Hậu Giang: Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong việc đầu tư hệ thống cấp nước

(TN&MT)- Trong những năm qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng hàng trăm công trình cấp nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng tỷ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh lên hơn 93%, trong đó hơn 60% số dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung...

Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng tăng, trong khi nguồn ngân sách đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, mặc dù trong thời gian qua tỉnh đã đầu tư nhiều công trình nước sạch, nhưng do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Cùng với đó, nguồn thu từ tiền cung cấp nước không đủ để bù sửa chữa, nâng cấp, dẫn đến chất lượng nước cũng như hoạt động của một số trạm cấp nước chưa được ổn định, gây bức xúc cho người dân. Điển hình là vào đầu năm 2017, trạm cấp nước tại ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A của Trung tân Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn tỉnh Hậu Giang bị ngưng hoạt động. Tuy sau một thời gian cũng được cơ quan quản lý khắc phục, sửa chữa, nhưng đã gây không ít khó khăn cho hàng chục hộ dân nơi đây.

Do khó khăn về nguồn kinh phí nên trong thời gian qua, trạm cấp nước tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang là một trong số ít trạm cấp nước được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường đầu tư nâng công xuất hoạt động đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân nơi đây

Trạm cấp nước tập trung tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp đi vào hoạt động được khoảng 5 năm nay đã góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng nước của người dân khu vực nông thôn. Trạm có công suất hoạt động 30m3/giờ cung ứng cho khoảng 1.000 hộ. Tuy nhiên, do đã đưa vào sử dụng khá lâu, nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng tăng, cộng thêm đấu nối các trạm cấp nước mini nên trạm cấp nước gần như bị quá tải. Anh Dương Quốc Cường, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp cho biết, trong thời gian qua gia đình anh sử dụng nguồn nước tại Trạm cấp nước tập trung xã Hòa Mỹ, nhưng vì nằm ở cuối tuyến đường ống, nên nguồn nước cung cấp đôi khi không ổn định, nhất là vào thời điểm cuối giờ chiều mỗi ngày. Để có nước sử dụng liên tục, gia đình tôi phải bơm vào thùng chứa để dự trữ, bởi thế hầu hết hộ dân ở đây ai cũng mong trạm cấp nước được nâng cấp để có nguồn nước được sử dụng ổn định hơn.

Ông Đỗ Hoàng Huynh, quản lý Trạm cấp nước tập trung xã Hòa Mỹ, cho biết: "Do nhu cầu sử dụng nước rất lớn nên trạm dường như không đáp ứng đủ, nhất là lúc cao điểm những đoạn cuối nguồn thường xảy ra tình trạng thiếu nước sử dụng. Mặc dù thiếu nước, nhưng những hộ chưa có đường ống đi qua vẫn yêu cầu đầu tư thêm để các hộ có nước sử dụng. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên việc mở rộng mạng lưới là rất khó".

Do khó khăn về nguồn kinh phí để đầu tư cho hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh, nên vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang đã chấp thuận chủ trương cho phép liên doanh liên kết với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp ...trong việc đầu tư hạ tầng cấp nước. Đây là điều kiện thuận lợi giúp thu hút được nhiều nguồn vốn để đầu tư khắc phục các trạm cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời xây dựng mới các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng của người dân.

Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang tiến hành thực hiện các thủ tục để triển khai thí điểm theo hình thức liên doanh, liên kết tại 2 trạm cấp nước tập trung ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp và xã Long Trị, huyện Long Mỹ. Theo đó, Trạm cấp nước tập trung xã Hòa Mỹ sẽ được nâng cấp công suất từ 30m3/giờ lên 100m3/giờ, còn Trạm cấp nước tập trung xã Long Trị sẽ được nâng cấp giai đoạn 1 từ 25m3/giờ lên 70m3/giờ. Hai trạm này sẽ xây dựng theo hình thức vốn của nhà đầu tư và bán nước sạch sau khi xử lý cho trung tâm qua đồng hồ tổng...

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Văn Lòng cho rằng: "Việc xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết trong việc đầu tư hệ thống cấp nước là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay và giải chi phí đầu tư so với trước đây. Khi việc đầu tư, xử lý nước đã có nhà đầu tư thì trung tâm chỉ còn lo mở rộng mạng lưới và sau khi các trạm cấp nước được thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết hoàn thành sẽ đáp ứng được mục tiêu nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên toàn tỉnh Hậu Giang".

Lê Hùng

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/201711/hau-giang-day-manh-lien-doanh-lien-ket-trong-viec-dau-tu-he-thong-cap-nuoc-2865559/