Hậu chiến tranh lạnh và sự đổi mầu của các liên minh

Vấn đề về bản chất và số phận của các liên minh, của các đối tác và các nhóm lợi ích đã trở thành vấn đề quyết định cho tương lai của hệ thống chính trị thế giới.

"Chống Liên Xô, chất keo kết dính các đồng minh Phương Tây trong chiến tranh lạnh đã tan biến từ lâu. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến những cuộc hôn nhân không có tình yêu, sống chung cùng một mái nhà nhưng không có một mối gắn kết thật sự nào", đó là những nhận định của Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về các quan hệ quốc tế (một Think tank của Mỹ) được đưa ra trong một bài báo phân tích về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Hình ảnh ví von này có thể diễn dịch theo nhiều cách. Vấn đề về bản chất và số phận của các liên minh, của các đối tác và các nhóm lợi ích đã trở thành vấn đề quyết định cho tương lai của hệ thống chính trị thế giới. Trả lời được cho câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu được những nguyên tắc cơ bản xây dựng nên chính sách đối ngoại của các siêu cường.

Những rạn nứt không thể hàn gắn giữa Tổng thống Trump và các đồng minh châu Âu trong một hội nghị G7.

Những rạn nứt không thể hàn gắn giữa Tổng thống Trump và các đồng minh châu Âu trong một hội nghị G7.

Liên minh là phải có lợi

Nước Mỹ, về cơ bản, không có gì phải phàn nàn về thực trạng mới này của thế giới. Chính họ là người đầu tiên đã nghi ngờ về bản chất của các liên minh còn tồn tại sau chiến tranh lạnh.

Trò chuyện với Larry King (người dẫn chương trình truyền hình) vào tháng 11- 2001, Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời đó đã nói: "Không chỉ có một liên minh, có nhiều liên minh khác nhau… các dân tộc sẽ làm những gì họ muốn.. đó là điều tất cả chúng ta phải chấp nhận. Tôi muốn nói với ông rằng điều tồi tệ nhất đó là việc để một liên minh quyết định các sứ mệnh…", ông kết luận: "hãy để các sứ mệnh quyết định các liên minh".

Các nhà bình luận ngay sau đó đã đặt ra những nghi vấn rằng liệu có phải Lầu Năm Góc muốn đặt dấu chấm hết cho các quan hệ đối tác trong khuôn khổ khối NATO và chuyển qua một hệ thống tạo lập đồng minh cho từng cuộc chơi? Những nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở khi mà ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh, thời kỳ tất cả "cùng xung phong trên một mặt trận" đã qua rồi và nước Mỹ sẽ chọn đối tác trong từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào các mục đích cụ thể.

Washington ngày càng tỏ ra khó chịu với việc với việc phải gánh vác tới 75% chi phí của khối NATO. Cảm giác khó chịu này đã bùng nổ thành cơn giận dữ biểu lộ công khai dưới thời Donald Trump, người đã tuyên bố thẳng thừng: "Liên minh là phải có lợi, nếu không thì liên minh để làm gì!"

Recap Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thì hành xử như thể NATO đã không hề tồn tại. Những bất đồng giữa Ankara với Washington và các đồng minh châu Âu khác (trong khối NATO) ngày càng trầm trọng, có hệ thống. Mô hình chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ bị chê trách là đã không đáp ứng được, dẫu chỉ là vẻ bề ngoài, các tiêu chuẩn "dân chủ" của phương Tây, một điều kiện để tham gia liên minh này.

Hậu quả của những bất đồng này là việc Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang tìm kiếm những đồng minh mới thay thế như Nga, Trung Quốc hay Iran và ngỏ ý muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay Brics (gồm Nga, Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, chiếm 40% dân số thế giới).

Thời gian gần đây, mô hình chính trị "đa phương" mà Erdogan muốn áp dụng đã phải chịu đựng những thử thách nghiêm trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trầm trọng gây ra bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ (một đồng minh).

