Hậu bầu cử Mỹ 2020: Bài toán nội các của ông Joe Biden

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, người được các hãng truyền thông lớn của Mỹ dự đoán sẽ trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, hiện đang rục rịch tập hợp các cố vấn và quan chức thuộc nội các của mình khi Ngày nhậm chức (20/1) đang dần đến.

Tổng thống đắc cử Joe Biden tại buổi giới thiệu đề cử của mình vào các vị trí quan trọng về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại thành phố Wilmington, bang Delaware ngày 24/11. (Nguồn: AP)

Tổng thống đắc cử Joe Biden tại buổi giới thiệu đề cử của mình vào các vị trí quan trọng về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại thành phố Wilmington, bang Delaware ngày 24/11. (Nguồn: AP)

Khi con đường tới Nhà Trắng đang rộng mở cho ông Biden, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Tổng thống đắc cử là xây dựng đội ngũ giúp việc cho ông tại Nhà Trắng và nội các chính phủ càng sớm càng tốt.

Lựa chọn kỹ lưỡng

Theo Bloomberg, tính đến ngày 1/12, ông Biden vẫn chưa hoàn thành danh sách 24 người vào các vị trí thuộc nội các và cấp nội các của mình. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều quá lo ngại, bởi ông Biden nổi tiếng với thói quen cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đảm bảo rằng chính phủ của ông sẽ phản ánh đúng một nước Mỹ thực thụ, về mặt nền tảng cũng như tư tưởng. Theo đó, danh sách nhân sự dự kiến của ông Biden hứa hẹn sẽ đa dạng và hài hòa hơn.

Ông Biden đã chọn bà Kamala Harris làm người đồng hành với mình trong quá trình bầu cử, và bà Harris nhiều khả năng sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ nắm vị trí Phó Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, ông Biden cũng khẳng định sẽ đề cử một nữ thẩm phán da màu vào Tòa án Tối cao Mỹ, nếu có vị trí bị bỏ trống.

Theo The Conversation, Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng đã chọn một cách tiếp cận khác để “chọn mặt gửi vàng”, ngoài việc chọn bà Kamala Harris làm Phó Tổng thống, ông chỉ định các chuyên gia có kinh nghiệm phù hợp và có triển vọng thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên trường quốc tế. Điều này cũng gửi đi một tín hiệu rằng, Mỹ đã sẵn sàng tái hợp tác với thế giới, giống như phát biểu của ông Biden: “Mỹ sẵn sàng lãnh đạo thế giới, chứ không rút khỏi trường quốc tế”.

Tài năng và kinh nghiệm

Ông Biden đã lựa chọn cố vấn lâu năm của mình là ông Ron Klain (59 tuổi) để giữ chức Chánh văn phòng Nhà Trắng hôm 11/11. Theo The Hill, ông Klain là người bạn tâm giao lâu năm của ông Joe Biden và đã từng giữ chức Chánh văn phòng trong những năm ông làm Phó Tổng thống. Ron Klain từng là cố vấn chính của ông Joe Biden khi cựu Phó Tổng thống chuẩn bị tranh luận với Tổng thống Donald Trump. Vì vậy, ông được coi là nhân vật phù hợp nhất cho vị trí mới này.

Dưới thời Tổng thống Trump, trọng tâm của Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã có sự chuyển biến đáng kể, từ chống khủng bố sang quản lý nhập cư và an ninh biên giới. Ông Biden dự kiến chuyển trọng tâm sang bảo vệ nước Mỹ trước hàng loạt các mối đe dọa như khủng bố, an ninh mạng và ứng phó với đại dịch.

Chính vì vậy, ông Biden đã lựa chọn ông Alejandro Mayorkas cho vị trí này. Ông từng là Thứ trưởng An ninh Nội địa trong chính quyền Obama, và từng là Giám đốc Sở Nhập tịch và di trú Mỹ (USCIS) thuộc Bộ An ninh nội địa. Nếu mọi thứ suôn sẻ, ông Mayorkas sẽ là người Latinh đầu tiên và là người nhập cư đảm nhiệm ghế Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa.

Với vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, ông Biden lựa chọn ông Antony Blinken. Ông Blinken là một nhân vật thân thiết với ông Biden. Trong chính quyền của Tổng thống Obama, ông Blinken từng là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia từ năm 2013-2015 và Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2015-2017. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông Blinken đã “kề vai sát cánh” với ông Biden trong vai trò là Cố vấn Chính sách đối ngoại.

