Hát bằng trái tim người lính

Bao nhiêu năm qua, trong lòng khán, thính giả cả nước nói chung và đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới nói riêng, có một giai điệu ngọt ngào đọng lại, thiết tha, không thể trộn lẫn - đó là tiếng hát, tiếng thơ của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hà Vy. Được biết đến như một trong những giọng hát khoác áo lính tiêu biểu nhất của Đoàn Văn công BĐBP, bằng lao động nghệ thuật miệt mài và cống hiến không mệt mỏi suốt gần nửa thế kỷ ca hát, chị không chỉ trở thành niềm tự hào khi nhắc đến những nghệ sĩ mang quân hàm xanh, mà còn là niềm tự hào của quê hương Thủy Nguyên, Hải Phòng - nơi chị sinh ra.

Chân dung NSƯT Hà Vy. Ảnh: Ngọc Bình

Chân dung NSƯT Hà Vy. Ảnh: Ngọc Bình

Gặp gỡ người con của miền đất nơi chân sóng Thủy Nguyên vào một ngày Hè, tôi bị chị cuốn hút bằng sự hồn hậu, nhiệt tình và tràn ngập tinh thần lạc quan, yêu đời của một nghệ sĩ - chiến sĩ, từng “lấy núi đồi làm sân khấu, lấy lửa nhiệt tình làm ánh sáng”. Gần 50 năm hoạt động nghệ thuật, người nghệ sĩ ấy luôn mang trong mình ngọn lửa nghề chưa bao giờ nguội lạnh.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tuổi thơ của cô bé Hà Vy gắn với miền quê Thiên Hương bên bờ Bắc sông Cấm, với bát ngát lúa vàng và cây trái bốn mùa xanh. Sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật khi hát véo von cả lúc trông em, hay khi dẻo tay cấy lúa, Hà Vy được cha mẹ ủng hộ, khích lệ tham gia các hoạt động văn nghệ địa phương và đạt được những thành tích nho nhỏ. 17 tuổi, cô gái Thủy Nguyên tạm biệt cha mẹ và các em, háo hức về gia nhập Đoàn Văn công Công an nhân dân vũ trang. Hà Vy đã chạm tay vào giấc mơ được hát, được nghe thấy giọng của mình trên Đài phát thanh hồn nhiên, giản dị như thế...

Mang trong mình niềm đam mê với các làn điệu truyền thống từ thuở ấu thơ, con đường nghệ thuật của Hà Vy, dẫu nhiều chông gai, nhưng lại đầy tự hào khi chị không ngừng làm giàu thêm “vốn liếng” và” màu sắc” cho giọng hát của mình bằng cách tự mày mò, rồi tìm đến những bậc thầy trong các loại hình nghệ thuật truyền thống để xin bái sư học hỏi. Hồi tưởng lại đầy xúc động, chị kể cho tôi nghe về hành trình học ca trù từ Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, Nghệ nhân Nguyễn Thị Mùi học hát xẩm theo NSƯT Nguyễn Thị Phúc. Những làn điệu khó nhất của loại hình di sản truyền miệng, người nghệ sĩ chỉ đam mê thôi không đủ, mà muốn học được phải có sự nhẫn nại, bền bỉ vô cùng. Hà Vy là học trò ngoài dòng họ đầu tiên mà Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ nhận dạy cho những làn điệu ca trù quý, coi như con cháu trong nhà. Dẫu sau này không trở thành một ca nương chuyên nghiệp, nhưng giọng ca trù của Hà Vy đã kịp lưu lại trong một ấn bản âm nhạc quý giá được thu âm tại Nhà hát thính phòng Paris, với tư cách là một thành viên của giáo phường ca trù Thái Hà.

Hà Vy bảo, chị thuộc lớp nghệ sĩ sinh ra trong thời kỳ gian khó, chứng kiến đất nước oằn mình trải qua chiến tranh đầy đau thương và gian nan nên hình như người làm nghệ thuật cũng được tôi rèn bản lĩnh vững vàng và phẩm chất lăn xả, không ngại khó, ngại khổ, thậm chí đổ mồ hôi, sôi nước mắt để đạt tới những giá trị nghệ thuật ở tầm cao. Đó là câu trả lời cho thành công của NSƯT Hà Vy ở mảng âm nhạc chất liệu dân gian.

