Hậu Cách mạng Nhung Armenia: Washington cay đắng vì cờ hiểm Putin

Trước Cách mạng Nhung, Moscow chỉ tạo ảnh hưởng được với một lực lượng chính trị, nay cả hai lực lượng chi phối chính trường Armenia...

Cuộc Cách mạng quyền lực tại Armenia kết thúc bằng việc thủ lĩnh đối lập Nikol Pashinyan được bầu làm Thủ tướng nước này vào ngày 9/5, dù phe đối lập khi đó chiếm thiểu số trong Quốc hội Armenia.

Ông Pashinyan được cho là thân Mỹ và phương Tây, lãnh đạo cuộc biểu tình chống lại chính quyền thân Nga ở Armenia. Vì vậy, chiến thắng của phe đối lập Armenia phại được xem là thắng lợi của Mỹ và phương Tây trước Nga tại bàn cờ chiến lược này.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là lực lượng được cho là "thân Mỹ lại ngả theo Nga" ngay khi cách mạng thành công, nên dù Mỹ là thực thể kích hoạt cuộc cách mạng quyền lực, nhưng Nga lại là thực thể được hưởng thành quả của cuộc cách mạng quyền lực ấy.

Thủ lĩnh đối lập Nikol Pashinyan trong cuộc cách mạng quyền lực tại Armenia

Với những gì đã và đang diễn ra ở Armenia thời hậu "Cách mạng Nhung" cho thấy ảnh hưởng của “yếu tố Nga” ngày càng đậm nét hơn trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Armenia.

Armenia nâng quan hệ Nga-Armenia lên tầm quan hệ đặc biệt

Chỉ 5 ngày sau khi được bầu làm Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan đã có chuyến thăm Nga và có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ với Nga trong tất cả các lĩnh vực.

Tại khu nghỉ dưỡng ở thành phố Sochi, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh Kinh tế Á-Âu, tân Thủ tướng Armenia đã khẳng định không ai có thể nghi ngờ về mối quan hệ chiến lược Nga-Armenia.

Người đứng đầu chính phủ mới tại Armenia cho biết ông đã có kế hoạch nhằm đưa ra một động lực mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác cả về kinh tế, chính trị và quân sự giữa hai đồng minh chiến lược tại Nam Caucasus.

Rồi 30 ngày sau, người đứng đầu chính phủ mới của Armenia lại có mặt tại Nga trong một sự kiện mà Yerevan không liên quan, đó là làm khách mời danh dự trong lễ khai mạc World Cup 2018 được tổ chức tại Nga.

Điều đó cho thấy chính phủ Armenia hậu Cách mạng Nhung đã tận dụng mọi cơ hội có thể để tiếp cận Moscow. Mục đích của Yerevan không nằm ngoài việc củng cố và nâng tầm quan hệ với Moscow, khai thác tối đa lợi ích từ xứ sở bạch dương.

Ngày 13/6, tại cuộc gặp với Tổng thống Putin lần thứ hai trong vòng 30 ngày, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh bản chất của quan hệ Armenia-Nga và mong muốn quan hệ giữa hai nước sẽ trở thành mối quan hệ đặc biệt.

"Điều này cho thấy bản chất đặc biệt của mối quan hệ giữa Armenia và Nga, và điều này cho thấy các cam kết một tháng trước đây đang được hiện thực hóa. Tôi hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ trở nên đặc biệt hơn”, News.am tường thuật.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Pashinyan quyết nâng tầm đặc biệt cho quan hệ Nga-Armenia

Như vậy, dự báo về những chuyển động lệch pha giữa Moscow và Yeravan thời hậu Cách mạng Nhung đã không diễn ra, mà ngược lại giữa Nga và Armenia ngày càng trở nên đồng điệu hơn.

Armenia vẫn chọn nền tảng phát triển là không gian Liên minh kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể

Ngày 14/5, khi gặp Tổng thống Putin, Thủ tướng Pashinyan cho rằng quan hệ song phương Nga-Armenia nên được tăng cường đồng thời với quan hệ đa phương của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Ngày 8/6, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan tái khẳng định Liên minh kinh tế Á-Âu là cơ chế nền tảng quan trọng cho phát triển quan hệ song phương Nga-Armenia và các quan hệ đa phương khác của Armenia.

"Chúng tôi không cho rằng chúng tôi đồng điệu với nhau trong tất cả các vấn đề có liên quan đến quan hệ giữa hai nước, nhưng chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong không gian EAEU".

Ngoại trưởng Armenia khẳng định :“EAEU là một định dạng rất tốt về sự hợp tác giữa các đối tác. Nó đưa chúng ta đến các không gian lớn hơn, giúp chúng ta mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ đó thúc đẩy phát triển quan hệ Nga-Armenia".

Ngày 11/6, khi tham dự cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan đã cho biết Yerevan ưu tiên phát triển các mối quan hệ trong CSTO.

"Armenia ưu tiên các mối quan hệ giữa Armenia với các thành viên trong CSTO và các đánh giá cao triển vọng của định chế này tham gia vào việc giải quyết các vấn đề trong khu vực và quốc tế", News.am tường thuật.

Trong khi đó Nga đóng vai trò đầu tàu trong cả EAEU và CSTO và đây được xem là những cơ chế quan trọng nhất giúp Nga tạo ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết, khi tổ chức Cộng động các quốc gia độc lập ngày một nhạt nhòa.

Armenia vẫn chọn phát triển trên nền tảng EAEU do Nga làm chủ xị

Rõ ràng, Armenia vẫn chọn những cơ chế mà Nga làm "chủ xị" để đảm bảo cho nền tảng và định hướng phát của mình, chứ không như dự báo của truyền thông phương Tây về một nhà nước Armenia mới thời hậu Cách mạng Nhung.

Armenia thời hậu Cách mạng Nhung vận hành trên nền tảng yếu tố Nga

Khi quyết định nâng quan hệ chiến lược Nga-Armenia lên tầm quan hệ đặc biệt, tân Thủ tướng Armenia tự tin đó cũng là nguyện vọng của tất cả các lực lượng chinh trị tại Armenia.

"Tôi nghĩ mọi người ở Armenia đều hài lòng với sự phát triển này, bởi mối quan hệ sẽ phát triển hiệu quả vì nó dựa trên cơ sở tôn trọng nhân dân, đảm bảo lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia".

Giới phân tích cho rằng nhận định của ông Pashinyan là hoàn toàn có cơ sở, nghĩa là lực lượng chính trị "thân Nga nhưng bị xem đã ngả về phía Mỹ", dù bị thất bại trong cuộc cách mạng quyền lực cũng sẽ ủng hộ nâng tầm quan hệ với Nga.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hau-cach-mang-nhung-armenia-washington-cay-dang-vi-co-hiem-putin-3360009/