Hấp dẫn bộ tiểu thuyết lịch sử cổ đại và trung đại 'Việt Nam diễn nghĩa'

Nhà xuất bản Hồng Đức đã ấn hành bộ tiểu thuyết lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam 'Việt Nam diễn nghĩa' gồm 3 tập của PGS TS Cao Văn Liên, gồm:

Tập 1. Nghìn Năm bất khuấtTập 2. Ba Triều dựng nước (Ngô-Đinh-Tiền Lê)Tập 3. Những khúc ca khải hoàn.

Bộ tiểu thuyết lịch sử "Việt Nam diễn nghĩa" gồm 3 tập của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành cuối năm 2019.

Nhân dân lao động rất yêu thích lịch sử của dân tộc mình nhưng không thể đọc được những công trình nghiên cứu khoa học của giới trí thức và của các nhà sử học khi họ trình bày lịch sử dưới dạng hàn lâm đầy lý thuyết. Thứ nhất là những công trình đó xa lạ đối với họ, thứ hai có đọc họ cũng không thể hiểu được nhiều , không thể nhớ và do đó không còn hứng thú. Cho nên nhân dân lao động đi nắm bắt lịch sử bằng những truyền thuyết cổ tích, những giai thoại, qua nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương,qua ca dao. Nhưng những hình thức này không giúp họ tiếp thu một cách hệ thống liên tục một nhân vật lịch sử, một thời kỳ lịch sử hoặc toàn bộ lịch sử dân tộc. Cho nên các nhà sử học kiêm nhà văn hay là các nhà văn muốn nhờ hình thức nghệ thuật văn học để chuyển tải lịch sử đến cho người đọc. Do đó thể loại tiểu thuyết lịch sử đã ra đời. Cũng lý do đó mà tác giả Cao Văn Liên đã viết “Việt Nam diễn nghĩa”, hiểu nôm na tiêu đề sách này là Lịch sử Việt Nam được diễn giải bằng văn học dưới góc độ phổ thông đại chúng để mọi người dù là trí thức cao cấp đến người bình dân đọc đều hiểu, đều đủ trình độ thưởng thức. Qua đó nắm bắt lịch sử cha ông mình một các có hệ thống, từ đó đi dần đến cái mà tác giả mong muốn sâu xa là nâng cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và từ đó biến thành sức mạnh vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bước đầu thể nghiệm có vẻ như tác giả đã đạt được mục tiêu. Tôi có nhiều người bạn, mỗi người một nghề nghiệp khác nhau nhưng khi được tặng “Việt Nam diễn nghĩa” họ say sưa đọc và đến cùng tôi đàm đạo, họ đã nói lịch sử Việt Nam vanh vách quên cả thời gian. Hết tập 1 thì mong ngóng tập 2, hết tập 2 thì mong ngóng nhanh chóng có tập 3. Như vậy văn học chuyển tải lịch sử, lịch sử thể hiện qua văn học dễ đi vào với người đọc, dễ nhớ, dễ hiểu và giúp người đọc nhận thức lịch sử có hệ thống và lôgic.

“Việt Nam diễn nghĩa” được tác giả cho ra đời năm 2019 gồm 3 tập do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành. Tập 1 có tiêu đề “Nghìn năm bất khuất” dầy 523 trang. Tập 2 có tiêu đề “Ba triều dựng nước” (Ngô- Đinh -Tiền Lê) dày 256 trang. Tập 3 có tiêu đề “Những khúc ca khải hoàn” dầy 427 trang. Tổng ba tập “Việt Nam diễn nghĩa dầy 1206 trang. Tập 1 “ Nghìn năm bất khuất” gồm 4 chương. Chương I. Cổ Loa thành thất thủ. Chương II Mê Linh bất khuất. Chương III Nhụy Kiều tướng quân. Chương IV Nước Vạn Xuân. Chương V Mai Hắc Đế. Chương VI Bố Cái Đại Vương. Chương VII Ba họ anh hùng (Khúc-Dương -Ngô). Tập II “Ba Triều dựng nước” gồm 3 chương. Chương I Nhà Ngô. Chương II nhà Đinh. Chương III Nhà Tiền Lê. Tập III “Những khúc ca khải hoàn gồm 4 chương. Chương I Nhà Lý đánh giặc Tống. Chương II Nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông. Chương III Lê Lợi đánh giặc Minh. Chương IV Tây Sơn đánh giặc Xiêm, Thanh.

Nước Văn Lang của các triều đại Hùng Vương sau một nghìn năm tồn tại và phát triển, vào thế kỷ III và thế kỷ II TCN có nhiều thay đổi và bị xâm lăng từ phương Bắc. Năm 208 TCN, Thục Phán An Dương Vương được vua Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho. Vua Thục thề sẽ giữ vững non sông Lạc Hồng. Nhưng sau khi đánh bại cuộc xâm lược của Triệu Đà Nam Việt, Thục phán đã say sưa tự mãn và chủ quan, đặt quyền lợi gia đình lên trên quyền lợi quốc gia, trúng vào mưu kế của giặc do đó nước Âu Lạc dù lực lượng quân sự rất mạnh vẫn mất vào tay Nam Việt năm 179 TCN. Từ đó, các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau thống trị Âu Lạc. Sau khi nhà Triệu Nam Việt bị tiêu diệt thì Âu Lạc bị nhà Hán thống trị. Hết nhà Hán, thời Tam quốc Âu Lạc bị Đông Ngô thống trị. Hết Đông Ngô tiếp theo là nhà Tấn, nhà Lương, nhà Tùy, nhà Đường và nhà Nam Hán cai trị. Triều đại nào cũng ra sức đàn áp, áp bức bóc lột và tiêu diệt nền văn hóa Việt rất dã man để mong đồng hóa. Nguy cơ diệt vong dân tộc là quá rõ ràng. Trước tình hình đó, các anh hùng hào kiệt trong giai cấp phong kiến Việt Nam đã đứng lên lãnh đạo nhân dân kháng chiến giải phóng dân tộc. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40-43 ở Mê Linh Giao Chỉ chống nhà Đông Hán, giành độc lập được 3 năm, Khởi nghĩa bà Triệu Thị Trinh năm 248 ở quận Cửu Chân làm chấn động Châu Giao, Khởi nghĩa của Lý Bí và sau này là Triệu Quang Phục chống giặc Lương đã thành lập nước Vạn Xuân, giành độc lập được 60 năm, Khởi nghĩa của Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) ở Diễn Châu, của Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) ở Đường Lâm, Phong Châu chống giặc Đường và mỗi triều đại của họ Mai, họ Phùng đã giành độc lập được 10 năm. Thế kỷ thứ X nhà Đường suy vong và sụp đổ, Trung Quốc bị phân liệt thành cục diện ngũ Đại thập Quốc. Chớp thời cơ đó, Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu (Hải Dương) đã nổi dậy xưng là Tiết Độ Sứ giành lấy quyền tự chủ cho đất nước. Chức Tiết Độ Sứ được truyền cho Khúc Hạo và sau là Khúc Thừa Mỹ. Năm 923 giặc Nam Hán sang đánh bại Khúc Thừa Mỹ, thiết lập lại nền đô hộ. Năm 931 một tướng của họ Khúc Là Dương Đình Nghệ đã đánh bại quân Nam Hán giành lại quyền tự chủ. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị một gia tướng là Kiều Công Tiễn sát hại để giành chức Tiết Độ Sứ. Năm 938 Ngô Quyền là gia tướng, thứ sử Ái Châu, con rể của Dương Đình Nghệ đánh Đại La giết chết Kiều Công Tiễn. Cũng năm 938 Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán sang xâm lược trên sông Bạch Đằng. Trận Bạch Đằng đã kết thúc 1000 năm đô hộ của phong kiến Trung Quốc đối với Nước Việt, đưa nền tự chủ phát triển một bước là giành được nền độc lập.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền bước vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng một triều đại mới. Ngô Quyền bỏ chức Tiết Độ Sứ, xưng là Ngô Vương, dứt khỏi hoàn toàn bóng ma phương Bắc, lấy quốc hiệu là Nước Việt, định đô ở Cổ Loa, tổ chức một triều đình hai ban văn võ, phong vương cho các con, các thế lực hào trưởng phong kiến đều khuất phục. Đáng tiếc, Ngô Vương chỉ ở ngôi được 5 năm và mất năm 944, thọ 47 tuổi. Cái chết của Ngô Vương mở đầu sự suy yếu của triều Ngô. Con Trưởng là Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập lên nối ngôi nhưng bất tài, không làm được gì cho đất nước khiến cho nhiếp chính là Dương Tam Kha phế bỏ Nam Sách Vương , lên ngôi và xưng là Dương Bình Vương. Dương Bình Vương ở ngôi 5 năm, tiến hành một sự nghiệp khai hoang rạng rỡ. Năm 950, Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn lật đổ Dương Bình Vương và hai anh em Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập nắm lại quyền gọi là thời kỳ Hậu Ngô Vương. Năm 960 Ngô Xương Ngập chết. Năm 965 Ngô Xương Văn tử trận trong cuộc dẹp Loạn Nguyễn Khoan ở Tam Đái, Ngô Xương Xí, con của Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập lên ngôi nhưng sau bị Lã Tử Bình, đại công thần nhà Ngô tiếm ngôi, Ngô Xương Vương phải chạy vào Bình Kiều Thanh Hóa, tự hạ mình thành một sứ quân để tránh bị Lã Tử Bình giết hại. Việc Lã Tử Bình tiếm ngôi và Ngô Xương Xí rút về Bình Kiều chấm dứt triều đại nhà Ngô. Đất nước bước vào cuộc loạn 12 sứ quân.