Để tìm kiếm hỗ trợ, Ankara đã quay sang Nga và Trung Quốc (những đối thủ của Mỹ, Nga cho đến lúc đó, dường như vẫn đang đối đầu với Thổ trong nhiều vấn đề). Nước Đức (đồng minh chính thức nhưng các quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị đóng băng) thì lên tiếng kêu gọi quốc tế hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại một làn sóng di cư mới đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đức cũng đang nằm trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ dưới thời Trump.

Thế giới lưỡng cực đã chết

"Chất keo chống Liên Xô" mà Richard Haass đã nói đến thực sự đã từng gắn kết các đồng minh phương Tây rất chặt chẽ trong chiến tranh lạnh. Nó không chỉ đơn thuần là việc liên minh để đối phó với một mối đe dọa quân sự chung. Thế giới bị phân chia thành hai khối theo những hệ tư tưởng và mô hình tổ chức xã hội khác nhau.

Những bất hòa giữa các thành viên trong cùng một khối phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Mối đe dọa rình rập từ bên ngoài là quá lớn nên không ai dám mạo hiểm để các cuộc xung đột trong nội bộ phá vỡ tính ổn định của khối.

Khi hệ thống lưỡng cực thời chiến tranh lạnh đã tan biến, sự va chạm về quyền lợi nhanh chóng nổi lên trên bề mặt, chủ yếu là những xung đột lợi ích kinh tế. Ở vào thời kỳ quá trình toàn cầu hóa đang tăng tốc mạnh mẽ dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng Mỹ, mọi đối tác tham gia đều kiếm được lợi lộc, dẫu rằng không hoàn toàn bình đẳng.

Các mâu thuẫn nảy sinh khi đó đều đã được giải quyết ổn thỏa. Ngày nay, sự phân bổ của cải và sự giầu có đã không còn khả năng đáp ứng được cho nhu cầu của một dân số đã tăng quá nhanh trong các cường quốc phương Tây, trong khi mô hình "một thế giới không còn biên giới" ngày càng tỏ ra nguy hiểm.

Các nguyên tắc hợp tác trong kinh tế phải được xem xét lại. Slogan "Nước Mỹ trên hết" là một minh họa hoàn hảo cho khuynh hướng này. Những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ dành cho các đối thủ (trong đó có nhiều đồng minh thân cận về chính trị) hay những điều kiện ngặt nghèo áp đặt lên các đối tác đã cho thấy người ta không còn quan tâm để giữ bằng được một bề ngoài đẹp đẽ của một liên minh gắn bó dựa vào những giá trị thống nhất.

Sát cánh với Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra khá nhiều lời bình luận, chỉ trích các chính sách của Mỹ tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg.

Công việc là công việc

Khi Liên minh châu Âu lên án việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tuyên bố họ kiên quyết tôn trọng và tiếp tục thực thi những điều khoản đã ký của thỏa thuận này thì các công ty lớn vẫn lần lượt rút khỏi Iran, lý do là họ phụ thuộc quá nhiều vào các định chế tài chính và vào thị trường Mỹ.

Tình huống hoàn toàn tương tự cũng xảy ra với dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" (dự án vận chuyển gaz và khí đốt từ Nga sang châu Âu qua biển Ban Tích). Khí đốt của Mỹ rõ ràng là đắt hơn của Nga và giá cả sẽ không thay đổi trong trung hạn. Nhưng nước Mỹ lại có một ưu thế không thể phủ nhận: họ kiểm soát hệ thống tài chính quốc tế và có khả năng đánh bật các đối thủ ra khỏi cuộc chơi bằng những biện pháp chính trị.

