Hậu Giang chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Trước thay đổi khó lường của thời tiết và ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, tỉnh Hậu Giang luôn phải đối mặt với tình trạng khô hạn và mặn xâm nhập cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân…

Ngay từ rất sớm, tỉnh Hậu Giang đã đề ra kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, không chỉ thường xuyên tuyên truyền đến mọi người dân, mà tỉnh cũng tăng cường các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, chống khô hạn bằng nhiều công trình được đầu tư khép kín. Đầu năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành kế hoạch cụ thể phòng, chống hạn, mặn, ngoài việc chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn, các ngành chức năng của Hậu Giang còn tổ chức kiểm tra hệ thống cống, đập ngăn mặn trên địa bàn tỉnh.

Trước dự báo nồng độ mặn sẽ lấn sâu trên địa bàn, cùng với đó là các đợt triều cường sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân vùng trũng, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn, Chi cục Thủy lợi của tỉnh phối hợp với các địa phương kiểm tra các hệ thống đê, cống, đập ngăn mặn, đập thời vụ…, đã có nhiều dự án cống, đập ngăn mặn khép kín được hoàn thiện, phục vụ cho công tác chống mặn xâm nhập, trong đó, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã bảo vệ tốt sản xuất của nông dân. Ngoài hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh giai đoạn 1, dự án cống Hậu Giang 3 cũng là một trong những công trình thủy lợi giúp bảo vệ diện tích sản xuất của nông dân trước nguy cơ xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm.

Mặn xâm nhập sâu khiến nhiều diện tích cây trái không thể sinh trưởng và phát triển, năng suất, chất lượng trái cây sụt giảm (Ảnh: K.V)

Tại thành phố Vị Thanh, hệ thống thủy lợi gồm 4 tuyến đê bao chính, với tổng số 105 cống, trong đó có 31 cống hở và 10 cống ngầm do tỉnh quản lý và thành phố Vị Thanh quản lý 23 cống hở, 41 cống ngầm, 6 đập ngăn mặn. Ngoài ra, địa bàn Thành phố này cũng được bao bọc bởi nhiều dự án, như hệ thống đê bao chống lũ phía Bắc Xà No, hệ thống đê bao ngăn mặn Nam Xà No; hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh; hệ thống đê bao sông Cái Lớn từ Hóc Hỏa đến kênh Năm; hệ thống cống nội đồng xã Hỏa Tiến, xã Tân Tiến và xã Vị Tân… Cùng với các công trình ngăn mặn đã sẵn sàng vận hành, Trạm thủy lợi thành phố Vị Thanh còn áp dụng công nghệ thông tin vào quan trắc giúp đo nồng độ mặn mọi thời điểm trong ngày. Sáng kiến này đã giúp địa phương chủ động hơn trong kiểm soát, ứng phó mặn và được tỉnh đánh giá cao.

Năm 2018, Hậu Giang có 3 cống ứng dụng vận hành bằng pít tông thủy lực. Đó là cống Hóc Hỏa ở thành phố Vị Thanh; cống Năm Căn ở huyện Long Mỹ; cống Hậu Giang 3 ở huyện Phụng Hiệp. Qua chuyến khảo sát cho thấy, mô hình này vận hành rất tốt, thời gian đóng cống nhanh đảm bảo cho tình huống cấp bách. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, những năm gần đây, hệ thống cống do tỉnh đầu tư đa số phục vụ kịp thời cho công tác ngăn mặn.

Cùng với đầu tư hệ thống thủy lợi, các ngành chức năng của Hậu Giang sẽ phối hợp chặt chẽ để thông tin, tuyên truyền kịp thời tới mỗi người dân về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, nhất là trên hệ thống truyền thanh địa phương để người dân cập nhật thường xuyên, chủ động đề phòng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, đơn vị đã chỉ đạo trạm thủy lợi các địa phương chủ động đo đạc, dự báo một cách nhanh nhất. Hàng ngày đều có thông tin bằng tin nhắn trên điện thoại di động cho các cấp lãnh đạo từ cơ sở cho đến tỉnh để kịp thời chỉ đạo ứng phó. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, cống, đập ngăn mặn, để khi nước mặn ở mức từ 1,5 phần nghìn trở lên sẽ tiến hành đóng tất cả các cống ngăn không cho nước mặn vào nội đồng. Và trước khi nước mặn xâm nhập nồng độ cao, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn.

Trên cơ sở mục tiêu phòng, chống xâm nhập mặn, khô hạn, tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt các kế hoạch, giải pháp đã đề ra để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương phải tổ chức rà soát các hộ thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt, nhằm có biện pháp giúp đỡ kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu hàng ngày trong giai đoạn xâm nhập mặn.

Cùng với đó, tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, thực hiện giải pháp hỗ trợ các hộ có nguy cơ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số khi xâm nhập mặn diễn ra. Như vậy, với công tác dự báo và những giải pháp công trình thiết thực từ tỉnh, các ngành đến địa phương đang trong sự chủ động sẽ sẵn sàng ứng phó với diễn biến của xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay./..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/hau-giang-chu-dong-ung-pho-voi-xam-nhap-man-509699.html