Hậu cần - bài toán nan giải đối với Hải quân Mỹ

Cuộc tập trận Trident Juncture 2018 (TRJE 2018) diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11-2018 tại Na Uy là một trong những hoạt động quân sự chung quy mô lớn nhất của khối NATO kể từ năm 1980.

Đối với quân đội Mỹ-“đầu tàu” của NATO, TRJE 2018 là dịp quan trọng để kiểm tra năng lực hậu cần phục vụ lực lượng viễn chinh chiến đấu cách xa lãnh thổ. Tuy nhiên, công tác mang tính sống còn này đang gặp nhiều chỉ trích và có nguy cơ trở thành trở ngại có tính chiến lược đối với nỗ lực duy trì vị thế trên biển của Mỹ...

Với quy mô lớn nhất thế giới, hiện diện trên khắp các đại dương, Hải quân Mỹ tiêu tốn khối lượng vật tư chiến tranh khổng lồ để duy trì hoạt động. Bất kỳ tàu chiến nào cũng có dự trữ hành trình giới hạn, cần được tiếp tế thường xuyên để có thể đi xa, tác chiến dài ngày. Không những thế, giới chức quân sự Mỹ dự kiến các tuyến vận tải biển sẽ chiếm khoảng 90% lưu lượng vận chuyển vũ khí, nhiên liệu, lương thực… phục vụ nhu cầu của lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ.

Tàu hậu cần của Hải quân Mỹ vận chuyển trang thiết bị. Ảnh: Defense News.

Đô đốc James Foggo, Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu-châu Phi cho biết, TRJE 2018 có 45.000 binh sĩ, hơn 60 tàu chiến, 120 máy bay và 10.000 phương tiện trên bộ tham gia, là bài kiểm tra quy mô lớn về năng lực hậu cần. “Số quân đó đồng nghĩa với nhiều chuyến tàu vận chuyển máy bay, xe cộ mà quân đội phải triển khai từ biển lên mặt đất”, ông James Foggo nói.

Những yêu cầu trên đặt ra một áp lực không nhỏ cho hạm đội tàu hậu cần của Bộ chỉ huy vận tải biển quân sự Mỹ (MSC). Áp lực này còn lớn hơn rất nhiều nếu nổ ra xung đột quy mô lớn. Trong năm 2017, lục quân Mỹ đã triển khai thành công hai lữ đoàn thiết giáp tới châu Âu. Tuy nhiên, MSC sẽ phải thiết lập cầu hậu cần hàng hải cho lực lượng lên tới nhiều sư đoàn nếu chiến tranh mở màn ở châu Âu hoặc châu Á.

Theo ông Mark Buzby, Bộ trưởng Bộ Quản lý vận tải biển Mỹ, MSC đang ở trong tình trạng thiếu tàu viễn dương để duy trì hoạt động hậu cần, khó có thể đáp ứng nhu cầu trên biển lẫn trên bộ của quân đội Mỹ. Mark Buzby cho biết, MSC sở hữu 61 tàu hậu cần và khi cần thiết có thể huy động 60 tàu vận tải dân sự, một con số khiêm tốn trước tình hình các tàu này đang ngày một xuống cấp.

Nghiêm trọng hơn, MSC ước tính cần tối thiểu 11.678 sĩ quan, thủy thủ để vận hành số tàu hậu cần trong biên chế. Trong khi đó, bộ chỉ huy này có trong tay 11.768 người đủ tiêu chuẩn phục vụ. Điều đó có nghĩa là trong tình huống xảy ra khủng hoảng, bộ chỉ huy sẽ phải huy động hầu như toàn bộ số thủy thủ phục vụ công tác hậu cần mà họ có trong tay. Để so sánh, tại thời điểm trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hải quân Mỹ có 55.000 quân nhân phục vụ hậu cần và con số này tăng lên hơn 200.000 người khi cuộc chiến lên tới đỉnh điểm.

Vấn đề thiếu hụt lực lượng còn có nguy cơ trở thành bất lợi chiến lược cho Hải quân Mỹ khi kẻ địch tiềm tàng chắc chắn sẽ ưu tiên tấn công các tàu hậu cần không có khả năng tự vệ, Mark Buzby nhận định. Bất kỳ tổn thất nào về tàu hay thủy thủ đều rất khó có thể bù đắp do ngành công nghiệp đóng tàu vận tải tại Mỹ hầu như không còn hoạt động và MSC không có nhân lực dự bị khi cần thay phiên duy trì hoạt động, hoặc thay thế người bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Trong lịch sử, chiến thuật này đã gây tổn thất nặng nề cho phe Đồng minh. Theo Đô đốc James Foggo, cuộc đổ bộ lịch sử lên bãi biển Normandy thành công nhờ trước đó, hải quân đồng minh đã vô hiệu hóa nỗ lực tấn công các tuyến vận tải biển của Hải quân phát xít Đức.

Khi đó, một phần đáng kể lực lượng hải quân phải triển khai để bảo vệ các đoàn tàu vận tải, đồng thời với mỗi “thợ săn” tàu vận tải của Đức, phe Đồng minh phải huy động nhiều tàu chiến truy lùng. Điển hình, để tiêu diệt tàu tuần dương Đức “Đô đốc Graf Spee”, phe Đồng minh đã triển khai tới 8 nhóm “tìm và diệt” gồm tổng cộng 4 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm và 17 tàu tuần dương.

Bước sang thế kỷ 21, sự phát triển của các vũ khí có độ chính xác cao, tầm bắn xa sẽ tăng độ nguy hiểm của các “thợ săn” tàu vận tải trên chiến trường Đại Tây Dương và Thái Bình Dương lên nhiều lần, thậm chí có thể phong tỏa các vùng biển kín như biển Đen và biển Baltic. Tiến bộ về tác chiến điện tử, đặc biệt về trinh sát vô tuyến và radar khiến tàu vận tải to lớn, nặng nề trở thành “con mồi” béo bở một khi bị đối phương phát hiện.

Với quy mô giảm còn một nửa so với thời Chiến tranh lạnh, giới bình luận quân sự nhận định Hải quân Mỹ hiện nay không đủ tàu chiến cho nhiệm vụ hộ tống các tàu hậu cần hay tổ chức “tìm và diệt”.

Đạo luật quốc phòng 2019 của Quốc hội Mỹ yêu cầu hải quân nước này mua 7 tàu hàng dân sự từ nước ngoài và phát triển một lớp tàu vận tải mới để hiện đại hóa khẩn cấp lực lượng hậu cần. Lúc này, MSC đang nỗ lực quán triệt tư tưởng cho các thuyền viên của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống hoạt động đơn độc trong vùng chiến sự. Nỗ lực lớn nhất họ có thể làm là tập trung vào huấn luyện vận hành tàu khi tắt mọi thiết bị phát sóng, kể cả điện thoại di động và hy vọng đối phương không tìm ra vị trí các con tàu chất đầy vật tư chiến tranh.

ĐĂNG SƠN (theo defensenews.com)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/hau-can-bai-toan-nan-giai-doi-voi-hai-quan-my-553740