Hậu Brexit: 'Nước Anh toàn cầu' đang theo đuổi chính sách 'Toàn châu Á'

Vương quốc Anh là một nhà quảng bá nhiệt tình và tích cực của Hệ thống dựa trên quy tắc quốc tế và đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng tôi tích cực làm việc với các đối tác Việt Nam để thúc đẩy các giá trị này...

Ông Mark Field - Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Đối thoại chiến lược Việt - Anh hồi tháng 1/2018.

Báo điện tử Infonet xin giới thiệu bài viết của ông Mark Field - Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chính sách “Toàn châu Á” của Vương Quốc Anh với một số tiêu điểm về hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam

Từ khi tôi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn một năm trước, tôi đã kinh qua nhiều khu vực - từ Bắc Kinh đến Bangkok, Kuala Lumpur đến Kathmandu, từ Honiara đến Hà Nội. Quan hệ song phương là vô cùng quan trọng và tôi rất vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển trong hợp tác chiến lược của Anh và Việt Nam. Nhưng tôi hiếm khi có cơ hội để nói về cách tiếp cận của Anh đối với châu Á nói chung. Vào ngày 14 tháng 8, tôi đã phát biểu tại Jakarta và muốn trực tiếp chuyển tải lại nội dung chính của bài phát biểu này tới các bạn

Trước tiên, tôi xin kể một câu chuyện ngắn về bản thân. Năm 1962, bố mẹ tôi kết hôn ở Singapore. Tôi lớn lên trong khi được nghe những câu chuyện của họ về cuộc sống ở châu Á. Sự quan tâm của tôi với châu Á trở nên mạnh mẽ hơn khi lần đầu tiên tôi đến thăm châu lục tuyệt vời này hơn hai mươi năm trước. Nó đã khác rất nhiều với những bức ảnh của bố mẹ tôi, và sự thay đổi đó vẫn đang tiếp tục.

Thực sự là mối quan hệ của Anh với châu Á cũng đã và đang thay đổi - từ thời của bố mẹ tôi, hơn nửa thế kỷ trước, cho đến quan hệ đối tác mà chúng ta tận hưởng ngày hôm nay, và cả tầm nhìn kiên định trong tương lai.

Chúng tôi gọi chính sách của mình là ‘Toàn châu Á’ và chúng tôi đặt trọng tâm vào chữ ‘Toàn’. Khi cả thế giới đang nghiêng về phía lục địa đầy tính đa dạng này, với những cơ hội lớn và một số thách thức rất thực tế, đúng là chúng ta đang gắn bó với toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.

Đây là một lục địa của sự đa dạng, của năng lượng, của sự uyển chuyển trong kinh tế, và của những người trẻ, với một phần ba dân số dưới 25 tuổi. Châu Á đại diện cho tương lai của hành tinh này và tôi có niềm đam mê được tăng cường mối quan hệ đối tác của Anh trong khu vực. Và khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu, chúng tôi tin tưởng rằng Vương quốc Anh sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn, gắn bó mật thiết hơn và hướng ra thế giới mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi thực sự muốn trở thành một nước Anh toàn cầu.

Mối quan hệ của chúng tôi với các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á đặc biệt quan trọng đối với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, các vấn đề mấu chốt về lợi ích song phương, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, công nghệ, tài chính, an ninh và nghiên cứu có liên quan đến tất cả Châu Á. Đây là lý do tại sao Vương quốc Anh có hơn 50 phái đoàn ngoại giao khắp châu Á, bao gồm cả mười thành viên ASEAN. Và đó là lý do tại sao chúng tôi đang mở rộng hơn nữa, với 3 cơ quan ngoại giao tại khu vực Thái Bình Dương, tại Tonga, Vanuatu và Samoa.

Hơn nữa, chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để tăng cường sự gắn kết với ASEAN khi chúng tôi rời EU - hợp tác đôi bên cùng có lợi trong các lĩnh vực như giáo dục, đổi mới, thành phố thông minh và an ninh mạng. Vương quốc Anh đã là nhà đầu tư lớn thứ hai tại các nước ASEAN và có phạm vi phát triển rất lớn.