Trong các sứ quân đó, Đinh Bộ Lĩnh là người có nhãn quan chính trị và quân sự thiên tài, với một lòng quyết tâm thống nhất đất nước để chấm dứt nỗi khổ can qua binh lửa cho lê dân, Đinh Bộ Lĩnh đã liên kết với những sứ quân có thế lực lớn có thể liên kết được như Trần Lãm, thu nạp những sứ quân ít mộng bá vương cùng một chí hướng thống nhất non sông như Phạm Bạch Hổ, tạo nên một thế lực không sứ quân nào có thể có được để tiêu diệt những sứ quân không chịu quy hàng. Do đó bằng tài quân sự của mình, chỉ hai năm Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục hay tiêu diệt được 11 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra một triều đại mới:Nhà Đinh. Nhà Đinh là sự phát triển hơn một bước trong việc xây dựng chế độ phong kiến và xã hội phong kiến Việt Nam, tiến xa một bước cao hơn trong sự nghiệp khẳng định nền độc lập. Biểu hiện như Đinh Bộ Lĩnh xưng Đế: Đinh Tiên Hoàng Đế, kinh đô Hoa Lư, quốc hiệu Đại Cồ Việt. Triều Đinh dựa trên ba trụ cột lớn là quân đội, quan lại các cấp và các dòng tộc phong kiến lớn như họ Phạm ở Đằng Châu, họ Dương ở Ái Châu và họ Ngô ở Đường Lâm, Phong Châu. Sự nghiệp đang trên con đường dang dở thì cuối năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại. Cái chết cùng một lúc cả Hoàng Đế và Thái tử là một đau thương tột độ cho đến ngày nay vẫn còn là một nghi án. Nhân cơ hội vua Đinh Toàn còn nhỏ, nhà Tống lại cất binh xâm lược để thực hiện giấc mộng bắt Đại Cồ Việt trở thành thuộc địa của Trung Quốc như xưa. Quân đội nhà Đinh, quan lại, Thái hậu Dương Vân Nga trước tình hình nguy nan của đất nước đã đặt sự tồn vong của dân tộc lên trên lợi ích của một dòng họ, nhất trí đưa Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn, người có khả năng lãnh đạo quân đội đánh bại quân xâm lược Tống, cứu nguy đất nước lên ngôi lập ra nhà Tiền Lê. Đế hiệu của Lê Hoàn là Lê Đại Hành, kinh đô Hoa Lư, Quốc hiệu Đại Cồ Việt. Bằng Thiên tài quân sự của mình, Lê Hoàn đã lãnh đạo quân đội đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống, bảo vệ độc lập dân tộc. Lê Hoàn còn đánh bại triều đình Chăm Bê Mỹ Thuế đã liên minh với nhà Tống, nhiều lần xâm phạm Đại Cồ Việt, bảo vệ danh dự đất nước và biên cương phía Nam. Lê Hoàn còn đánh bại nhiều cuộc phản loạn của các hào trưởng, tù trưởng, xây dựng một chính quyền Trung ương thống nhất, đào nhiều sông ngòi để mở mang giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm tưới tiêu phát triển cho nông nghiệp, phát triển thủ công nghiệp. Hoàng đế Lê Đại Hành là người đặt ra lệ cày “Tịch điền” ngày 1 Tết Nguyên Đán để khuyến khích phát triển nông Nghiệp. Các đời sau, các hoàng đế cứ theo lệ đó mà làm. Năm 1005 Lê Đại Hành mất, Lê Long Việt nối ngôi không được bao nhiêu ngày bị em là Lê Long Đĩnh giết chết cướp ngôi. Lê Long Đĩnh tàn bạo, coi dân như cỏ rác làm lòng người chán ghét nhà Tiền Lê. Năm 1009 Lê Long Đĩnh chết. Các đại thần như Đào Cam Mộc đã tôn Điện tiền chỉ huy sử, con rể của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga là Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý. Lý Công Uẩn xưng đế hiệu là Lý Thái Tổ, năm 1010 dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. 50 năm vẫn giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt. Năm 1054 mới đặt Quốc hiệu là Đại Việt. Ba triều Ngô-Đinh-Tiền Lê đã đóng vai trò đặt nền móng cho xã hội, chế độ phong kiến để đến nhà Lý, nhà Trần là giai đoạn phát triển toàn diện xã hội phong kiến và chế độ phong kiến Việt Nam. Trên cơ sở sức mạnh toàn diện phát triển của nhà nước, của xã hội, của dân tộc mà nhà Lý đã đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai của nhà Tống (1076-1077), nhà Trần đã ba lần đánh bại ba cuộc xâm lược quy mô to lớn của đế quốc Nguyên Mông vào Đại Việt (1258, 1285, 1287-1288). Cũng nhờ sức mạnh này mà Đại Việt sau 10 năm mất nước bị quân Minh thống trị (1407-1427), Lê Lợi và các anh hùng Đại Việt đã đánh đuổi được quân Minh sau 10 năm kháng chiến anh dũng, giải phóng dân tộc, thiết lập triều Hậu Lê, đưa nhà nước phong kiến, xã hội phong kiến đến phát triển hoàn thiện cực thịnh thế kỷ XV thời kỳ Lê Sơ (1428-1527).

