'Hạt gạo làng ta'… gửi ra thế giới

Khép lại năm 2018, trong số những thành tựu nhiều mặt của chúng ta, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt con số ấn tượng với gần 40 tỷ USD. Đó là một kỳ tích, một 'kỷ lục' đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của một đất nước mà ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại...

Nông sản mang thương hiệu Việt chinh phục thế giới

Chúng ta càng vui mừng hơn khi biết rằng năm 2018, bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường, điển hình là cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ - Trung.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh thị trường và sự giảm sút một số mặt hàng cây công nghiệp trên toàn thế giới diễn ra đồng thời với sự gia tăng bảo hộ, thông qua hệ thống các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nước là thị trường nông sản lớn của Việt Nam (bao gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Nhìn chung, với các thị trường truyền thống cũng như phi truyền thống của Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu giảm sâu về giá, nhất là với các mặt hàng chúng ta có thế mạnh nhiều năm, như: đường, cà phê, điều và cao su...

Mặc dù vậy, theo con số thống kê của ngành chức năng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ trong vòng 11 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên những khó khăn chủ quan cũng như khách quan để đem về cho đất nước con số 36,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017).

Với vị trí thứ 15 trong “bảng tổng sắp” danh sách các cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới, nông sản Việt Nam đã và đang chinh phục cảm tình của người tiêu dùng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục.

Tại 5 thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc, thị phần nông - lâm - thủy sản của Việt Nam lần lượt là 22,9%, 17,9%, 19,1%, 10,64% và 6,9%. So với cùng kỳ năm 2017, giá trị tăng 3,6% tại thị trường Trung Quốc, tăng 9,4% tại thị trường Mỹ, tăng 7,1% tại thị trường Nhật Bản, tăng 11% tại thị trường ASEAN và tăng 29,4% tại thị trường Hàn Quốc. Hầu hết các thị phần xuất khẩu được duy trì và mở rộng, thêm vào đó là các thị trường mới và thị trường có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm, tại các quốc gia vùng Trung Đông, châu Phi và Đông Âu...

Hạt gạo Việt Nam đã, đang đi khắp năm châu, bốn biển.

Hạt gạo Việt Nam đã, đang đi khắp năm châu, bốn biển.

Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu áp lực giảm giá mạnh trong năm 2018, ngược lại, có những mặt hàng tăng giá; điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Bằng chứng là với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu của 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn, giá trị 2,9 tỷ USD (tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017); sau đó phải kể đến các mặt hàng rau quả với giá trị ước đạt 3,5 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017), cá tra đạt trên 2 tỷ USD (tăng 27,4% với cùng kỳ năm 2017)...

Thực tế còn cho thấy, không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu tiêu thụ, mà các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Theo đó, thị trường Trung Quốc không chỉ đòi hỏi cao về chất lượng, mà còn tăng cường các chế tài quản lý và siết chặt các hoạt động thương mại biên giới đối với nông sản nhập khẩu. Thị trường lớn EU một mặt vẫn duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản Việt Nam, không những thế EU còn dự thảo các quy định mới về danh mục các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.

Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục chương trình thanh tra Farm Bill đối với cá da trơn (theo Đạo luật Nông nghiệp); hơn nữa, đã và đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ. Cùng với đó, việc Hàn Quốc và Nhật Bản thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, vô hình trung làm ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường hai quốc gia này...

Vắt đất ra vàng và USD

Trong số rất nhiều mặt hàng tham gia xuất khẩu để mang những đồng ngoại tệ quý giá về cho nước nhà, cây lúa và sản phẩm từ cây lúa - đó là hạt gạo - đã và đang tiếp tục khẳng định tiềm năng, thế mạnh trên đồng đất Việt Nam.

Hẳn nhiều người chúng ta còn nhớ một sự kiện diễn ra cách đây chưa lâu, đó là Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 tổ chức cuối tháng 12/2018 tại tỉnh lúa Long An. Tại đó, lễ công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam được tổ chức trang trọng, là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc đối với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp khi lần đầu tiên hạt gạo quốc gia có logo thương hiệu, giúp gia tăng tính nhận biết và ý nghĩa lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam.

Ngày càng có nhiều những giống lúa cho hạt gạo không chỉ thơm ngon mà còn năng suất.

Trong quá khứ, ngoài các giống lúa có tên (tám xoan, nàng hương, trân châu lùn...), các giống lúa được gọi bằng ký hiệu khoa học (IR64, CR203...); ở Nam bộ - nhất là vùng Đồng Tháp Mười - có giống lúa không trồng mà mọc, người dân trong vùng gọi là “lúa ma” hoặc “lúa trời”; ở Tây Bắc có những tên gọi dân gian: Nếp cẩm, nếp tan, nếp nương, nếp Mèo... Và nay, trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, bằng kỹ thuật lai tạo, các nhà khoa học đã cho ra đời hàng loạt những giống lúa không chỉ hạt gạo thơm ngon mà còn năng suất cao, cây lúa có khả năng chống chọi tốt trước thiên nhiên khắc nghiệt và các loài sâu bọ gây hại.

Bộ sưu tập các di chỉ khảo cổ học (rìu, cuốc đá, bàn nghiền đá, các hạt thóc hóa thạch...), là những bằng chứng kết luận rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước nhân loại, rằng nền nông nghiệp với vai trò chủ đạo của cây lúa đã xuất hiện ở Việt Nam ít nhất cũng từ thời đại đá mới. Đến thời đại đồng thau, trên các thạp đồng, rìu đồng và lưỡi cày đồng, người Việt cổ đã chạm khắc nên đó hình bông lúa, cảnh cấy lúa, giã gạo...

Những điều ghi chép về ruộng (điền tịch) trong các thư tịch cổ, truyền thuyết “bánh chưng bánh dày”, trên trời giữa vô vàn các vì tinh tú có ngôi sao tên là Thần nông (vị thần coi sóc việc nhà nông). Trong số các lễ tục đầu năm mới, lễ “tịch điền” mang đậm hồn cốt Việt Nam, nhắc chúng ta một triết lý ngàn đời “dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc) của tổ tiên mình.

Ngày cha ta lên đường nhập ngũ, trong nắm cơm mẹ gói bằng mo cau vườn nhà có cả hương đồng gió nội mang theo. Những năm chiến tranh chống Mỹ, có câu nói đã trở thành thành ngữ: “Ăn cơm miền Bắc, đánh giặc miền Nam”. Ngày ấy, từ những bãi phù sa châu thổ sông Hồng, từ những “cánh đồng năm tấn thắng Mỹ”, hạt gạo miền Bắc được “gửi ra tiền tuyến, gửi về phương xa” với tất cả tấm lòng hậu phương thủy chung son sắt. Lại có cả phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, một phong trào mà cái tên gọi còn thú vị hơn bất cứ đôi câu đối chuẩn nào.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nhiều thập kỷ phải xin viện trợ lương thực của một số nước khác, Việt Nam bỗng vươn lên hàng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Đó là cả một thành tựu vĩ đại, có thể nói là phi phàm, làm đổi thay số phận hàng chục triệu nông dân, làm ngạc nhiên ngay chính các đối tác trong quan hệ buôn bán lương thực với Việt Nam. Ngày nay, theo những con tàu vượt đại dương, Hạt gạo Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển, mang theo vị mặn mồ hôi của người nông dân Việt Nam hay lam hay làm, vắt đất ra vàng, vắt đất ra sự sống, vắt đất ra niềm tin và hạnh phúc ấm no...

Quốc Lâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/dung-hang-viet/hat-gao-lang-ta-gui-ra-the-gioi-64862.html