Hậu Giang: Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu

Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có 11 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 508 đảng bộ, chi bộ cơ sở; 1.583 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 33.680 đảng viên. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Từ đó, phát huy vai trò tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo sự lan tỏa, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có 11 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 508 đảng bộ, chi bộ cơ sở; 1.583 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 33.680 đảng viên. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Từ đó, phát huy vai trò tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo sự lan tỏa, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

 Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang tại buổi họp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang tại buổi họp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Nhiều kết quả tích cực

Xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tham mưu, quán triệt, cụ thể hóa các quy định của Đảng; xây dựng thành những quy định cụ thể, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 3-4-2013 “Về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 1972-QĐ/TU ngày 23-5-2019 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị”. Những quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được thực hiện đồng bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm hướng dẫn của Trung ương về “Xây dựng bản cam kết, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng”, “Gợi ý một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)”. Theo đó, căn cứ vào những nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nội dung Chỉ thị 05 và quy định về trách nhiệm nêu gương, khi xây dựng kế hoạch, chương trình, nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, các cấp ủy, chính quyền chủ động, ưu tiên chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm đưa vào nội dung kế hoạch, chương trình, nghị quyết hằng năm để giải quyết.

Tập trung quán triệt sâu kỹ, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các quy định của Trung ương, của tỉnh, Hậu Giang đã sớm hình thành tinh thần “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Việc thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đạt được nhiều kết quả tích cực; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực hiện khá nghiêm túc, đầy đủ các nội dung phải nêu gương.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương ở các nội dung: Chính trị, tư tưởng; đạo đức lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Đa số người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu gương tốt trong tác phong, lề lối làm việc, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; làm việc có phương pháp khoa học, thực hiện đúng quy định, nguyên tắc. Trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng trên các lĩnh vực; nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điển hình 2 năm gần đây là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiên phong nêu gương trong phòng, chống dịch Covid-19; không ngại khó, ngại khổ, xung phong ngày đêm ở tuyến đầu để chống dịch, giữ bình yên cuộc sống. Trong hai đợt sinh hoạt chính trị lớn là Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dù nhiệm vụ thường xuyên không giảm và phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhưng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu kép.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cũng đặc biệt quan tâm củng cố mối quan hệ mật thiết với Nhân dân; thực hiện tốt việc tiếp dân định kỳ và đột xuất, đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại chính đáng của dân. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 480 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đúng thẩm quyền; tổ chức tiếp dân định kỳ và đột xuất hơn 2.200 cuộc; tổ chức đối thoại trực tiếp và đột xuất trên 50 cuộc. Nổi bật nhất là tỉnh tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại các xã, thị trấn, với trên 10.000 đại biểu tham dự và đóng góp hơn 1.860 ý kiến.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị; quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình xây dựng Đảng, nhiều cấp ủy đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình để cùng nhau khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Từ năm 2017-2021, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình được tổ chức đạt yêu cầu đề ra, kiểm điểm đúng quy trình từ lãnh đạo cao nhất đến cấp thấp hơn. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện kiểm điểm sâu đối với tập thể và 2 cá nhân; đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm đó là: Việc nắm bắt và giải pháp xử lý tình hình dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời, lúng túng; chưa chủ động phát hiện các sai phạm, chưa làm tốt công tác hậu kiểm tra; chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở chuyển biến còn chậm; tuy mức độ không cao nhưng có lúc, có đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy có biểu hiện suy thoái biểu hiện như: còn nể nang, ngại va chạm, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong công việc… Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục và đến nay cơ bản sửa chữa được các hạn chế, khuyết điểm.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên giám sát gắn với phản biện, phê bình những cán bộ lãnh đạo nêu gương hình thức, nêu gương vì động cơ, mục đích cá nhân; kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký nêu gương của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị; việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của tập thể, cá nhân và cán bộ, đảng viên. Hằng năm, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các chi bộ, đảng bộ cơ sở trong việc triển khai thực hiện quy định. Do vậy, đã góp phần tác động, hiệu quả tích cực đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy.

Bài học kinh nghiệm

Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu gương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang rút ra được những bài học kinh nghiệm.

Các cấp ủy thường xuyên quán triệt các quy định về nêu gương ở các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên hiểu sâu, nắm vững cùng với tập thể tạo ra phong trào thi đua nêu gương sáng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, quy định về nêu gương, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải có động cơ nêu gương, làm gương trong sáng; thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương; thực hiện nêu gương thường xuyên, liên tục, đến nơi đến chốn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với cấp ủy, chi bộ nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ và giám sát thực hiện. Đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp báo cáo việc đăng ký nêu gương trước tập thể cấp ủy và trước chi bộ đang sinh hoạt.

Hằng năm, cấp ủy cấp trên phải tổ chức kiểm tra đối tượng trực thuộc trong việc đăng ký và thực hiện quy định nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới; cấp ủy cùng cấp kiểm tra việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ và đảng viên của cấp mình; có hình thức biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, đơn vị làm tốt và nhắc nhở, kiểm điểm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Tập thể cấp ủy, chi ủy chi bộ ở cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức cho đoàn viên, hội viên giám sát quá trình đăng ký và thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.

T.S

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/can-bo/hau-giang-phat-huy-vai-tro-neu-guong-cua-nguoi-dung-dau-17661