Hậu cần không cần kho bãi

Khi thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ cũng là lúc dịch vụ hậu cần cho nó có tiềm năng ngày càng lớn. Nhưng rào cản về vốn để xây dựng kho bãi và đội ngũ vận hành dường như là quá khó để các công ty khởi nghiệp tham gia khai thác tiềm năng này. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể.

Từng là nhân viên tại một công ty start-up chuyên về vận chuyển đơn hàng TMĐT, anh Hán Văn Lợi nhận ra rằng, các gói hàng được giao đi thường trong tình trạng đóng gói cẩu thả và luộm thuộm, dẫn đến tỉ lệ người mua từ chối nhận cũng như đòi hoàn trả hàng khá cao. “Tôi đi tham khảo dịch vụ tại các nước trong khu vực thì thấy, hàng hóa ở nước họ được đóng gói rất quy chuẩn, mọi quy trình trong việc vận chuyển đều tự động hóa, còn tại nước ta hầu hết các khâu vẫn sử dụng tay chân là chủ yếu, kể cả việc phân loại hàng hóa hay xem giao đến đâu cũng phải nhìn chữ trên gói hàng, và điều này dẫn đến thời gian vận chuyển lâu mà chất lượng gói hàng cũng không cao”, anh Lợi chia sẻ cùng Doanh Nhân.
Qua khảo sát, anh Lợi nhận thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ hoàn trả hàng lên đến 15%, trong khi tại Thái Lan chỉ rơi vào khoảng 3-5%. Cơ hội kinh doanh đã rõ, và động lực để bắt tay vào thực hiện còn rõ ràng hơn khi “khâu vận chuyển chỉ chiếm 25% chi phí toàn bộ dịch vụ hậu cần TMĐT”. Năm 2016, anh Hán Văn Lợi cùng các đồng sự của mình đã sáng lập nên Boxme – start-up có mục tiêu thực hiện trọn vẹn các bước hậu cần TMĐT: khi một cửa hàng đưa ra yêu cầu đơn hàng, công ty sẽ nhập hàng về, thông quan, sau đó lưu kho, đóng gói lại, dán nhãn vận chuyển và giao đến người mua, thu tiền trả lại cho cửa hàng. Điểm mạnh của Boxme là quy trình thực hiện các bước trên được chuẩn hóa và liên tục cập nhật theo quy mô số hàng giao nhận, sao cho thời gian đóng gói phải nhanh, chất lượng gói hàng phải theo tiêu chuẩn và chi phí khách hàng trả phải đủ thấp để hấp dẫn họ.
Quay lại sự ra đời của start-up này, câu hỏi sẽ rất dễ được nhiều người đặt ra đó là một công ty khởi nghiệp làm sao có đủ vốn để tham gia vào lĩnh vực hậu cần TMĐT vốn yêu cầu đầu tư rất lớn cho kho bãi, hạ tầng và nhân công. Lời giải đến từ chính mô hình hoạt động của Boxme – nó đơn thuần là công ty công nghệ có liên kết với các công ty làm vận chuyển. “Chúng tôi không hề có một kho bãi nào, và chúng tôi cũng không đầu tư xây dựng kho bãi. Cơ hội ở đây đến từ việc các đơn vị vận chuyển có kho bãi, đôi khi còn để thừa, trong khi họ lại không có khả năng cung cấp được trọn vẹn dịch vụ hậu cần TMĐT, còn chúng tôi có công nghệ và quy trình để thực hiện điều đó. Hai bên tìm đến nhau để hợp tác. Chúng tôi đầu tư vào nâng cấp công nghệ, họ đầu tư vào phát triển hạ tầng, mỗi bên tập trung vào thế mạnh của mình nên chi phí sẽ nhỏ đi, còn hiệu quả là tối ưu. Quy trình do chúng tôi cung cấp ở các khâu như đóng gói, phân loại, dán nhãn… được thực hiện bởi nhân viên của công ty vận chuyển, việc giám sát sẽ do Boxme đảm nhận. Khách hàng của chúng tôi sẽ sử dụng dịch vụ vận chuyển của họ, và khách hàng của họ sẽ có được dịch vụ hậu cần TMĐT được chuẩn hóa từ chúng tôi”, anh Lợi phân tích về bài toán hợp tác mà Boxme theo đuổi.
Trong giai đoạn đầu phát triển, start-up này tập trung vào các khách hàng quy mô nhỏ và vừa trong nước, bởi khi đó công ty “chưa có chút lợi thế nào về thương hiệu”. Nhưng việc thuyết phục nhóm khách hàng đó sử dụng dịch vụ từ Boxme không phải điều dễ dàng. Theo anh Hán Văn Lợi, đa phần người kinh doanh TMĐT ở Việt Nam vẫn chưa có thói quen thuê một bên thứ ba để đi đóng gói, lưu kho vì họ vẫn muốn nhìn thấy hàng hóa của mình trước khi bán đi. “Hơn nữa, nhóm khách hàng này thường chỉ biết được rằng, mình thuê nhân viên hay thuê cửa hàng thì hết bao nhiêu tiền, chứ chưa tính toán đúng chi phí của việc lưu kho hay đóng gói là bao nhiêu. Để thuyết phục, chúng tôi phải đến gặp trực tiếp và cung cấp các tính toán giúp khách hàng biết được chi phí lưu kho và đóng gói trên một đơn hàng, để từ đó họ biết được rằng, đó đều là chi phí ẩn và có thể tính toán được. Boxme sẽ giúp họ giảm số chi phí đó”, anh Lợi cho hay.

Khi đã nắm được một tập khách hàng đủ lớn để tạo ra dòng doanh thu ổn định và có chút tiếng tăm, đây là lúc Boxme tìm cách tiếp cận nhóm khách hàng tiếp theo – các doanh nghiệp nước ngoài. Anh Hán Văn Lợi nhận định rằng, đa số các doanh nghiệp nước ngoài khi tiến đến thị trường Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ hậu cần TMĐT đầy đủ của các công ty nước sở tại, chứ không kết nối trực tiếp với hãng vận chuyển để làm. Lý do là các doanh nghiệp này không muốn đầu tư xây dựng kho bãi, tạo dựng đội ngũ vận hành – những việc chắc chắn sẽ tốn không ít thời gian và vốn. Cái họ muốn là tập trung vào việc kinh doanh. Quá trình phục vụ nhóm khách hàng nhỏ và vừa giúp Boxme nâng cấp được quy trình vận hành đủ để gây ấn tượng với nhóm khách hàng nước ngoài, từ đó có được các hợp đồng cung cấp dịch vụ độc quyền cho họ.
Sang đến đầu năm 2017, start-up này quyết định lấn sân sang các thị trường khu vực. Anh Lợi tự tin cho rằng: “Dịch vụ bán hàng xuyên biên giới đang rất thịnh hành, và nó là xu hướng của thế giới. Thực tế người bán hàng ở Việt Nam có thể tiếp cận thị trường 600 triệu dân ở khu vực, chứ không chỉ 60 triệu người dùng Internet ở nước ta”. Đến nay chỉ sau chưa đầy 2 năm phát triển, Boxme đã liên kết được với các đơn vị vận chuyển và “có trong tay” kho hàng tại 6 quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Indonesia… đồng thời xử lý hơn 2 triệu đơn hàng. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Hán Văn Lợi hy vọng rằng, công ty của mình sẽ xây dựng được một mạng lưới kinh doanh vững chãi tại khu vực Đông Nam Á p

Tuấn Mạnh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/hau-can-khong-can-kho-bai-121589.html