Hapro thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh, bền vững

Sáu tháng sau khi tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và Đại hội cổ đông, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có chuyển biến rõ nét, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu và doanh thu của đơn vị tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Đời sống - kinh tế

Lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội trao đổi với khách hàng tại Hội nghị gạo thế giới tổ chức ở Hà Nội tháng 10-2018. Ảnh: ĐĂNG ANH

Lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội trao đổi với khách hàng tại Hội nghị gạo thế giới tổ chức ở Hà Nội tháng 10-2018. Ảnh: ĐĂNG ANH

Chủ động tạo nguồn hàng xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại

Sau khi cổ phần hóa thành công, với mục tiêu phát triển đơn vị thành một tổng công ty xuất, nhập khẩu và thương mại lớn của Thủ đô và đất nước, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu; đưa thương hiệu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, kim ngạch xuất khẩu năm mặt hàng gồm: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà-phê và thủ công mỹ nghệ nằm trong số năm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro) triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bài bản, nhằm biến mục tiêu nêu trên thành hiện thực.

Chủ tịch HĐQT Hapro Nguyễn Thị Nga cho biết, trong số các giải pháp mà Tổng công ty đã thực hiện để triển khai những định hướng nêu trên, việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản và đẩy mạnh xúc tiến thương mại được coi là những giải pháp đột phá trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp trong những tháng gần đây.

Đoàn Xúc tiến thương mại của Hapro tại Hội nghị Gạo.

Để chuẩn bị nguồn hàng hóa đáp ứng đơn hàng xuất khẩu lớn, đơn vị tập trung vốn đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy xay xát gạo tại tỉnh Đồng Tháp đạt 50 nghìn tấn/năm, xây dựng thêm nhà máy chế biến hạt điều tại tỉnh Bình Dương công suất chế biến 7.500 tấn/năm, giúp doanh nghiệp chủ động về nguồn hàng, đáp ứng được các đơn hàng lớn. Cùng với đó, đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu gắn với hoạt động sản xuất của các nhà máy, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu bền vững. Không chỉ xuất khẩu các sản phẩm dạng thô, để nâng giá trị gia tăng cho các mặt hàng, đơn vị tập trung phát triển các mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro đưa trực tiếp vào một số chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị tại nước ngoài. Đơn cử như mặt hàng gạo, hạt điều, bên cạnh việc tiếp tục xuất khẩu các lô gạo đóng bao 50 kg, bao hạt điều 30 kg như trước đây, hiện nay gạo được đóng bao thành các túi có trọng lượng 5 kg và 10 kg, hạt điều được rang muối, chiên bơ... theo khẩu vị của khách hàng, đóng gói thành phẩm đưa vào bán trực tiếp tại các hệ thống bán lẻ ở nước ngoài.

Công tác xúc tiến thương mại của doanh nghiệp thời gian qua có nhiều khởi sắc. Hapro tích cực tham gia các hội chợ thực phẩm lớn, các chương trình kết nối thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài, củng cố các mối liên hệ với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước, từ đó thúc đẩy đưa hàng hóa vào thị trường quốc tế. Tháng 5-2018, đơn vị đã xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên vào thị trường Ma-lai-xi-a; xuất khẩu lô hàng gạo đầu tiên đóng bao 5 kg, 10 kg vào chuỗi siêu thị tại Đu-bai thuộc Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Cuối tháng 6 đầu tháng 7-2018, Tổng công ty được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp mã xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ và đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo đầu tiên với 750 tấn vào thị trường này. Tham dự Hội chợ World Food I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ) cuối tháng 8-2018, doanh nghiệp đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu nông sản với trị giá khoảng một triệu USD. Và mới đây, trong hai tuần đầu tháng 10-2018, tham gia Hội nghị điều quốc tế tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh và Hội nghị gạo thế giới tổ chức tại Hà Nội, Hapro đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu hạt điều cho khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu trị giá khoảng một triệu USD, ba hợp đồng xuất khẩu gạo cho các khách hàng đến từ Mỹ và Ma-lai-xi-a trị giá gần 2,5 triệu USD.

Cùng với những giải pháp mang tính đột phá nêu trên, Hapro tập trung xây dựng văn hóa Tổng công ty có bản sắc riêng biệt, tạo được sức hút đối với khách hàng và đối tác. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ giao dịch thị trường nước ngoài có chuyên môn, am hiểu tình hình thị trường và biến động thị trường.

Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết, nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, căn cơ nêu trên, sau sáu tháng chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, Hapro tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu chín tháng qua đạt 89 triệu USD, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 3.905 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như: hạt điều đạt 62 triệu USD, tăng 15%; gạo đạt gần 12 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Hapro tại Hội nghị điều.

Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản

Trên thực tế hầu hết các sản phẩm nông sản của nước ta hiện nay là các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, giá trị chưa cao. Do vậy, nhằm gia tăng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và tăng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Hapro nói riêng, Hapro đã tích cực đẩy mạnh đầu tư một số nhà máy chế biến để chuẩn bị các sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, được đóng bao gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống các siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại lớn của nước ngoài. Cụ thể như sản phẩm gạo đóng bao 5 kg, 10 kg của Hapro đã xuất vào hệ thống siêu thị tại Đu-bai (UAE), sản phẩm hạt điều rang muối, chiên bơ đưa sang Ma-lai-xi-a,...

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, sau cổ phần hóa với mô hình hoạt động là một thành viên của Tập đoàn BRG, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các hội chợ nước ngoài, các hội nghị xúc tiến lớn trên thế giới. Đồng thời quan tâm thiết kế mẫu mã và bao bì sản phẩm có chất lượng để tập trung chào bán và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến và hàng thủ công mỹ nghệ, gắn thương hiệu Hapro với một số sản phẩm cụ thể giúp nâng cao giá trị hàng hóa. Hapro sẽ tiếp tục quan tâm phát triển các mặt hàng nông sản thực phẩm có thế mạnh của Việt Nam và chú trọng phát triển sản phẩm hữu cơ (organic) như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà-phê, các sản phẩm thực phẩm chế biến, một số loại hoa quả, rau như: thanh long, chanh không hạt, vải, nhãn, bắp cải, ớt,… vào các thị trường truyền thống và thị trường mới như Mỹ, Ma-lai-xi-a, châu Âu, Tây Á, một số nước châu Phi… Qua đó, xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu BRG gắn liền với xuất khẩu (BRG Export), thông qua quảng bá thương hiệu công ty thành viên chuyên doanh mảng xuất khẩu (Hapro Export).

Tổng Giám đốc Hapro chụp ảnh cùng lãnh đạo Tập đoàn Bernas tại Hội nghị Gạo.

Để chủ động về nguồn hàng xuất khẩu, trong năm 2019, Hapro sẽ đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến hàng nông sản như: nhà máy chế biến cà-phê tại khu vực Tây Nguyên, nhà máy chế biến hạt tiêu công suất chế biến 750 nghìn tấn/năm tại Bình Dương, xây dựng thêm một nhà máy chế biến gạo công suất 100 nghìn tấn/năm tại đồng bằng sông Cửu Long... Đầu tư xây dựng các vùng trồng vải, trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La... tạo nguồn hàng xuất khẩu vững chắc. Tăng cường xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu lớn, có tiềm năng như Mỹ, Ma-lai-xi-a, châu Âu, Tây Á, một số nước châu Phi…, phấn đấu đến năm 2020, Tổng công ty có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

MAI HOA - Ảnh: ĐĂNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37934802-hapro-thuc-day-kim-ngach-xuat-khau-tang-truong-nhanh-ben-vung.html