Hậu đại dịch, báo chí đã thay đổi

Trong thập kỷ qua, điện thoại thông minh và công nghệ di động đã thay đổi các tòa soạn, chuyển đổi việc thu thập tin tức, phân phối nội dung và phát sóng trực tiếp.

Giờ đây, thế giới báo chí truyền thông lại chứng kiến thay đổi lớn do đại dịch Covid-19, với những thách thức mới và nhiều cách tiếp cận nội dung sáng tạo đang xuất hiện.

Hàng loạt nghiên cứu của các nhà báo và học giả từ khắp nơi trên thế giới xác nhận rằng, công nghệ và xu hướng xã hội đang thúc đẩy những thay đổi về cách thức và nơi tin tức được tạo ra cũng như tiêu thụ. Những thay đổi này đã có tác động đến cách các nhà báo hoạt động, cụ thể là cho phép họ làm việc một mình hoặc từ xa.

Nhóm phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại một điểm dịch ở quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhóm phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại một điểm dịch ở quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Các yêu cầu đối với phóng viên hiện cũng đã thay đổi, khi phương tiện truyền thông xã hội trở thành công cụ sắc bén và kỹ năng kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là một tiêu chuẩn của người làm báo. Điều này có nghĩa là các phóng viên sẽ phải tự chủ hơn, nhưng cũng sẽ chịu nhiều áp lực và trách nhiệm hơn, với nhiều cách hơn để truyền tải trực tiếp thông tin và chứng kiện sự tham gia của khán giả nhiều hơn vào chu trình đưa tin.

Tự chủ hơn - thách thức hơn

Các tòa soạn báo ở Anh và Mỹ đều đã giảm quy mô trong 15 năm qua. Các nhà xuất bản chủ yếu phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số báo in, buộc họ phải chuyển đổi sang các nền tảng và công nghệ mới. Và để tồn tại được trong ngành, nhiều phóng viên đã phải đa dạng hóa kỹ năng nghề nghiệp, trở thành các nhà quay phim, biên tập viên hay thậm chí là nhà sáng tạo nội dung truyền thông mạng xã hội. Nhìn chung, tất cả đều hòa làm một.

Hiện nay, các nhà báo kỹ thuật số đang ngày càng được khuyến khích, nhưng cùng với đó là sự tự do hơn trong việc khai thác nguồn và tạo ra các câu chuyện. Ít biên tập viên, nhà quay phim, kỹ thuật viên ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp có nghĩa là các nhà báo phải kiểm soát nhiều hơn cách họ tạo và phân phối tin tức của mình.

Học giả truyền thông người Hà Lan Mark Deuze là một trong những người lên tiếng cảnh báo chống lại sự thay đổi này, khi ông mô tả hệ quả của nó là việc “để lại các tòa soạn đầy những chiếc ghế trống”. Deuze tin rằng, việc loại bỏ quá nhiều các vai trò chuyên biệt trong báo chí có thể sẽ làm mất đi bản sắc, tinh thần đồng đội, sự góp ý mang tính xây dựng…

Liên quan đến vấn đề này, Jo Adetunji - một trong những nhà báo di động đầu tiên ở Anh - đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu, trong đó phỏng vấn hơn 40 nhà báo ở Ấn Độ, Thụy Sĩ, Mỹ và Anh từ năm 2018 - 2021.

Tất cả đều có chung mối quan tâm: Trong khi quyền tự do sáng tạo và phân phối tin tức được hoan nghênh, các phóng viên lo ngại việc thiếu hỗ trợ sẽ gây áp lực khả năng thu thập lên các câu chuyện và quá trình tạo nội dung của họ.

Thu hẹp khoảng cách kỹ năng cho phóng viên

Sau đại dịch, nhiều nhà báo dự kiến sẽ tập trung vào lĩnh vực báo chí di động và phát triển các kỹ năng mới trong công nghệ điện thoại thông minh, nhằm đối phó với những thách thức kỹ thuật và biên tập mới. Trong một số trường hợp, điều này khiến các nhà báo lớn tuổi chịu áp lực ngày càng lớn trong việc nắm bắt các công nghệ mới.

