'Hậu Giang không có vùng cấm trong xử lý vi phạm ô nhiễm'

Đó là khẳng định của chủ tịch UBND tỉnh này tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh.

Liên quan đến Nhà máy mía đường - cồn Long Mỹ Phát xả thải hồi tháng 4-2019, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND, tỉnh khẳng định quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy sức khỏe người dân và môi trường.

Ông nhấn mạnh không có vùng cấm xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm về môi trường, cho dù đó là ai.

 trên sông cái nước Đục hồi tháng 3-2019.

trên sông cái nước Đục hồi tháng 3-2019.

Ông Lê Tiến Châu cho hay đối với Nhà máy đường Long Mỹ Phát, ngày 23-7-2019, tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường với số tiền 714 triệu đồng. Cùng với đó, đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của công ty trong thời gian 4,5 tháng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trước khi hoạt động trở lại.

Để không tái diễn sự cố về môi trường, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Sở TN&MT, công an tỉnh và chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của nhà máy và các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để xử lý kịp thời, không để xảy ra hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tại phiên chất vấn HĐND tỉnh. Ảnh: CHÂU ANH

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, nguồn gây ô nhiễm môi trường không chỉ do các nhà máy mà còn do chính từ ý thức của người dân. Cụ thể, do thói quen của một số bà con là tất cả những gì có thể thảy xuống sông, thảy xuống kênh thì cứ thảy.

Cạnh đó, nhiều hộ nuôi các loại động thực vật trên kênh rạch, trên sông cũng là nguồn gây ô nhiễm. “Sắp tới đây, lãnh đạo tỉnh sẽ có các giải pháp cụ thể từng bước khắc phục tình trạng này” - chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu.

Đại biểu HĐND tỉnh Hậu Giang chất vấn chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: CHÂU ANH

Nói về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ông Châu thông tin qua gần ba năm triển khai, các đơn vị sở, ban, ngành tỉnh đã xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, phương án sắp xếp của 19 sở, ban, ngành.

Theo đó, từ 137 phòng chuyên môn đã sắp xếp còn 89 phòng chuyên môn (giảm 48 phòng và 69 trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành). Đặc biệt, UBND tỉnh đã thực hiện thí điểm thành công việc thi tuyển đối với vị trí phó giám đốc Sở Công Thương và phó trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác và ý kiến chỉ đạo của trung ương với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị, chứ không chạy theo thành tích” – ông Châu cho biết.

Đại biểu HĐND tỉnh Hậu Giang chất vấn chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: CHÂU ANH

Trả lời câu hỏi của đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn về vấn đề xử lý rác thải, chủ tịch UBND tỉnh thông tin hiện toàn tỉnh có ba bãi rác, hiện đang xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Để xử lý triệt để tình trạng rác thải làm ảnh hưởng người dân, tỉnh đã kêu gọi và có một doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy xử lý rác bằng hình thức đốt rác phát điện đặt ở xã Hòa An (Phụng Hiệp). Quy mô dự án là 23 ha, đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư, bản thân doanh nghiệp cũng đã tiến hành hoàn thiện rất nhiều thủ tục để triển khai. “Lĩnh vực này rất nhạy cảm, rất nhiều thủ tục nên tiến độ triển khai có hơi chậm hơn so với dự kiến. Theo cam kết, nhà máy điện rác sẽ đưa vào vận hành” - ông Châu cho biết thêm.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/hau-giang-khong-co-vung-cam-trong-xu-ly-vi-pham-o-nhiem-875357.html