Hậu Covid-19: Nhiều thú cưng có thể 'bị bỏ lại phía sau'?

Thời kỳ đại dịch hoành hành, các trại nuôi động vật ghi nhận sự gia tăng đang kể trong việc nhận nuôi thú cưng. Tín hiệu đáng mừng này lại khiến nhân viên các trại trăn trở rằng liệu chúng có bị bỏ rơi khi khủng hoảng kết thúc?

Nhiều thú cưng có nguy cơ bị bỏ rơi sau khi đại dịch qua đi. (Nguồn: Asia Times)

Nhiều thú cưng có nguy cơ bị bỏ rơi sau khi đại dịch qua đi. (Nguồn: Asia Times)

Xu hướng trong mùa dịch

Một trong số ít những điều tích cực xuất hiện từ đại dịch Covid-19 là nhiều người có xu hướng nhận nuôi động vật để giúp giảm bớt nỗi sợ hãi, lo lắng và cô đơn khi thực hiện các lệnh giãn cách xã hội.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì lợi ích của việc sở hữu vật nuôi đã được ghi nhận và chứng minh rõ ràng từ lâu. Theo Quỹ Sức khỏe Tâm thần tại Vương quốc Anh, ngoài việc bầu bạn với con người, thú cưng còn giúp giảm trầm cảm và căng thẳng cho chủ nhân.

Chăm sóc thú cưng cũng giúp chủ nhân có nhiều cơ hội bước ra bên ngoài như việc đưa chúng đi dạo, mua thức ăn và kiểm tra sức khỏe. Việc này giúp họ giảm hoặc tránh được tâm trạng bức bối, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần trong gian đoạn cách ly xã hội

Nhưng điều gì sẽ xảy ra với những vật nuôi này khi cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch? Liệu tất cả những người có thiện chí nhận nuôi thú cưng trong thời gian giãn cách xã hội có nhận ra rằng khi đó họ đã trở lại với công việc, họ không thể dành nhiều thời gian và công sức để chăm sóc nó.

Bên cạnh đó, những người có đồng lương eo hẹp hoặc không có lương, không đủ tiền mua thức ăn cho vật nuôi và chi trả hóa đơn của bác sĩ thú y có còn thực sự tiếp tục muốn nuôi những thú cưng này?

Liệu có đi theo phong trào?

Sau cảm xúc hào hứng khi chứng kiến ngày càng nhiều người đến nhận nuôi thú cưng, thì ngược lại, trong lòng các nhân viên tại các trại động vật vẫn hiện diện một nỗi sợ hãi về nguy cơ số lượng động vật bị bỏ rơi ngày càng tăng hậu đại dịch.

Trong đó, những người nước ngoài là nhóm được dự đoán sẽ chiếm tỉ lệ vứt bỏ thú cưng cao nhất. Sau đại dịch kết thúc, một số người nước ngoài có thể sẽ rời đi, và họ sẽ phải cân nhắc để quyết định mang thú cưng theo họ hay không. Điều này phụ thuộc vào các chi phí, giấy tờ và mức độ nghiêm ngặt của thủ tục hải quan.

Một số người thậm chí còn thẳng tay bỏ rơi vật nuôi thay vì trả tiền cho các trung tâm nội trú dành cho động vật trong vài tuần khi họ đi nghỉ mát.

Những người làm việc tại các trại động vật đều đã quá quen thuộc với sự nhẫn tâm của những người bỏ rơi vật nuôi của họ. Họ đã quá ngán ngẩm khi nghe tất cả những lời biện minh. Một số người còn thản nhiên khẳng định bản thân “không còn hứng thú với thú cưng mà họ từng nuôi”, giống như chán một trò chơi.

Bên cạnh đó, những ngày đầu của đại dịch, những thông tin sai lệch khi cho rằng vật nuôi mang bệnh truyền cho người đã khiến một số người giết bỏ hoặc bỏ đói thú cưng đến chết.

Nhìn vào cách đối xử với thú cưng

Một cách tích cực, phần đông ý kiến cho rằng, con người luôn coi thú cưng là một thành viên trong gia đình. Ngược lại, ở góc độ tiêu cực, nhiều người chỉ coi thú cưng như một món đồ chơi, một vật tiêu khiển hoặc hàng hóa để mua bán, sẵn sàng loại bỏ hoặc thậm chí ngược đãi chúng khi đã chán.

Đáng buồn thay, quan điểm thứ hai lại ngày càng phổ biến ở quá nhiều nơi trên thế giới.

Theo luật chống đối xử tàn ác và hành hạ động vật mới được áp dụng cách đây 2 năm ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), việc bỏ rơi động vật, ngược đãi hoặc bỏ mặc chúng là điều bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật lệ thuộc nhiều vào phong tục tập quán và tình hình xã hội ở mỗi nước.

Làm thế nào để chúng ta thay đổi tư duy coi động vật là vật vô tri hoặc lạm dụng theo ý muốn? Chắc chắn, cách duy nhất và hiệu quả nhất là giáo dục con người ngay từ thuở nhỏ về lòng yêu thương động vật. Cả ở nhà và ở trường là nơi lý tưởng để bắt đầu với những lời dạy và nhận thức về thú cưng, bằng những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống.

Ví dụ như bất kỳ người Hồi giáo nào, ngay từ khi còn nhỏ, cũng đều được nghe câu chuyện về người phụ nữ phải xuống địa ngục vì bỏ đói con mèo mà mình đã nuôi, hay chuyện người đàn ông đưa nước cho một con chó hoang được lên thiên đường.

Do đó, người Hồi giáo tin rằng, việc thể hiện lòng tốt và lòng trắc ẩn với tất cả các sinh vật không chỉ là đúng đắn mà còn có thể xác định nơi bạn sống ở thế giới bên kia.

Trong kinh Koran có nói về Gia súc rằng tất cả đều là tạo vật của Đức Chúa trời và phải được tôn trọng và chăm sóc như nhau. Vật nuôi cũng như con người là một phần của thế giới muôn loài.

(theo Asia TImes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-covid-19-nhieu-thu-cung-co-the-bi-bo-lai-phia-sau-134268.html