Hậu Giang nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp

Dù xuất khẩu trong các tháng đầu năm 2017 tăng trưởng nhưng trước những khó khăn mới từ phía các thị trường nhập khẩu, Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.

Xuất khẩu khả quan

Thống kê của Sở Công Thương Hậu Giang cho thấy, tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh Hậu Giang đã xuất khẩu đạt 285.364 triệu USD, tăng 25,85% so với cùng kỳ và đạt 49,37% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp đạt 252,944 triệu USD, ủy thác xuất khẩu đạt 3,988 triệu USD, dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đạt 28,432 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao là thủy sản, lúa gạo, dệt may, da giày…

Nhờ xuất khẩu tăng nên sản lượng thủy sản đông lạnh sản xuất đến tháng 6/2017 của các DN trong tỉnh đạt 24.891,64 tấn, tăng 6,22% so với cùng kỳ; bánh kẹo các loại 1.909,29 tấn, tăng 2,60% so cùng kỳ; quần áo may sẵn 300,55 nghìn cái, tăng 5,16% so cùng kỳ; mũi giày da ước được 5.706,89 nghìn đôi, tăng 8,25% so với cùng kỳ…

Tăng trưởng nhưng không vội mừng

Mặc dù xuất khẩu có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng theo đánh giá của Sở Công Thương Hậu Giang, trong các tháng tới đây, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như thủy sản, lúa gạo… sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.

Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Văn Thậm- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - cho biết, hiện nay, các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và các nước EU đã và đang thực hiện chương trình kiểm tra giám sát đối với các sản phẩm thủy sản chế biến có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, một thị trường tiềm năng khác là Australia cũng đang thực hiện lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm tôm chế biến của các DN xuất khẩu Việt Nam. Thậm chí, trong thời gian tới, một số mặt hàng xuất khẩu có thể gặp khó khăn từ việc thanh tra của Cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF). Do đó, các DN xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng cũng như xuất khẩu hàng đi. Vì vậy, giá trị xuất khẩu có thể giảm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của ngành Công Thương Hậu Giang, hầu hết các DN của tỉnh là DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính yếu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, nhiều DN còn không mặn mà trong việc tham dự các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thông qua các lớp đào tạo, tập huấn do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, dẫn đến việc không cập nhật đầy đủ, chính xác những thông tin, thay đổi của thị trường.

Thúc đẩy xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những khó khăn nêu trên, trong các tháng tới, Sở Công Thương Hậu Giang sẽ quan tâm, hỗ trợ tốt hơn cho công tác xúc tiến thương mại, nhất là tại thị trường nước ngoài; thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN để kịp thời hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, Sở Công Thương sẽ là đầu mối liên hệ với các đơn vị tổ chức Đoàn kết nối giao thương, xúc tiến thương mại tại Malaysia, Philippines, Campuchia… để kết nối cho DN trong tỉnh tham gia khảo sát, quảng bá sản phẩm. Đồng thời vận động các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm tại nước ngoài như: Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào năm 2017 tại tỉnh Savannakhet (Lào); Hội chợ triển lãm thương mại - dịch vụ - du lịch TP. Hồ Chí Minh - TP. Yangon, Myanmar 2017 lần VI tại Myanmar; các kỳ hội chợ dịch vụ toàn cầu 2017 tại Ấn Độ…

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hau-giang-nang-cao-hieu-qua-xuc-tien-thuong-mai-cho-doanh-nghiep-88132.html