Hậu Brexit bước vào giai đoạn quyết định

Tiến trình đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu để đi đến một thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit đang bước vào giai đoạn quyết định với loạt tranh chấp cần khẩn trương giải quyết từ nay đến trước cuối năm 2020.

Hôm 1-10, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã có cuộc hội đàm video từ xa. Thông báo của EC cho biết, hai vị lãnh đạo đã đồng ý rằng hai bên có lập trường giống nhau đối với nhiều điểm để có thể hướng đến một thỏa thuận cuối cùng.

Tuy nhiên, thông báo cũng không đưa ra thêm những bước tiến nào để có thể gọi là “đột phá” trong cuộc hội đàm giữa ông Johnson và bà Ursula von der Leyen nhưng giới quan sát cũng không cho rằng đó là một thất bại, bởi những gì đạt được cũng đủ để gọi là thành công trong bối cảnh đàm phán giậm chân tại chỗ trong nhiều tháng nay. Từ đây, tiến trình đàm phán để ký kết một thỏa thuận thương mại lâu dài sẽ bắt đầu tăng tốc khi cả hai bên đều khẩn trương chạy đua với thời gian nhằm đáp ứng thời hạn chót ký kết thỏa thuận vào ngày 31-12.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Việc Thủ tướng Johnson trực tiếp tham gia đàm phán thông qua điện đàm video với Chủ tịch EC von der Leyen đã nâng tầm đàm phán từ cấp chuyên gia lên cấp lãnh đạo. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và tính chất quyết định của giai đoạn đàm phán. Bên cạnh ông Johnson và bà von der Leyen, kết quả đàm phán còn phụ thuộc vào vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, bà Merkel và ông Macron lại có sự toan tính chính trị rất khác nhau. Ông Macron hiện đang có tỉ lệ ủng hộ sụt giảm vì cử tri Pháp đang ngày càng bất bình với cách chính phủ của ông xử lý tình hình đại dịch COVID-19. Năm tới ông sẽ bước vào một cuộc bầu cử, từ đó những vấn đề tranh chấp giữa EU với nước Anh, như quyền đánh bắt cá, sẽ có tác động đến lá phiếu của cử tri tùy theo mức độ “thắng thua” đối với nước Anh. Vì thế giới quan sát cho rằng ông Macron sẽ không dễ nhượng bộ người Anh.

Trong khi đó, bà Merkel đang trong giai đoạn chuẩn bị rời nhiệm nên sẽ rất quan tâm bảo vệ “di sản” của mình với tư cách là lãnh đạo trên thực tế của châu Âu. Một cuộc chia tay “cay đắng” với nước Anh, đặc biệt là ngay trong năm nước Đức làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu sẽ làm hoen ố phần nào cái “di sản” ấy, vì thế bà Merkel quyết tâm tránh điều đó xảy ra. Cho nên, giới quan sát đánh giá thái độ tiếp cận vấn đề thỏa thuận hậu Brexit của Đức và Pháp hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là tích cực, xây dựng và thận trong, còn một bên là đội hình của ông Macron tỏ ra cứng rắn, thậm chí hung hăng hơn với người Anh.

Khi thời gian đến hạn chót đang cạn dần, người Anh toan tính trông cậy vào sự can thiệp của Thủ tướng Johnson với bà von der Leyen nhằm có thể mau chóng đạt kết quả. Năm ngoái, ông Johnson từng thành công khi làm trung gian thỏa thuận với Thủ tướng Ailen khi đó là Leo Varadkar. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện có vẻ đổi khác, không giống như trước. Các điểm tranh chấp gay cấn nhất trong đàm phán năm ngoái chủ yếu tác động đến một quốc gia duy nhất là Ailen, còn đàm phán cho thỏa thuận thương mại năm nay ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất châu lục như Pháp và Đức và họ luôn tìm cách tránh vượt lằn ranh.

Năm nay, các vấn đề tranh chấp chủ yếu xoay quanh nghề khai thác hải sản. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng để có được thỏa thuận thì EU sẽ phải chấp nhận các hạn ngạch thấp hơn cho việc đánh bắt trong vùng biển của nước Anh. Hạn ngạch mới sẽ được áp dụng từng bước để các hải đội lớn có thời gian thích ứng. Tương tự, người Anh cũng sẽ phải nhượng bộ EU trong vấn đề trợ cấp của nhà nước đối với các ngành sản xuất.

EU lo ngại rằng một khi “chia tay trong cay đắng”, Chính phủ Anh có thể sẽ trợ cấp cho càc công ty và giúp họ ồ ạt đổ hàng hóa sang thị trường châu Âu lục địa. Vì thế, EU muốn nước Anh làm rõ quy định chống độc quyền nào được áp dụng trong nước và thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp với EU. Ngược lại, người Anh cho đó là vấn đề chủ quyền quốc gia nên khó lòng thỏa thuận.

Các vấn đề đang tranh chấp dù chỉ mang tính kỹ thuật nhưng sẽ có những hệ lụy cho quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai. Cách đây một năm, mâu thuẫn giữa Anh và EU cũng tăng cao khi tiến trình đàm phán để Anh rời khỏi EU đang giai đoạn quyết định trước khi ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 10-2019. Và nước Anh đã chính thức rời khỏi EU vào cuối tháng 1-2020 sau khi đã trì hoãn vài lần.

Nhưng các điều khoản ghi trong thỏa thuận “chia tay” EU nêu rõ rằng nước Anh vẫn còn là thành viên của khối trên phương diện hải quan và thị trường chung cho đến cuối năm 2020, khi đó hai bên sẽ phải ký kết các thỏa thuận lâu dài, như hạn ngạch khai thác hải sản và việc nhà nước tài trợ cho các ngành sản xuất nêu trên.

Đầu tháng 10-2020, EC đã khởi động tiến trình pháp lý nhằm kiện nước Anh ra tòa án nếu nước này ban hành một dự luật về thị trường nội địa, trong đó cho phép Chính phủ Anh có thể bỏ qua một số điều khoản trong thỏa thuận rời khỏi EU đã ký vào năm 2019. Ngày 1-10, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã gửi cho Chính phủ Anh một thông báo chính thức về dự luật nêu trên, sau khi Thủ tướng Johnson không phản hồi yêu cầu của khối về việc cần phải rút lại dự luật.

Trong thông báo chính thức, EC gia hạn cho London trong vòng một tháng phải thực hiện yêu cầu của EU, nếu không sẽ phải đối mặt những rắc rối về pháp lý ở cấp châu lục. “Chúng ta đang gặp trở ngại do việc xâm phạm các điều khoản thỏa thuận đã ký liên quan đến vấn đề Bắc Ailen”.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu không đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, kinh tế nước Anh sẽ bị ảnh hưởng lớn. Cộng với tình hình khủng hoảng do đại dịch COVID-19, những tổn thất chính trị càng nghiêm trọng cho ông Johnson. Vì vậy người ta tin rằng, rốt cuộc số 10 Phố Downing cũng phải chấp nhận nhượng bộ mức độ nào đó để có được thỏa thuận.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/hau-brexit-buoc-vao-giai-doan-quyet-dinh-614572/