Hấp lực 'lục địa đen'

QUỐC KHÁNH

Nhiều sự kiện liên quan tới châu Phi đã diễn ra trong tuần rồi, qua đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc đối với châu lục lớn thứ hai thế giới về dân số lẫn diện tích và rất giàu tài nguyên này.

Hôm 3-10, giữa lúc Đệ nhất phu nhân Melania Trump đang có chuyến công du một mình tới châu Phi thì Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD). Đây được xem là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời Tổng thống Donald Trump. BUILD không chỉ khuyến khích tăng cường đầu tư của Mỹ ở châu Phi với vai trò là nhân tố kích thích phát triển kinh tế, mà còn hỗ trợ tăng cường tính cạnh tranh và giảm rủi ro đối với các công ty Mỹ tại thị trường đang phát triển và đầy tiềm năng này.

Theo đó, Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỉ USD, gấp đôi hiện tại. Đặc biệt, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư - thẩm quyền chưa từng được giao cho OPIC. Được biết, các quỹ tài chính phát triển của Trung Quốc và châu Âu từ lâu đã làm như vậy.

60 tỉ USD cũng là số tiền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cam kết cung cấp cho châu Phi trong 3 năm tới mà “không kèm theo bất kỳ ràng buộc chính trị nào”. Theo thống kê của trang web tin tức Quartz, chỉ có 27 nhà lãnh đạo châu Phi tới New York dự Phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 (kết thúc đầu tuần rồi), nhưng có đến 51 vị tới Bắc Kinh tham gia Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc- châu Phi hồi tháng 9. Ở chiều ngược lại, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã thăm châu Phi tổng cộng 79 lần trong giai đoạn 2007-2017. Năm 2008, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và liên tục giữ vị trí đó cho đến nay.

Một cường quốc khác là Nga cũng đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi. Trong hội nghị “Cam kết tại châu Phi: Hướng đến sự phát triển hài hòa của châu lục” tổ chức ở Hy Lạp cuối tuần rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước châu Phi một cách thân thiện, không có ý định áp đặt bất cứ mô hình phát triển hoặc chính sách đối ngoại nào. Trong khi đó, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga Mikhail Bogdanov cho biết nước này vừa đóng góp hơn 60 triệu USD cho cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola tại châu Phi.

Những năm gần đây, Nga đã sử dụng mọi công cụ ngoại giao, kinh tế, quân sự để khôi phục ảnh hưởng tại “lục địa đen”, thể hiện qua các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỉ USD, những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực viễn thông, dầu khí và các chiến dịch quân sự công khai lẫn bí mật.

Trung Quốc hồi năm ngoái đã mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại Djibouti, không xa căn cứ Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho biết nước này có kế hoạch xây dựng một “trung tâm hậu cần” tại Eritrea, quốc gia láng giềng của Djibouti và cũng có vị trí chiến lược ở khu vực Sừng châu Phi.

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/hap-luc-luc-dia-den--a102554.html