Với việc chuyển đổi sang làm việc từ xa, phỏng vấn qua Zoom, chỉnh sửa bằng ứng dụng và thiết bị di động, những người sáng tạo nội dung trẻ tuổi đã xuất sắc vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 trong khi các nhà báo lớn tuổi hơn và ít hiểu biết hơn về công nghệ đang tỏ ra tụt hậu.

Trong một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách này, Liên minh các nhà báo quốc gia (NUJ) ở Anh đã hỗ trợ các phóng viên nâng cao kỹ năng thời đại mới thông qua các lớp học trực tuyến. Một số đài truyền hình quốc gia của Anh, bao gồm ITV, đã cung cấp các khóa đào tạo từ xa và cả trực tiếp tại văn phòng về kỹ năng sản xuất và biên tập mới cho nhân viên.

Nhu cầu lớn về dòng chảy nội dung liên tục và các hình thức phát trực tiếp đã biến các phóng viên truyền hình truyền thống thành “những chiếc máy quay phim đi bộ”. Điều này có thể nâng cao mức độ phủ sóng và khuyến khích sự tương tác của khán giả trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng nó cũng gây thêm căng thẳng cho các phóng viên trẻ, thiếu kinh nghiệm và làm việc quá sức, những người đã tham gia vào lĩnh vực này trong thời điểm không chắc chắn, dẫn đến các rủi ro về sức khỏe và lo ngại về an toàn.

Độc giả thành nhà sản xuất và vấn đề đạo đức báo chí

Cho dù là tự quay phim ở nhà, quay video phỏng vấn khi đang di chuyển hay tạo nội dung mới lạ, khán giả truyền hình, radio, podcast và người dùng mạng xã hội được tin đều trở nên sáng tạo hơn, tham gia nhiều hơn vào chu trình tin tức trong thời gian trong và sau đại dịch này.

Các đài truyền hình trên khắp thế giới đã tận dụng nội dung do người dùng tạo ra trong suốt thời gian giãn cách Covid-19, với việc các cuộc phỏng vấn video trên điện thoại, máy tính bảng… đã trở thành tiêu chuẩn. Đại dịch lần này đã đánh dấu sự chuyển đổi của những người tiêu dùng tin tức thụ động trở thành các nhà sản xuất.

Cũng chính vì xu hướng này, các nhà giáo dục truyền thông và các tổ chức tin tức hiện nay phải làm việc chặt chẽ hơn để điều chỉnh kinh nghiệm giảng dạy cũng như cách thức để hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp chính quy ngành truyền thông có thể cạnh tranh được với các “nhà sản xuất” tiềm năng ngoài ngành.

Một dấu hiệu đáng mừng là dữ liệu về báo chí trên mạng xã hội và sự tin tưởng từ Báo cáo kỹ thuật số mới nhất của Reuters đã cho thấy đại dịch Covid-19 đã đưa các nhà báo trở lại vị trí được tôn trọng hơn trong xã hội, khi trước đó nó đã bị suy yếu đáng kể sau không ít cuộc điều tra độc lập về đạo đức.

Các tòa soạn được cho cần duy trì thành tích tốt thiết lập được trong thời kỳ đại dịch, với việc các biên tập viên và nhà sản xuất hỗ trợ và khai thác các kỹ năng của các phóng viên trẻ hơn, năng động hơn, để tạo ra nội dung hấp dẫn nhưng vẫn phải đảm bảo đạo đức báo chí.

Nhìn chung, điều cốt yếu là thực tiễn tốt được đưa vào giáo dục đại học, để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tăng tốc này của việc thu thập tin tức, phát sóng và sáng tạo nội dung vẫn duy trì được các tiêu chuẩn đạo đức, đảm bảo được chất lượng cho các phóng viên nếu những người trẻ tuổi, không chuyên được khuyến khích vào ngành.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hau-dai-dich-bao-chi-da-thay-doi.html