Hậu Giang: Nước mặn xuất hiện với nồng độ cao và lấn sâu vào nội đồng

Độ mặn cao nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt mức 18,6‰, cao sấp sỉ với độ mặn lịch sử vào năm 2016.

 Triển khai gia cố, đắp đập tạm ngăn mặn tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Triển khai gia cố, đắp đập tạm ngăn mặn tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện đang là cao điểm mùa khô, tình hình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp và gay gắt. Nước mặn xuất hiện với nồng độ cao và lấn sâu vào nội đồng. Cụ thể, trong tháng 2 vừa qua, độ mặn cao nhất trên địa bàn tỉnh đạt mức 18,6‰, cao xấp xỉ với độ mặn lịch sử vào năm 2016.

Do ảnh hưởng của triều cường dâng cao vào giữa tháng 2 vừa qua, đã gây ra sự cố vỡ 4 đập cải tiến trên địa bàn huyện Long Mỹ. Vụ việc đã làm cho nước mặn từ 4-8‰ xâm nhập vào nội đồng, gây ảnh hưởng trên 800 ha lúa ĐX của người dân các xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Lương Nghĩa.

Sau sự cố, ngành chức năng huyện Long Mỹ đã khắc phục kịp thời về công trình và vận động người dân có lúa bị nước mặn xâm nhập tiến hành thực hiện các biện pháp xử lý hiệu quả, nhờ vậy, mức độ ảnh hưởng không lớn.

“Qua dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương và khu vực, từ ngày 7-12/3, trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra đợt xâm nhập mặn rất lớn, với nồng độ mặn từ bằng đến cao hơn so với mức đỉnh điểm của tháng 2 vừa qua là 18,6‰. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh cần có giải pháp chủ động ứng phó ngay thời điểm này”, ông Hùng khuyến cáo.

Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hau-giang-nuoc-man-xuat-hien-voi-nong-do-cao-va-lan-sau-vao-noi-dong-d259190.html