Lịch sử Việt Nam cũng đi những bước theo quy luật thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh. Vào thế kỷ 16 trở đi, giai cấp phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ tha hóa, hủ bại suy tàn, kéo theo xã hội phong kiến vào thời kỳ chia cắt đất nước, chiến tranh , nội chiến đấu tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn. Chiến tranh Nam Bắc Triều (tập đoàn phong kiến Mạc ở miền Bắc với tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh ở miền Nam) kéo dài 60 năm, tiếp đó là cục diện Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm. Các cuộc nội chiến tương tàn đó khiến cho giai cấp nông dân chịu nhiều hậu quả bi thương, chết chóc đói khổ, tha phương cầu thực. Giai cấp nông dân bị đẩy vào bước đường cùng đã vùng dậy chống các tập đoàn phong kiến. Lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo đã lật đổ các tập đoàn phong kiến Lê- Trịnh- Nguyễn. Tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, giai cấp nông dân từ làm nhiệm vụ giai cấp đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc, đánh bại giặc ngoại xâm Xiêm-Thanh, mang lại khúc ca khải hoàn oanh liệt cuối cùng trong lịch sử chống ngoại xâm phong kiến phương Bắc.

Tất cả những diễn trình cơ bản đó của Lịch sử Việt Nam được phản ánh trong ba tập “Việt Nam Diễn nghĩa”. Tuy nhiên, trong 1206 trang “Diễn Nghĩa” đó lịch sử Việt Nam một thời kỳ dài từ Âu Lạc đến Tây Sơn, thời gian gần 1000 năm được mô tả diễn đạt trình bày, giải mã cặn kẽ, chi tiết sâu sắc mà chưa một tác phẩm nghiên cứu và văn học nào có thể có được, trong đó các nhân vật dù là vĩ nhân hay tướng lĩnh đến người lính bình thường, từ nam đến nữ, từ già đến trẻ, từ dân tộc thiểu số hay đa số, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa đều được mô tả sống động trong từng trang sách đầy thi vị.

Việt Nam cũng đã ra đời nhiều tiểu thuyết lịch sử. Nhưng các tác giả trước tác giả Cao Văn Liên thường đi sâu vào mô tả sự nghiệp cuộc đời một nhân vật từ đầu cho đến cuối. Có lẽ là lần đầu tiên, “Việt Nam diễn nghĩa” đã chuyển tải toàn bộ tiến trình Lịch sử Việt Nam thời kỳ Cổ đại đến thời kỳ Trung đại, từ thời kỳ Bắc thuộc cho đến thời kỳ độc lập, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh thống nhất và bảo vệ đất nước thành văn học. Diễn trình lịch sử Việt Nam được viết trong các bộ sách nghiên cứu, trong các bộ thông sử, trong các bộ giáo trình ở các trường đại học, trong các sách giáo khoa ở các bậc phổ thông là cơ sở, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ba tập của “Việt Nam diễn nghĩa”. Tác giả đã tận dụng đặc trưng, thế mạnh của nghệ thuật này mà mô tả các nhân vật lịch sử anh hùng điển hình cũng như đưa tất cả những nhân vật lịch sử có thật, làm cho họ sống lại và hành động vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Tiểu thuyết cũng đã khắc họa mô tả được những hoàn cảnh địa lý, thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội trong đó các nhân vật hành động. Những nhân vật lịch sử đó mỗi người một cá tính nhưng tất cả đều mang một đạo đức cao cả là vì dân vì nước mà sẵn sàng hi sinh. Thể loại diễn nghĩa đã cho phép khắc họa nhân vật chính diện và nhân vật phản diện trong lịch sử một các rõ nét nổi bật và sâu sắc, điển hình.

