Hậu dự án lọc dầu tỷ đô - hàng loạt cán bộ tại Phú Yên hầu tòa

Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên tiếp tục triệu tập cựu Chủ tịch và cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 13 thuộc cấp trước vành móng ngựa để xét xử phiên sơ thẩm lần thứ 2, sau phiên sơ thẩm lần 1 và phiên phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng...

Sáng 6-11, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 2 đối với các ông Nguyễn Tài, cựu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 14 bị cáo tại huyện này, liên quan đến vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại địa phương này năm 2013 - 2014.

Đối với vụ án này, trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Yên đã truy tố 16 bị can cùng tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng – quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù.

16 bị cáo đa số là cựu cán bộ huyện Đông Hòa tại tòa

16 bị cáo đa số là cựu cán bộ huyện Đông Hòa tại tòa

Ngoài ông Tài, còn có 13 bị cáo đều là cựu cán bộ của UBND huyện Đông Hòa, như: Huỳnh Ngọc Sương, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đông Hòa; Nguyễn Kỳ Tổng, cựu Trưởng phòng TN-MT; Dương Văn Nhân, cựu Phó Phòng TN-MT; Nguyễn Kích, cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện; Huỳnh Ngọc Thắng, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện; Lê Văn Hoàng, cựu Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa)…

Những bị cáo còn lại đều là chuyên viên phòng TN-MT, trung tâm Phát triển quỹ đất, phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Kinh tế hạ tầng tại huyện Đông Hòa...

Theo cáo trạng, từ tháng 7-2013 đến 4-2014, trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư (TĐC) tại xã Hòa Tâm nhằm lấy mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, ông Tài đã cùng với 15 bị can nêu trên có hành vi làm trái quy định nhà nước trong đề bù, hỗ trợ dự án giải phóng mặc bằng (GPMB), gây thiệt hại gần 9,3 tỷ đồng.

Cụ thể, bồi thường về đất không đủ mật độ cây trồng, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép (3 trường hợp); hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương (9 trường hợp).

Ngoài ra, những cán bộ trên đã lập hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức, đứng tên nhiều người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật.

Tháng 6-2016, ông Nguyễn Tài cùng 15 bị can bị VKSND tỉnh Phú Yên truy tố; tháng 9-2016, TAND tỉnh này đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1, đã tuyên phạt ông Tài 12 năm tù, Nguyễn Kích (nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất) 10 năm tù; Huỳnh Ngọc Thắng (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất) 4 năm tù; 13 bị khác lãnh tổng cộng 24,5 năm tù, cho hưởng án treo.

Sau đó, cựu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Đến tháng 10-2016, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên là đề nghị TAND Cấp cao đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với 14 bị cáo trong vụ án, kể cả ông Nguyễn Tài.

Tháng 1-2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, rút kháng nghị vì lý do sau khi gây án, các bị cáo đã khắc phục phần lớn hậu quả xảy ra (hơn 7,5 tỷ đồng). Tuy vậy, phía HĐXX không chấp nhận, tuyên hủy án để điều tra lại.

Để phục vụ quá trình điều tra, ngày 11-9-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên thực hiện quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Tài tại nhà riêng của ông này…

Chiều 6-11, phiên tòa trên tiếp tục diễn ra.

Tiêu tan giấc mộng lọc dầu tỷ đô

Theo hồ sơ, dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (4 triệu tấn/năm) được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đầu tư tháng 11-2007, tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD. Dự án do liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) làm chủ đầu tư.

Tháng 7-2013, UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiếp tục điều chỉnh tăng mức đầu tư dự án này lên gần 3,2 tỷ USD, công suất tăng gấp đôi lên 8 triệu tấn/năm.

Có thời gian, tỉnh Phú Yên rất kỳ vọng vào dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, sẽ trở thành “bàn đạp” vực dậy nền kinh tế, đưa Phú Yên vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, dự án động thổ vào tháng 9-2014, sau đó trượt dài rồi “tắt vụt” trên cát trắng.

Tháng 3-2018, thấy tương lai của dự án không còn khả năng đầu tư, tỉnh Phú Yên quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô. Chính thức từ bỏ giấc mộng lọc hóa dầu gần 3,2 tỷ đô, trên đất “hoa vàng cỏ xanh”.

NGỌC OAI - MINH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hau-du-an-loc-dau-ty-do-hang-loat-can-bo-tai-phu-yen-hau-toa-626969.html