Hậu CPTPP, người lao động nghèo Việt Nam sẽ được hưởng lợi

Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, còn gọi là TPP-11) tới Việt Nam. CPTPP sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo và góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hỗ trợ việc hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam.

Lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều, giảm số người nghèo đói Tác động tập trung vào những ngành, vấn đề mà chúng ta mong muốn có sự cải thiện như xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia về ngành nông lâm nghiệp thủy sản hay một số ngành tận dụng thị trường lao động như giày dép…

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được 0,9 triệu người thuộc diện đói nghèo. Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, các nội dung của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng có những thay đổi nhất định. Một mặt Việt Nam và các đối tác vẫn duy trì quyết tâm thực hiện nghĩa vụ của từng thành viên trong ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) về tiêu chuẩn lao động, công đoàn với các nước thành viên.

Nhưng với CPTPP thì lộ trình cũng như cách thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Về tác động phân bổ thu nhập, theo Báo cáo này, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày so với kịch bản cơ sở.

Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc tốp 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất. Những người ở các nhóm cao trong phân phối thu nhập được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo, vì hiệp định tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho lao động có kỹ năng.

Người nghèo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những cam kết của CPTPP

Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ lợi ích từ hiệp định. "Nhìn chung, các hiệp định thương mại tạo ra nhiều cơ hội nhất ở những ngành mà người nghèo hiện đang làm việc nhiều nhất sẽ dẫn đến mức tăng lợi ích tương đối lớn nhất cho người nghèo. Về mặt này, CPTPP sẽ dẫn đến những kết quả giảm nghèo tích cực, dù còn ở mức khiêm tốn.

Tính đến các năm 2025 và 2030, CPTPP sẽ giúp thoát nghèo với mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày tương ứng cho 0,9 và 0,6 triệu người", báo cáo phân tích. Báo cáo cũng cho rằng tác động này chỉ bằng một nửa của TPP-12.

Trong khi đó theo nghiên cứu của WB, TPP-12 sẽ có tác động lớn nhất về giảm nghèo, do có tác động thúc đẩy tăng trưởng lớn nhất. Tính đến năm 2030, hiệp định này sẽ giúp thoát nghèo (với mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày) cho 1,4 triệu người so với kịch bản cơ sở.

Tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế Việt Nam Theo kế hoạch, CPTPP đã được ký kết ngày 8-3 tại thủ đô Santiago - Chile bởi bộ trưởng của 11 nước thành viên (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam). Sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1-2017, TPP - tiền thân của CPTPP - bị thu hẹp ảnh hưởng đáng kể, từ chỗ chiếm 40% còn 13,5% GDP toàn cầu.

Dù vậy, theo chuyên gia Ignacio Bartesaghi của Trường ĐH Cơ Đốc giáo Uruguay, đây vẫn là hiệp định hết sức quan trọng, với tổng dân số 500 triệu người của 11 nước thành viên tạo nên thị trường lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU). CPTPP sẽ có hiệu lực sau khi được 6 trong số 11 thành viên thông qua đủ 60 ngày.

Dự kiến, hiệp định cắt giảm đáng kể các loại thuế nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trong giao dịch giữa các thành viên từ năm 2019. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế cũng như những DN, nhất là DNNVV Việt Nam.

Hiệp định kỳ vọng đạt nhiều thành công trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế nhưng không ít thách thức, có tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước trong tương lai gần. GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng 1,1%, so với mức tăng 0,4% của RCEP và 3,6% của TPP-12. Nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5% so với 6,6% của TPP-12 và 1% của RCEP.

Có CPTPP, xuất khẩu dự báo sẽ tăng thêm 4,2%, nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng. Đánh giá tác động theo ngành, theo tài liệu này, mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, hóa chất, sản phẩm da và nhựa, thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành. Trong dài hạn, lợi ích đạt được từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu.

Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. CPTPP có khả năng sẽ kéo theo tăng FDI và tiếp tục mở rộng các ngành dịch vụ.

Dự kiến sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều như dệt, may mặc và da để tận dụng CPTPP. Tuy nhiên cơ hội cũng song hành với thách thức.

Ông Nguyễn Văn Thức nhấn mạnh, muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới thì phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật.... chứ giá cả chỉ là một trong những yếu tố mà thôi.

Bên cạnh đó, với sự hội nhập mạnh mẽ và những chính sách miễn thuế thì các DN trong nước còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ. Chính vì vậy mà các DN cần phải có chiến lược phù hợp tùy theo lĩnh vực kinh doanh./.

Bảo Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/hau-cptpp-nguoi-lao-dong-ngheo-viet-nam-se-duoc-huong-loi-35205