Chúng ta đang làm cùng nhau rất nhiều về thịnh vượng, an ninh và giá trị của Vương quốc Anh trong rất nhiều lĩnh vực: từ hỗ trợ dân chủ ở Malaysia đến liên kết giáo dục ở Trung Quốc, chi tiêu tới 200 triệu bảng trên khắp Châu Á để cải thiện môi trường doanh nghiệp, để dành cho những nghiên cứu chung liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng đẩy mạnh an ninh khu vực với lực lượng không quân và tàu chiến hùng hậu, và danh sách này vẫn còn kéo dài.

Ở Việt Nam, chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện. Trong 3 năm tới, các chương trình về năng lượng carbon thấp, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cải cách y tế và thương mại sẽ được triển khai. Chúng tôi cũng đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm giảm tham nhũng trong khu vực tư nhân, cải cách kinh tế và quản trị cũng như tìm phương thức tốt hơn để huy động vốn cho đầu tư công.

Cả Anh và Việt Nam đều có chung mối quan tâm thúc đẩy và tài trợ cho các dự án xanh và bền vững. Những hoạt động chung giữa hai nước đã giúp ba khu công nghiệp công nghệ cao chuyển sang dùng năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng. Về mặt y tế, Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh đang sử dụng công nghệ vệ tinh để dự đoán các đợt bùng phát sốt xuất huyết ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang làm việc với các viện nghiên cứu của Việt Nam về sử dụng bền vững tài nguyên nước ở cả hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mekong

Vương quốc Anh là một nhà quảng bá nhiệt tình và tích cực của Hệ thống dựa trên quy tắc quốc tế và đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng tôi tích cực làm việc với các đối tác Việt Nam để thúc đẩy các giá trị này thông qua nhiều dự án đa phương cùng với LHQ, OPCW và ASEAN.

Tôi tin những điều trình bày ở trên chứng minh rằng Vương quốc Anh là một đối tác đáng tin cậy cho Việt Nam và Tất cả châu Á. Một đối tác bảo mật, một đối tác phát triển và một đối tác kinh tế đáng tin cậy. Khi Vương quốc Anh vẫn là thành viên của EU, chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ các cuộc đàm phán thương mại tự do của EU với các nước trong khu vực, bao gồm FTA EU-Việt Nam. Khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi EU, chúng tôi tìm cách đảm bảo tính liên tục cho các giao dịch thương mại hiện có của EU và xem xét các lựa chọn cho các hiệp định thương mại song phương mới. Chúng tôi cũng đang xem xét việc tìm cách gia nhập CPTPP để hỗ trợ thương mại tự do và dựa trên quy tắc sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.

Chính sách “Toàn châu Á” nhận ra rằng châu Á là lục địa trong đó thế giới của thế kỷ 21 được kiến tạo. Cách tiệp cận này bao hàm một Vương quốc Anh và “Toàn châu Á” làm việc cùng nhau, trong quan hệ đối tác bình đẳng, về những điều quan trọng nhất đối với mọi người: nhận được một nền giáo dục tốt, tìm được một công việc tốt, các quyền lợi được tôn trọng và cảm thấy tự tin rằng tương lai của họ được an toàn. Nó còn bao gồm việc tìm kiếm sự đổi mới và công nghệ phù hợp để làm cho cuộc sống tốt hơn và đó là lý do tại sao Vương quốc Anh đang tìm cách hợp tác nhiều hơn nữa để phát triển các thành phố thông minh ngay trên khắp châu Á. Làm việc cùng nhau để xây dựng một tương lai an toàn hơn, tự do hơn và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người. Vương quốc Anh mong muốn được tham gia cùng tất cả các bạn trên hành trình đầy thú vị này!

Lam Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hau-brexit-nuoc-anh-toan-cau-dang-theo-duoi-chinh-sach-toan-chau-a-post271910.info