Hạt nhân nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia

Nước ta hiện có 33.604 người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS). Ở khu vực biên giới, bằng kinh nghiệm, uy tín và trí tuệ của mình, người có uy tín đã trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết với BĐBP cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân. Họ cũng là đầu tàu trong thực hiện phong trào 'Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới', là tấm gương sáng, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cán bộ BĐBP Hà Giang giới thiệu mốc quốc giới cho các cháu học sinh. Ảnh: CTV

Tự quản đường biên, cột mốc

Trong những năm qua, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức các lớp phổ biến về các hiệp định, quy chế biên giới, lịch sử đường biên, mốc quốc giới cho người có uy tín, giúp họ nắm chắc ranh giới, hiểu rõ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Từ đó, người có uy tín chủ động vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ, thôn bản tham gia tự quản đường biên, cột mốc, tích cực tố giác tội phạm để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu là ông Tao Văn Vin (sinh năm 1959, dân tộc Thái), Bí thư Chi bộ bản Cấu, xã Chả Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ông đã vận động 97/97 gia đình trong bản tham gia Tổ tự quản đường biên, cột mốc; chỉ đạo tổ chức các tổ tự quản, các đoàn thể ở khu dân cư phối hợp với BĐBP thực hiện 57 đợt tuần tra biên giới với 300 lượt người và 21 đợt phát quang cột mốc với 475 lượt người tham gia; vận động 4 dòng họ Tao, Lèng, Thùng và Khoàng xây dựng mô hình “Dòng họ bình yên”.

Ở tỉnh Hà Giang có ông Lý Chá Phìn, 19 năm liên tục được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Lũng Thầu, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Hiểu rõ giá trị của từng tấc đất biên cương do tổ tiên gìn giữ từ hàng nghìn năm qua, ông Phìn luôn là đầu tàu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, các quy chế quản lý biên giới, tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ năm 2009 đến nay, ông đã tham gia tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 800 lượt người nghe.

Cũng ở vùng biên Hà Giang, chúng tôi gặp anh Vàng Mí Phồng, Bí thư Chi bộ thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ. Anh Phồng là “trái tim” của Tổ tự quản đường biên, cột mốc thôn Pao Mã Phìn. Anh Phồng “thuộc làu” từng khúc cua trên cung đường đi lên những cột mốc mà gia đình anh nhận tự quản. Dẫu đường lên biên giới cheo leo, đá tai mèo lởm chởm, vực sâu thăm thẳm, hằng tháng, anh vẫn đều đặn lên thăm cột mốc, bất kể ngày hay đêm. Thậm chí, ngay cả khi một chân bị cắt do vướng mìn, trong một lần lên biên giới kiểm tra mốc, anh Phồng vẫn lên “thăm” cột mốc với lý do rất đơn giản: “Tôi đi, vì trách nhiệm của mình” - Anh chia sẻ. Với tinh thần ấy, anh là tấm gương trong việc tham gia bảo vệ, gìn giữ đường biên, cột mốc để nhân dân trong thôn nhìn vào mà noi theo. Thôn Pao Mã Phìn có 65 hộ dân thì 2/3 số đó tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bắt đầu từ mốc 276 cho tới mốc 282.

Tham gia xây dựng bản làng

Không chỉ tích cực tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, người có uy tín trong cộng đồng DTTS còn thể hiện vai trò quan trọng trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Anh S?n Mí Dẩu, Bí thư Chi bộ xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng là một điển hình. Anh đã vận động người dân cho con em đi học đúng độ tuổi; kết hôn đúng độ tuổi, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con. Kết quả, trong xóm Lũng Mần không có trường hợp nào tảo hôn. Anh cũng tích cực vận động người dân Lũng Mần hiến 100m2 và ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn. Tỉ lệ các gia đình trong xóm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 đạt 76,1% đến năm 2017 đạt 94,3%, tăng 18,2%). Nhiều năm liền xóm Lũng Mần đạt Khu dân cư văn hóa.

Ở thôn A Sò, xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, ông A Lăng Nhích, sinh năm 1954, dân tộc Cơ Tu được biết đến là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm. Bằng uy tín của mình, ông đã tích cực vận động bà con hiến đất tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình công cộng.

Trăn trở vì trong thôn còn nhiều hộ nghèo, ông Nhích đã mạnh dạn đầu tư làm kinh tế trang trại, để làm mẫu cho người dân làm theo. Sau thời gian cần mẫn cải tạo đất, trồng cây, chăm sóc vật nuôi, mô hình kinh tế trang trại đã giúp ông thoát nghèo bền vững. Từ thành công của gia đình, ông Nhích đã giúp đỡ 7 gia đình khác thoát nghèo.

Vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới

Năm nay đã 65 tuổi, nhưng ông Lương Minh Hồng, dân tộc Thái, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong vẫn tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An. Đặc biệt, ông còn tham gia tích cực và có hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân.

Ông Lương Minh Hồng cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Hải Thượng

Với uy tín của mình, trong 5 năm qua, ông luôn vận động nhân dân hai bản Mường Phú (Việt Nam) và Nậm Táy (Lào) thực hiện tốt Biên bản ghi nhớ kết nghĩa. Hai bản đã tổ chức cho các gia đình thuộc bản ký cam kết tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ khi ký kết nghĩa, nhân dân hai bản tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thiết thực.

Với nghĩa cử cao đẹp, giúp bạn chính là giúp mình, trong 5 năm qua, bản Mường Phú sang thăm, tặng quà bản Nậm Táy 10 đợt. Ngoài ra, bản Mường Phú còn giúp nhân dân bản Nậm Táy ngày công làm nhà, khắc phục hậu quả thiên tai, làm 3 nhà Đại đoàn kết cho 3 hộ dân Lào. Những hành động thiết thực này đã tô thắm thêm tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó lâu đời của hai bản.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hat-nhan-nong-cot-trong-su-nghiep-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia/