Hát canh Quan họ

Hát canh Quan họ có lẽ là điều mà nhiều du khách muốn tìm hiểu nhất khi đến Bắc Ninh. Theo các nghệ nhân thì hát canh là đỉnh cao của sự thăng hoa Quan họ, người tham gia phải có vốn vài trăm bài, phải biết ca đủ lối đủ câu, tinh tường nghề chơi…

Hát canh Quan họ tại gia đình anh Nguyễn Tuấn Hưng, khu Quả Cảm, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh).

Còn nhớ, khoảng 1 năm trước, tôi được anh Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ Trưởng, Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), mời dự hát canh tại quê ở khu Quả Cảm, phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tôi rất mừng, bởi biết rằng đây là một đêm hát canh được chủ nhà chuẩn bị chu đáo với sự tham gia của 8 cặp liền anh, liền chị tiêu biểu đa phần đến từ các làng Quan họ gốc: Viêm Xá (Hòa Long); Thị Chung, Niềm Xá (Kinh Bắc) và Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh); Lũng Giang (thị trấm Lim) và Hoài Trung (Liên Bão, huyện Tiên Du); CLB Quan họ Nhị Hà (Hà Nội).

19h30 phút canh hát mở đầu qua lời mời nước, mời trầu bằng những câu từ thưa gửi mộc mạc, nhã nhặn của các anh Hai, chị Hai. Quả đúng như các nghệ nhân Quan họ nói thì muốn biết nghề chơi Quan họ công phu thế nào thì phải nghe hát canh. Trong buổi hát canh Quan họ, các anh Hai, chị Hai không chỉ thể hiện là người có lưng vốn kha khá, biết ca đủ lối đủ câu mà còn cho thấy sự cầu kỳ trong phép tắc ứng xử, giao tiếp lịch thiệp. Trong khi hát cách xưng hô luôn khiêm nhường, quý trọng bạn hát dù nhiều tuổi hơn, trình độ vốn liếng dày dặn hơn nhưng vẫn xưng em hoặc chúng em và gọi bạn là anh, chị.

Hát canh chỉ được tổ chức vào ban đêm và hát đối đáp giữa các bọn Quan họ kết bạn với nhau. Đây tưởng chừng như một cuộc đua tài đua sức giữa các cặp liền anh, liền chị nhưng thực chất lại là nơi thể hiện tình cảm con người gắn bó thiết tha, mặn nồng qua từng lời ca.

Ngày nay, các canh hát Quan họ truyền thống được tổ chức thường bỏ qua giọng Hừ la, bởi đây được coi là giọng cổ khó hát nhất, song canh hát tại nhà của gia đình anh Hưng đa phần là các cặp hát gạo cội có nhiều vốn, nhiều câu nên các anh Hai, chị Hai vẫn ca đủ lối, đủ câu, hát càng về khuya, giọng càng trầm bổng, mặn nồng nghĩa tình.

Ví như ở giọng la rằng, cặp liền anh làng Lũng Giang ca câu “Tiếc thay cành quế non vời”; cặp liền chị phường Thị Cầu đối lại: “Nhớ ai nhớ mãi thế này”. Giọng kim lan cặp liền chị khu Viêm Xá ca câu “Cây kiêu có quả chín mồi/Em nhớ ai, em nhớ đến ai…”. Cặp liền anh CLB Nhị Hà đáp lại: “Kim Lan, đường bạn đấy ơi/Đôi người ngồi ca bên ấy còn không hay đã đủ đôi cả rồi…/Lòng tôi yêu vụng nhớ thầm/Trách ông nguyệt lão se nhầm duyên ai…” Lời ca Quan họ đối đáp của các cặp đôi ngày càng thiết tha, nghĩa tình khi ca đến giọng giã bạn phải xa nhau với câu bịn rịn, quyến luyến khôn nguôi: “Nhạn nam chắp cánh bay xuôi/Trăm thương ngàn nhớ cho lòng em đau/Ai làm cho chim lìa tổ, cho tằm xa tơ, cho bướm lìa hoa… trăm thương ngàn nhớ/Bao giờ cho nguôi”…

Liền chị Nguyễn Thị Sứ bộc bạch: Mỗi lần được Quan họ bạn mời tham gia hát canh, trong lòng phấn chấn từ mấy hôm trước vì sắp được gặp bạn, được ca Quan họ “thâu đêm suốt sáng” để cảm nhận cái tình của người Quan họ trao cho nhau.

Với liền anh Nguyễn Tuấn Hưng, chủ nhà mời Quan họ bạn sang chơi đã có mấy chục năm gắn bó, tìm hiểu và chơi Quan họ chia sẻ: Khó có thể nói hết được cái tinh túy, đặc sắc của hát canh Quan họ. Không sinh ra ở làng Quan họ gốc nhưng bà ngoại tôi là người say mê Quan họ nên được truyền niềm đam mê ấy ngay từ ngày còn ấu thơ. Lớn lên đi công tác xa quê hương, cuối tuần tôi lại về quê tìm gặp những nghệ nhân ở các làng Quan họ gốc để sưu tầm các làn điệu cổ, làm vốn liếng cho bản thân đồng thời gìn giữ, bảo tồn di sản của quê hương.

Hát canh Quan họ xưa kia thường được tổ chức vào ban đêm và ngày hội vì thế gọi là hát canh. Hội diễn ra bao nhiêu ngày thì có bấy nhiêu đêm diễn ra hát canh Quan họ. Mỗi đêm có thể diễn ra nhiều canh hát. Mỗi canh hát có đủ ba chặng: Giọng lề lối, giọng vặt, giọng giã bạn. Để tham gia hát canh Quan họ, các liền anh, liền chị phải có vốn bài kha khá với quá trình rèn luyện công phu. Không chỉ rèn để lời ca, cách luyến láy, nảy giọng, buông câu nhả chữ cho mượt mà, quan trọng hơn là cách ứng xử tao nhã, sang trọng đúng chất người Quan họ. Khi cùng ngồi vào chiếu hát canh, các liền anh, liền chị đều tôn trọng gọi nhau bằng anh Hai, chị Hai và xưng là em, mỗi câu nói đều có thưa, gửi lịch sự, nhún nhường.

Hát canh Quan họ truyền thống thường diễn ra từ tối đến 2-3 giờ sáng. Mỗi canh hát diễn ra 7-8 tiếng, hát đủ các giọng lề lối: Hừ la, la rằng, kim lan, tình tang, cây gạo, gió mát giăng thanh, cái hời cái ả… Ở giọng này là những câu cổ khó hát, phải ca thật chậm, nhả cho hết âm mới ra đúng chất “vang, rền, nền, nảy” của Quan họ cổ. Chặng giữa là hát những bài giọng vặt, người ca không phải tuân theo trình tự bắt buộc như chặng đầu nên các cặp đôi liền anh, liền chị càng ca càng say, càng về khuya giọng càng da diết, kể về nỗi nhớ, niềm thương về tình bạn, tình người khiến canh hát đẩy tới cao trào của tình cảm giữa con người với con người trong cuộc sống. Chặng cuối, Quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, Quan họ chủ hát đối những lời ca giữ khách. Cả 2 bên cùng trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời nhau.

Hát canh Quan họ truyền thống là hát đối đáp giữa cặp nam và cặp nữ. Các cặp hát với nhau khi ngồi phải đối diện để ca có như vậy mới hát được cùng một hơi, cùng lên, cùng xuống, cùng ngân, nghỉ, ngắt, buông câu, nhả chữ khiến người nghe như thấy chỉ một giọng.

Ngày nay việc tổ chức hát canh Quan họ truyền thống dần được khôi phục, nhất là vào dịp lễ hội, đình đám ở các làng Quan họ gốc như Hoài Thị, Liên Bão; Lũng Giang, thị trấn Lim (Tiên Du); Viêm Xá, Hòa Long; Hòa Đình, Võ Cường (thành phố Bắc Ninh)... Tuy nhiên làm sao để canh hát Quan họ truyền thống được bài bản theo đúng lề lối xưa vẫn cần sự chuyên tâm tìm hiểu, rèn luyện của các anh Hai, chị Hai, nhất là thế hệ trẻ. Có như vậy, chất tinh túy, hồn cốt của di sản văn hóa Quan họ mới luôn được bảo tồn, gìn giữ, phát huy trong cuộc sống đương đại.

Minh Hường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hat-canh-quan-ho-79207