiện các vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng được vực dậy bằng việc cung cấp nguồn lúa, gạo chất lượng góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và cải thiện nguồn thu nhập cho nông dân.

Từ khi quy hoạch thực hiện vùng lúa chất lượng cao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã cùng ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, hệ thống cống, đập đã tương đối hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất cho người dân. Ngoài ra, thông qua chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô hàng năm, các địa phương còn thường xuyên thực hiện nạo vét thủy lợi nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất vào mùa hạn, mặn.

Song song với đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng ngoài ruộng, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang còn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, qua đây từng bước nâng cao kiến thức cho bà con về các giải pháp canh tác lúa đạt hiệu quả. Hậu Giang là 1 trong 8 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện thí điểm “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)” trên cây lúa, đây là mô hình đi rất sâu vào việc sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh ngày càng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thì có một yếu tố khác được ngành chức năng nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây là việc tuyên truyền người dân từ chỗ làm lúa kém chất lượng chuyển sang sản xuất lúa chất lượng cao và việc làm này đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Cùng với việc nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng giống lúa gieo sạ theo khuyến cáo thì với nhận định của nhiều doanh nghiệp, một trong những điều khiến họ tìm đến Hậu Giang để thu mua lúa trong các năm qua là chất lượng hạt gạo nơi đây khá tốt so với nhiều tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long do điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất nơi đây tạo nên. /..

K.V

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/hau-giang-san-luong-lua-tang-49688-tan-so-voi-nam-2019-569418.html