Harry Kane đừng nối gót Alan Shearer

Harry Kane muốn theo đuổi đẳng cấp của Ronaldo và Messi nhưng ở Tottenham, anh sẽ khó trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới.

Mùa hè năm 1996, khi Alan Shearer đặt chân tới St James' Park để ký vào bản hợp đồng kỷ lục thế giới trị giá 15 triệu bảng, vượt qua con số 13,2 triệu bảng mà Barcelona đem thiên tài trẻ tuổi có cái tên Ronaldo về Camp Nou cách đó vài tuần, báo giới Anh đã đặt tấm hình của anh cạnh bức ảnh một y tá, đi kèm với dòng chữ “Con người này gấp 1.000 lần người kia”.

Ý nghĩa của nó là Shearer đã tiêu tốn của Newcastle số tiền nhiều gấp 1.000 lần mức thu nhập bình quân trong 12 tháng của y tá. Tuy nhiên, Shearer đã chứng minh anh đến Newcastle không phải chỉ vì tiền. Thứ nhất, anh từ chối 2 đội bóng giàu có hơn Newcastle rất nhiều, đó là Real Madrid và Manchester United. Và thứ 2, trong 10 năm sau đó, Shearer vẫn thủy chung son sắt với “Chích chòe” dù CLB không có nổi một danh hiệu nào.

Đó có lẽ là điều nuối tiếc lớn nhất sự nghiệp lẫy lừng của một trong những tiền đạo hay nhất thế giới ở thời đại giao thoa giữa 2 thế kỷ. Shearer luôn nhận được sự tôn vinh từ nhiều giải thưởng cá nhân trong quãng thời gian khoác áo sọc đen-trắng, chỉ có những chiếc cúp là anh không bao giờ chạm tới.

 Kane không có quyền tự quyết trong việc rời Tottenham mùa hè này. Ảnh: Reuters.

Kane không có quyền tự quyết trong việc rời Tottenham mùa hè này. Ảnh: Reuters.

Bây giờ Kane cũng đang như thế

Ngày 17/5, Football Daily tiết lộ tiền đạo người Anh đã tới gặp ban giám đốc để đề nghị được ra đi. Trên thực tế, Kane luôn được quan tâm suốt những mùa hè vừa qua và việc giữ chân anh ở lại có phần không nhỏ từ những lời hứa của Chủ tịch Daniel Levy.

Levy hứa sẽ tăng cường sức mạnh cho Tottenham để có thể cạnh tranh danh hiệu. Kane đồng ý. Levy lại đem Jose Mourinho về như để khẳng định tham vọng của Spurs. Kane hài lòng. Mùa trước, Tottenham không thể vào top 4, qua đó thất bại trong việc kiếm một suất dự Champions League. Một lần nữa, Levy lại trổ tài hứa và một lần nữa, Kane lại tin ông. Song tất cả bây giờ không còn ý nghĩa.

Chúng ta có thể miêu tả mùa giải này của Tottenham bằng 2 từ “thảm họa”. Chiến thắng đầy dũng cảm trước Leicester City ở vòng đấu cuối chẳng thể che giấu nổi sự sa sút không phanh của Spurs. Lần đầu tiên kể từ ngày Kane bước ra ánh sáng, Spurs mất mặt ở top 6.

Vị trí thứ 7 của đội bóng chỉ mang lại một suất tham dự giải đấu hạng 3 mà UEFA mới thành lập, giải đấu có cái tên Europa Conference League. Nhưng nếu sự sa sút của Spurs song hành với phong độ của Kane, chẳng có gì phải bàn.

Điều đáng nói là Kane vẫn đá rất hay, thậm chí hay hơn cả những mùa trước. Anh không chỉ ghi bàn giỏi, lần thứ 3 đoạt danh hiệu Vua phá lưới của Premier League, mà còn là “Vua kiến tạo” với 14 đường chuyền thành bàn, đứng trên cả những ngôi sao như De Bruyne, Bruno hay Jack Grealish.

Chứng kiến Kane thi đấu, chúng ta mới hiểu anh đang tự hoàn thiện mình như thế nào. Lúc này, anh lao lên tìm kiếm bàn thắng và lúc khác, anh lùi xuống, hút hậu vệ đối phương, tạo điều kiện cho đồng đội lập công. Nói Kane thuộc về nhóm 10 hay thậm chí 5 tiền đạo hay nhất thế giới lúc này cũng chẳng có gì là quá đáng.