Một trong những đặc điểm nổi bật của “Việt Nam Diễn nghĩa” là thể loại văn học nên cho phép hư cấu. Trên cơ sở sự thật lịch sử cho phép và hợp lôgic, tác phẩm đã đi sâu vào giải mã những bí ẩn của lịch sử mà trong nghiên cứu cho đến ngày nay vẫn chưa làm được. Ví dụ như qua nghiên cứu địa lý vị trí của vùng Lãng Bạc, tác giả đã mô tả diễn biến của trận Lãng Bạc, trận đánh quyết định đến thất bại của triều đình hai Bà Trưng, cũng như vậy đã mô tả diễn biến những trận đánh của Lý Nam Đế, cả những thắng lợi và thất bại sau này trước sự tấn công của Trần Bá Tiên, cứ như vậy tác phẩm đã xây dựng nên những trận đánh hoành tráng, oanh liệt của quân dân Việt trong cuộc đấu tranh giải phóng, trong nội chiến thống nhất non sông, trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc như Bạch Đằng, Chi Lăng -Xương Giang, Rạch Gầm -Xoài Mút, Đống Đa. Những trận đánh lớn đánh nhỏ đều là những trận đánh kinh điển và lần đầu tiên được mô tả hoành tráng trong văn học, mang lại cho người đọc một niềm sảng khoái với những trang lịch sử hào hùng như lời một độc giả nói, đọc “Việt Nam diễn nghĩa, tôi như thấy chính mình đang xông pha chiến trận cùng các anh hùng chiến sĩ ngày xưa”. Chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước vô bờ bến của các nhân vật lịch sử của quân dân Việt tỏa ra thấm đượm trong tất cả các trang của “Việt Nam diễn nghĩa”. Tác phẩm đã giải mã hiện tượng kỳ lạ cuộc quật khởi đầu tiên chống phong kiến Trung Quốc thống trị Âu Lạc lại là Phụ nữ lãnh đạo (Hai Bà Trưng). Ở tất cả các địa phương nổi dậy chống nhà Đông Hán thời kỳ đó là những nữ tướng trước khi quy tụ về thành cuộc khởi nghĩa toàn quốc của Hai Bà. Tham gia khởi nghĩa Mê Linh có gần 100 tướng lĩnh thì hơn 90 là nữ, tất cả đều môi hồng má phấn, xinh đẹp nhưng võ nghệ cao cường và dũng cảm vô song. “Việt Nam diễn nghĩa” đã mô tả những trang hùng tráng, anh hùng có một không hai của phụ nữ Việt Nam thời hai Bà Trưng chống nhà Đông Hán, thời khởi nghĩa của Bà Triệu-Nhụy Kiều tướng quân chống nhà Đông Ngô, sự hy sinh anh dũng của Hoàng hậu Đinh Thị Ngọc Tô, của Quý phi Phạm Thị Uyển, của Công chúa Mai Thị Câu thời Mai