Theo Washington Post, Bộ Ngoại giao được cho là sẽ đảo ngược một số chính sách quan trọng của thời ông Trump, đồng thời khôi phục vị trí trung tâm của Mỹ trên trường quốc tế. Các ưu tiên bao gồm củng cố lại các liên minh với châu Âu, tiếp cận cân bằng hơn với xung đột Israel-Palestine, thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, tìm hướng đi mới về vấn đề Iran. Quan trọng nhất, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục duy trì áp lực đối với Trung Quốc về các vấn đề như nhân quyền và thương mại.

Hàng trên, từ trái qua: Antony Blinken, Janet Yellen, Jake Sullivan, Avril Haines. Hàng dưới, từ trái qua: Linda Thomas-Greenfield, John Kerry, Alejandro Mayorkas.

Với vị trí Bộ trưởng Tài chính, ông Biden dự kiến bổ nhiệm bà Janet Yellen. Bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Trước đó, bà từng đi vào lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) và đã đảm nhiệm vị trí đó từ năm 2014 đến năm 2018. Là người ủng hộ thương mại tự do và là chuyên gia về thị trường lao động, bà Yellen hiểu những thiệt hại mà cuộc chiến thương mại đang gây ra cho người dân Mỹ. Điều đặc biệt, chồng bà Yellen là ông George Akerlof đã từng nhận giải Nobel Kinh tế năm 2001.

Cựu Ngoại trưởng John Kerry cũng sẽ nắm giữ chức vụ không kém phần quan trọng trong chính quyền mới của ông Biden, đó là Đặc phái viên Tổng thống về khí hậu và có một ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Đây được xem như là một cam kết của ông Biden về các biện pháp hợp tác toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu, trong bối cảnh Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, một số gương mặt sáng giá khác đã được ông Biden chính thức đề cử có thể kể đến Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Neera Tanden, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines. Đặc biệt hơn nữa, nhóm truyền thông Nhà Trắng lần đầu tiên sẽ bao gồm toàn bộ các thành viên là nữ, như bà Jen Psaki, Thư ký Báo chí Nhà Trắng hay Kate Bedingfield, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng.

Rào cản đáng kể

Nếu Đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát thế đa số tại Thượng viện Mỹ sau các cuộc bầu cử ở Georgia đầu tháng Một năm sau, danh sách này còn tiếp tục được cân chỉnh bởi mọi lựa chọn nhân sự cho nội các chính phủ của ông Biden sẽ phải được Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát phê chuẩn. Riêng các vị trí nhân sự cho Nhà Trắng thì không phải trải qua quá trình phê chuẩn này và có thể bắt tay vào làm việc ngay sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021.

Theo The Conversation, ông Biden đã tập hợp được một đội ngũ có tài, có kinh nghiệm và tầm nhìn không chỉ về nước Mỹ mà còn là về thế giới. Trong bài phát biểu chiến thắng, ông Joe Biden khẳng định muốn “chữa lành” nước Mỹ, hàn gắn những rạn nứt trong lòng xứ cờ hoa, tái thiết “xương sống của đất nước” - tầng lớp trung lưu, đảm bảo ai cũng có cơ hội.

Ông cũng từng khẳng định sẽ xây dựng một nội các “nói với tôi những gì tôi cần biết chứ không phải những gì tôi muốn biết”. Với thói quen cân nhắc kỹ lưỡng, ông Joe Biden chắc hẳn đã chọn ra được một nội các “cứng tay”, “hợp cạ” cho mình nhằm giúp quản lý và xây dựng chính sách hiệu quả, biến giấc mơ “chữa lành” nước Mỹ của ông thành hiện thực.

Nội các của tổng thống bao gồm phó tổng thống, tổng chưởng lý và lãnh đạo của 14 cơ quan hành pháp: Nông nghiệp, Thương mại, Quốc phòng, Giáo dục, Năng lượng, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, An ninh nội địa, Nhà ở và Phát triển đô thị, Nội vụ, Lao động, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Ngân khố (Tài chính) và Cựu chiến binh. Ngoài ra còn có tám vị trí cao cấp khác, bao gồm: Chánh văn phòng Nhà Trắng, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Giám đốc Cơ quan tình báo, Đại diện thương mại Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế và Giám đốc Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ.

Quang Đào

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-bau-cu-my-2020-bai-toan-noi-cac-cua-ong-joe-biden-130617.html