Vấn đề chính là ở chỗ đó. Tấm áo trắng của Spurs trở nên quá chật chội với Kane. Mùa hè này, anh sẽ tròn 28 tuổi. Ở tuổi ấy, nhiều tiền đạo tầm cỡ Kane đã tích cho mình vài danh hiệu lớn hay đứng ở vị trí cao trong cuộc đua Quả bóng Vàng, nhưng Kane vẫn trắng tay. Hệt như cái ngày anh bước lên từ đội một.

Kane không giành được cúp châu Âu hay Premier League, mà đến cả Cup FA hay League Cup cũng không có. Đó là lý do khiến Kane một lần nữa đề đạt chuyện anh muốn ra đi. Anh không muốn giống Alan Shearer, đá hay, trở thành một tiền đạo tầm cỡ, nhưng chẳng có danh hiệu gì với Newcastle.

Kane gồng gánh Tottenham. Ảnh: Reuters.

Cuộc đời cầu thủ có 2 thứ để theo đuổi: Thứ nhất là tiền và thứ 2 là danh hiệu. Tiền đối với Kane chưa phải là vấn đề quá lớn. Tài khoản của anh vẫn nhận đều đều 200.000 bảng mỗi cuối tuần. Số tiền này so với nhiều siêu sao khác chưa thấm vào đâu, nhưng vẫn thuộc dạng cao ở trên bình diện thế giới cầu thủ.

Kane muốn ra đi chỉ vì anh khao khát có danh hiệu. Anh không thể cứ đá từ ngày này qua tháng khác, ghi bàn liên tục, kiến tạo liên tục và rồi nhìn những kẻ mà anh cho rằng không bằng mình nâng cao cúp vô địch. Nếu anh ở lại, đó sẽ là sự bất công với chính bản thân.

Hai ngày sau khi Football Daily tiết lộ về việc Kane lên gặp Levy để xin ra đi, anh đăng đàn tâm sự với các fan của mình trên mạng xã hội qua kênh của Gary Neville. Kane có lý do để làm như thế dù người ta thấy cách làm này hơi trẻ con.

“Tôi không muốn đi đến cuối sự nghiệp và có bất cứ sự hối tiếc nào. Tôi muốn trở thành người giỏi nhất có thể. Tôi chưa từng nói tôi sẽ ở lại Spurs trong phần còn lại của sự nghiệp và cũng chưa từng nói sẽ rời Spurs. Tôi không ngần ngại khi nói tôi đạt tới đẳng cấp của Ronaldo hay Messi. Đó là mục tiêu cuối cùng, giành được những danh hiệu và ghi 50, 60 hay 70 bàn từ mùa này sang mùa khác”.

Kane không nói thẳng ra “tôi muốn ra đi”, nhưng những lời lẽ mà anh đã cân nhắc trước khi livestream cho thấy ý định rõ ràng. Kane muốn theo đuổi đẳng cấp của Ronaldo và Messi nhưng ở Tottenham, anh sẽ vĩnh viễn không thể vươn tới đẳng cấp đó. Vậy câu trả lời cuối cùng cho tham vọng của Kane chính là được khoác lên một chiếc áo rộng và phù hợp với anh hơn.

Lời tâm sự của Kane chia rẽ nội bộ cổ động viên của Spurs. Nhiều người nói anh phản bội lại đội bóng đã nuôi dưỡng anh trưởng thành với tư cách cầu thủ. Một vài trong số đó cho rằng Kane không thể che giấu được vai trò và quyền lực của anh trong việc sa thải Mauricio Pochettino và thuê Jose Mourinho. Cũng chính anh vẫn tiếp tục trung thành với huấn luyện viên người Bồ Đào Nha bất chấp ông đã tỏ ra không thể dẫn dắt được Tottenham vượt qua sóng gió.

Việc anh đòi đi chẳng khác gì sự trốn tránh trách nhiệm của siêu sao số một tại Spurs trước thực trạng bi đát của CLB. Song những người thông cảm với anh còn nhiều hơn. Họ hiểu anh đã hy sinh thế nào trong những mùa qua. Tuy nhiên, khi Kane đã nhìn thấy sườn dốc bên kia của sự nghiệp, sẽ là công bằng nếu Spurs để anh tìm kiếm những vinh quang ở chân trời mới.

Liệu Kane có dễ dàng ra đi được không?

