Hậu Giang: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP

Ngày 15/12, tại thành phố Vị Thanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo 'Phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)'. Hơn 400 đại biểu đại diện các bộ, ngành của Trung ương và chính quyền, cơ quan ban ngành các tỉnh, thành phía Nam, các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ nhân có sản phầm OCOP tham dự.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu với hội thảo.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu với hội thảo.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay, đã có 51 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, 2.965 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó 61,4% sản phẩm 3 sao, 36,2% sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao (vượt 1,24 lần so với mục tiêu của chương trình giai đoạn 2018 - 2020, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 3.200 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên). Hơn 1.573 chủ thể tham gia, trong đó có 36,8% là các hợp tác xã; 30,3% là doanh nghiệp và 31,1% là các cơ sở, hộ sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác.

Đặc biệt, cả nước đã có 18 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận OCOP, trong đó nhiều nhất cả nước hiện nay là vùng miền núi phía Bắc với 7 sản phẩm; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 với 5 sản phẩm của 3 tỉnh (Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long).

“Du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững của du lịch thế giới hiện nay, tại Việt Nam cũng đã có những mô hình thành công, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 60% dân số sống ở nông thôn, cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo nên việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng thể hoạt động của ngành Du lịch.

Ngày 20/10/2020 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo về “Thực trạng và tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn” tại tỉnh Hòa Bình. Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; kết nối thị trường thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản, phát triển bền vững mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tại hội thảo này, hai Bộ đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các nội dung này trong thời gian tới” - Ông Trần Thanh Nam nói.

Tại hội thảo các diễn giả, các chuyên gia bàn nhiều đến việc xây dựng sản phẩm OCOP và cho rằng khai thác sản phẩm này thành sản phẩm dịch vụ du lịch để hấp dẫn du khách hơn.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu với hội thảo.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2018 - 2020, đến nay Hậu Giang đã công nhận 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho 21 chủ thể tham gia, trong đó, có 26 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 03 sao, với các sản phẩm tiêu biểu như: Cá thát lát, khổ qua rừng nhân chả cá thát lát, rượu, mứt khóm, trà mãng cầu; trà khổ qua rừng, gạo... hầu hết các sản phẩm này đã có mặt tại các chợ đầu mối, nhiều siêu thị và các kênh phân phối trên cả nước.

“Bên cạnh lợi thế về nông nghiệp, Hậu Giang đang được chú ý đến với nhiều lợi thế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa; du lịch sông nước miệt vườn kết hợp vui chơi giải trí. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, du lịch Hậu Giang đã có những bước đi khá ổn định với việc khai thác hiệu quả những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, địa hình, sản phẩm đặc trưng…

Theo đó, mô hình du lịch cộng đồng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển và hiện đã hình thành một số địa chỉ thu hút du khách tham quan và trải nghiệm như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, vườn dâu Thiên Ân, khu trải nghiệm làm nông dân “Miệt Ngàn”, đặc biệt là trang trại sữa dê Ngọc Đào mà nhiều đại biểu đã có dịp đến tham quan. Bên cạnh đó, một số làng nghề đã được công nhận và được đưa vào chương trình tham quan du lịch như Làng trầu Vị Thủy, làng nghề đan đát Vị Thắng…” - Ông Đồng Văn Thanh chia sẻ.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Một trong những mục tiêu cơ bản của chương trình là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và một trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình là dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang xuất hiện những dự án mô hình du lịch cộng đồng với Chương trình mỗi xã một sản phẩm như: Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm và Du lịch cù Lao Dung (Sóc Trăng); Làng Văn hóa - Du lịch Chợ Lách (Bến Tre); Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang)…

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, ông Ngô Hoài Chung - Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch cho biết: “Các hoạt động du lịch cộng đồng gắn với bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm chủ yếu do cư dân nông thôn thực hiện, gắn với canh tác, sản xuất, gắn với nông nghiệp - nông thôn. Thời gian gần đây, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp - nông thôn ở nước ta dần chiếm một chỗ đứng quan trọng và bước đầu có những kết quả đáng khích lệ. Định hướng phát triển dịch vụ du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khai thác sức mạnh cộng đồng, hỗ trợ các cơ sở cung cấp dịch vụ hoàn thiện các điều kiện để đáp ứng yêu cầu phân hạng theo bộ tiêu chí OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng…

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

Có thể khẳng định việc coi phát triển du lịch, trong đó hướng về du lịch cộng đồng là một thế mạnh khi xây dựng chương trình OCOP và căn bản xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất đúng đắn. Cần xây dựng thành chiến lược, có kế hoạch, chương trình tổng thể về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bộ tiêu chí chương trình OCOP, yêu cầu mỗi địa phương, mỗi xã có một sản phẩm cộng đồng gắn với chương trình OCOP. Coi đây là tiêu chí để công nhận nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…”.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hau-giang-phat-trien-du-lich-cong-dong-gan-voi-san-pham-ocop-295314.html