Nhiều biện pháp trừng phạt các công ty làm ăn với Nga trong lĩnh vực năng lượng đã được luật hóa và được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2018. Những biện pháp trừng phạt đặc biệt cho các công ty tham gia vào dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" cũng đang được soạn thảo trong một dự luật chuẩn bị trình ra Quốc hội Mỹ. Điều này hiển nhiên ảnh hưởng đến quan hệ EU-Nga cũng làm sứt mẻ đáng kể quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Công việc là công việc. Nước Đức, đồng minh chính trị chủ chốt của Mỹ ở châu Âu, đang phải chịu những sức ép công khai và rất nặng nề từ phía Mỹ yêu cầu phải từ bỏ dự án "Dòng chảy phương Bắc 2", một dự án thuần túy kinh tế nhằm phục vụ cho lợi ích của Đức và các nước EU khác.

Những tuyên bố có phần rụt rè về một chiến lược tăng cường sự tự chủ của châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay những tuyên bố mơ hồ về dự án thành lập một tổ chức tương trợ kinh tế của EU của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas chỉ là những phản ứng yếu ớt nhằm giữ thể diện với cử tri.

Cách thức mới để giải quyết những vấn đề cụ thể

Mỹ hiện đang nắm giữ những sức mạnh có khả năng bắt các đồng minh phải khuất phục. Tuy nhiên điều đó không củng cố vững chắc thêm vị thế của Mỹ trong liên minh. Ý tưởng phải tăng cường nội lực để có thể tự trông cậy vào chính mình từ lâu đã là phần quan trọng trong các diễn văn ở Nghị viện châu Âu.

Khối NATO bước ra khỏi chiến tranh lạnh với tư thế của người chiến thắng, ngày càng biến thành một "phản ví dụ" buộc người ta phải nghĩ tới việc lập ra các dạng liên minh kiểu mới. Có thể xem chương trình hợp tác Astana là một ví dụ điển hình. Đây là một loạt cuộc gặp gỡ đàm phán của những phe phái ở Syria (tiến hành song song với những cuộc gặp ở Geneve).

Chương trình hợp tác Astana được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng bảo trợ. Đây là một ví dụ về khái niệm "đối tác" theo một cách hiểu hoàn toàn mới. Đó không phải là những đối tác tìm cách liên minh với nhau bởi có những lợi ích hay những giá trị chung mang tính lâu dài, bền vững.

Họ liên kết với nhau chỉ nhằm mục đích duy nhất để giải quyết một vấn đề cụ thể, trước mắt. Giữa Thổ Nhĩ kỳ, Nga và Iran không hề có sự tin cậy hay yêu mến nhau, nhưng họ cùng chia sẻ một niềm tin rằng nếu không ngồi lại bàn bạc với nhau thì tình hình sẽ chỉ ngày càng thêm tồi tệ hơn.

Một ví dụ khác: Mối quan hệ Nga-Trung. Đó là một mối quan hệ rất khó định nghĩa. Chắc chắn đó không phải là một liên minh với nhiều ràng buộc. Cả hai phía đều cần được tự do hành động nên khó lòng có thể liên minh và trở thành đồng minh của nhau. Mối quan hệ không mang tính "loại trừ", Matxcova và Bắc Kinh không hề muốn sự xích lại gần nhau của họ làm tổn hại đến những cam kết khác.

Nga và Trung Quốc đang có những quan điểm rất khác biệt nhau trong nhiều lĩnh vực, nhưng logic phát triển của hai quốc gia này thúc đẩy đẩy họ hợp tác với nhau. Một quan hệ thuần túy là lợi ích bởi đây là sự hợp tác dựa trên những toan tính chứ không phải là tình cảm.

Việc phân tích bản chất các liên minh hiện nay trên thế giới không hề đơn giản. Những diễn biến mới sẽ vẽ lại bản đồ các liên minh mới. Đó là những quyết định trong tương lai liên quan đến Dự án "Dòng chảy phương Bắc 2", kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, việc kết thúc chiến tranh ở Syria, nước Anh sau Brexit, kết quả của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Những biến động trên chắc chắn sẽ định hình lại các mối quan hệ quốc tế, làm biến mất một số liên minh cũ và làm xuất hiện một số quan hệ đồng minh kiểu mới trong tương lai.

Dương Đăng Hưng (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hau-chien-tranh-lanh-va-su-doi-mau-cua-cac-lien-minh-572354/