Trong một cuộc bình chọn trên mạng của ESPN, gần 63.000 người bỏ phiếu xem đâu sẽ là điểm đến tương lai của Kane. 51% số phiếu thuộc về 2 đội bóng thành Manchester (Man City với 29% và Man Utd là 22% số phiếu). 20% tin anh tới Chelsea. Chỉ có 13% số người tham gia lựa chọn nghĩ Kane sẽ ở lại Tottenham và 13% khác tin anh sẽ ra nước ngoài thi đấu.

Kết quả cuộc bình chọn cho thấy đa phần mọi người đều cảm nhận Kane vẫn sẽ gắn bó với Premier League sau mùa hè này. Niềm tin này dựa vào 2 lý do.

Thứ nhất, môi trường Ngoại hạng Anh là quá quen thuộc với Kane. Anh biết rõ từng đội bóng và có thể giao tiếp dễ dàng với đồng đội. Nếu ra nước ngoài, Kane sẽ buộc phải học ngoại ngữ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, không có nhiều CLB sẵn sàng chi núi tiền cho một cầu thủ đã 28 tuổi, dù đó là siêu sao hàng đầu thế giới như Kane. Barcelona đang nợ đầm đìa và chỉ chăm chăm nhắm đến các cầu thủ hết hạn hợp đồng. Real muốn hướng tới thế hệ trẻ trong khi PSG đang phải đau đầu giải quyết bài toán Mbappe. Lúc này, ngoại trừ các đội bóng Anh, rất khó có CLB nào đủ tiềm lực tài chính để thuyết phục ngài Levy. Và đứng ở phương diện một cổ động viên trung lập, việc Kane đến Man City, MU hay Chelsea cũng đều tốt cả. Ít nhất là tốt hơn ở lại Spurs.

Kane trung thành với Mourinho đến phút cuối cùng. Ảnh: Getty.

“Tôi không biết Chủ tịch đang nghĩ gì. Có thể ông ấy sẽ bán tôi nếu kiếm được 100 triệu bảng. Nhưng 2-3 năm tới, tôi chắc chắn sẽ không còn đáng giá như vậy nữa”. Kane nói thành thật. Levy là nhân vật thế nào, mọi người đều đã hiểu. Song nếu nói Man City, MU hay Chelsea sẵn lòng bỏ 100 triệu bảng vì Kane, quả là điều không tưởng lúc này. Số tiền ấy đủ để khiến một đội bóng giàu có phải suy nghĩ bởi đi kèm với khoản chi chuyển nhượng còn phải là mức lương đáp ứng được yêu cầu của Kane. Sẽ lại là 100 triệu bảng khác trong vòng 5 hay thậm chí chỉ 4 năm tới.

Kane biết rõ mình khó ra đi. Nên anh vẫn chưa nói thẳng điều muốn với công chúng như để chừa một đường lui. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào những cuộc nói chuyện sắp tới giữa anh và ông Levy. Nhưng chắc chắn, vị chủ tịch Tottenham sẽ khó lòng nhượng bộ.

Hợp đồng của Kane với Spurs vẫn còn thời hạn 3 năm nữa, và ông chẳng phải vội vàng gì. Mà 3 năm nữa thì anh cũng 31 tuổi rồi. Kane không muốn anh sẽ kết thúc sự nghiệp như Alan Shearer, thậm chí tệ hơn vì ít ra, Shearer cũng từng 1 lần vô địch Premier League trước khi đến Newcastle. Song mọi thứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của riêng anh.

“Cầu thủ mà tôi muốn chơi cùng nhất là Kevin De Bruyne. Khi tôi chứng kiến anh ấy thi đấu, anh ấy thật đặc biệt, một cầu thủ với số lượng đường chuyền mà tôi nói thật, đó là giấc mơ với các tiền đạo”. Phải chăng, với những lời nói đó, Kane đang chủ động đánh tiếng với Manchester City, nhất là khi họ vừa chia tay tiền đạo vĩ đại như Kun Aguero? Nhưng liệu một đội bóng chưa từng mua cầu thủ nào có giá vượt quá 75 triệu euro có dám phá két vì Kane?

Tuy nhiên, dù có là Man City, MU hay Chelsea, Kane cũng cần phải sớm khởi động chương mới trong sự nghiệp của mình.

HLV Tottenham lên tiếng về Kane Trước trận gặp Aston Villa ở vòng 37 Ngoại hạng Anh, Ryan Mason từ chối xác nhận thông tin Harry Kane đòi rời Tottenham và tin tưởng tiền đạo người Anh vẫn cống hiến hết khả năng.

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/harry-kane-dung-noi-got-alan-shearer-post1223511.html