Chị đặc biệt xuất thần khi trình diễn những ca khúc mang âm hưởng dân gian các dân tộc, với những nốt luyến láy, biểu cảm tinh tế, “ra chất” dân tộc ấy. Có thể kể đến “Người Nùng ơn Bác” (Dân ca Nùng Việt Bắc, năm 1987), “Tát nước đêm trăng” (dân ca Chăm Nam Bộ, năm 1990), “Liên khúc hát ru” (1995)... - những bài hát gắn liền với tên tuổi của chị. Góp nhặt những kỹ năng và sáng tạo trong thể hiện, những năm 1990, 2000, Hà Vy trở thành cái tên xuất hiện thường xuyên trên làn sóng Đài Truyền hình Việt Nam với những ca khúc dân gian.

Kể lại cho tôi nghe những tháng ngày vượt qua đèo cao, vực thẳm, mưa nguồn, suối lũ, ngày đêm xuyên rừng đến các bản làng, NSƯT Hà Vy rưng rưng sống lại một khoảng ký ức tươi xanh và đầy tự hào. Đời lính của chị, thứ “lãi” nhất, nhưng cũng vất vả nhất, chính là những chuyến đi dọc dài đất nước. Chương trình biểu diễn của đoàn cứ dài theo đường chiến trận, theo bước chân của các chiến sĩ Biên phòng đến những vùng biên cương xa xôi, hẻo lánh. Trong những đêm đuốc sáng bìa rừng, bà con các dân tộc vừa xem múa hát, vừa nhìn đôi phù hiệu màu xanh trên ve áo của diễn viên đã trìu mến gọi chị là “Văn công sao xanh”.

Trong ký ức của Hà Vy, những phút giây không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật là những buổi diễn cơ động ngay tại giao thông hào hay trong hang núi sâu, hát cho bộ đội nghe dẫu biết có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đến chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, nhiều chiến trường đã in dấu chân Hà Vy - Tuấn Bình, người đồng đội, cũng là bạn đời của chị. Hai vợ chồng nghệ sĩ - chiến sĩ cứ rong ruổi qua các chiến trường, tiếng hát cất lên ngay dưới tầm đạn pháo, vừa hát vừa nghe súng bắn tỉa của bọn FULRÔ... Có những chuyến đi để đời như hành trình ra Trường Sa năm 1989, khi trận hải chiến Trường Sa còn chưa nguôi ngoai. Chuyến đi ấy, đoàn gặp cơn bão lớn, những con sóng khổng lồ trùm kín thân tàu như muốn nuốt chửng, mất liên lạc với đất liền nhiều ngày, về tới nhà mới biết mình còn sống, còn được ôm các con vào lòng...

NSƯT Hà Vy cùng trẻ em ở Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Ngọc Bình

Tiếng hát Hà Vy gắn liền với những bài ca viết về biên giới: “Màu hoa đỏ”, “Lời ru đêm biên cương”, “Hoa sim biên giới”, “Chiều biên giới”, “Hát về anh người chiến sĩ biên cương”... Cũng chính vì suốt cuộc đời luôn nặng lòng với biên giới mà NSƯT Hà Vy đã thầm lặng hy sinh, gánh trên vai trọng trách người nghệ sĩ, ca sĩ, nhưng đồng thời cũng là người mẹ của hai cô con gái nhỏ. Hai vợ chồng đều là lính, cả gia đình 4 người từng cùng hành quân khi các con còn nhỏ, đi biểu diễn làm nhiệm vụ chính trị, phải mang con theo, ăn cơm lính, ngủ doanh trại. Có những chuyến công tác kéo dài 3-4 tháng trời, anh chị phải gửi con nhờ bạn nuôi hộ để hai vợ chồng lên đường phục vụ các chiến sĩ vùng biên cương xa xôi hẻo lánh... Những hy sinh như thế, sau này luôn hiện diện trong câu chuyện chị kể cho các con nghe, như những bài học về sự gian khổ, nhưng đáng tự hào của người nghệ sĩ khoác áo lính.

65 tuổi, vẫn trẻ trung, nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho lớp trẻ, người lính nghệ sĩ chân chính ấy đã sống và cống hiến - tri ân quê hương đúng như lời một bài hát chị từng biểu diễn rất thành công “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hat-bang-trai-tim-nguoi-linh-post434166.html