Hát xoan ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Hát xoan đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hôm 8/12/2017.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại phiên họp về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12. Ảnh: Internet

Hát xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Loại hình nghệ thuật này gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Hát xoan xưa kia còn gọi là hát xuân, có lẽ do gắn với tích chuyện: Từ thuở vua Hùng dựng nước, vào buổi trưa ngày 13 tháng chạp, ba anh em vua Hùng đi tìm đất mở mang kinh đô có đi qua thôn Phù Đức và An Thái dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng gần thôn. Trong khi ngồi nghỉ, ba anh em vua Hùng nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy có một đám trẻ chăn trâu vừa chơi các trò chơi như đánh vật, kéo co lại vừa hát những khúc ca nghe rất hay. Thấy vậy, người anh cả nhà họ Hùng liền bảo hai em dạy các trẻ mục đồng hát một số điệu mà họ mang theo. Về sau, để tưởng nhớ công lao của ba anh em vua Hùng, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng chạp âm lịch, dân làng lại làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và cúng thịt bò vào buổi chiều để thờ anh cả vua Hùng - được nhân dân suy tôn là đức Thánh Cả. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 tháng giêng âm lịch, dân làng Phù Đức mở hội để cầu Đức Thánh Cả phù hộ cho "Dân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt". Trong hội cầu, họ diễn lại cảnh hát xướng để nhớ lại sự tích các vua Hùng dạy dân múa hát và chơi các trò chơi dân gian.

Hát xoan Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Ảnh: Internet

Chính những giá trị to lớn của loại hình nghệ thuật này, ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức công nhận hát xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Hiện nay, Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được 31 bài hát xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường xoan đã được thành lập. Có 33 câu lạc bộ hát xoan hiện đang sinh hoạt, các hội thảo được tổ chức để mở rộng kiến thức về hát xoan. Những nghệ nhân lão luyện truyền dạy hát xoan thông qua truyền khẩu kết hợp với việc sử dụng các bài bản, ghi âm và ghi hình. Các nghệ nhân có kinh nghiệm cũng dạy hát xoan cho các thành viên của câu lạc bộ và cho giáo viên âm nhạc trong các trường học - những người sẽ truyền dạy kiến thức này cho các thành viên câu lạc bộ khác cũng như cho học sinh.

Nỗ lực của cộng đồng địa phương trong việc khôi phục và gìn giữ hát xoan. Ảnh: Internet

Một trong những tiêu chí quan trọng để hát xoan Phú Thọ được UNESCO rút ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là bởi những thực hành xoan liên quan đến âm nhạc và ca hát như là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng; Di sản này đã trải qua thời kỳ mai một nghiêm trọng trong thế kỷ XX và đã được khôi phục thành công nhờ vào những nỗ lực đáng kể của cộng đồng địa phương và các bên liên quan…

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/hat-xoan-ra-khoi-danh-sach-di-san-van-hoa-phi-vat-the-can-bao-ve-khan-cap.html