Hắc Đế chống giặc Đường, của công chúa An Tư trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên- Mông lần 2 năm 1285 đời Trần nhưng lịch sử ít có trang nhắc đến. “Việt Nam Diễn nghĩa” đã làm sống lại những tranh oanh liệt hy sinh vì nước của các nữ anh hùng. Chủ nghĩa anh hùng mà “Việt Nam diễn nghĩa” đề cập là chủ nghĩa anh hùng toàn dân, từ quý tộc đến bình dân, từ dân tộc đa số đến dân tộc thiểu số, từ già đến trẻ. Các anh hùng các dân tộc thiểu số ở biên giới Tây Bắc, Bắc, và Đông Bắc Việt Nam đã tận tụy vì nước, lập bao công lao, đánh cho quân xâm lược thất điên bát đảo. “Việt Nam diễn nghĩa” còn là bài ca anh hùng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, còn là bài ca anh hùng yêu nước của các gia đình Việt Nam. Điển hình như gia đình Hai Bà Trưng 4 người, gia đình Mai Hắc Đế 8 người đã hy sinh vì nước. Gia đình Trần Hưng Đạo: Trần Hưng Đạo đã cùng 4 người con, cả nhà đánh giặc và lập nhiều chiến công vẻ vang. Có những tướng lĩnh thà chết không theo giặc vì sự sống và vinh hoa phú quý mà giặc hứa sẽ cho nếu đầu hàng. Trần Bình Trọng đã thét vào mặt tướng giặc Nguyên Mông: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”

Theo đặc trưng của nghệ thuật văn học, tác giả đã thu thập những khối lượng tư liệu lịch sử khổng lồ của chính sử, của huyền thoại, của dã sử và hư cấu. Nhưng tất cả đã được lựa chọn chu đáo, gạt bỏ những huyền thoại dã sử mang tính chất duy tâm thần bí, gạt bỏ những câu chuyện lịch sử nhưng không có căn cứ, ví dụ như những nghi án về những vụ huyết án không rõ ràng, gạt bỏ những tài liệu của phong kiến trung Quốc nhằm xuyên tạc lịch sử và những nhân vật lịch sử Việt Nam. Vì thế những sự kiện trong “Việt Nam diễn nghĩa” là hiện thực lịch sử chân thật nhưng sinh động đa chiều.

“Việt Nam diễn nghĩa” cùng thể hiện nguyên nhân và kết quả của lịch sử. Những anh hùng vì dân vì nước sẽ vinh quang sống bất tử muôn đời với non sông đất nước, với muôn dân muôn đời. Họ đi vào thế giới bất tử. Còn những kẻ bán nước, chỉ mong vinh thân phì gia thì kết cục bị nhân dân trừng phạt. Như Trần Kiện kẻ đầu hàng nhà Nguyên Mông làm vỡ mặt trận phía Nam trong cuộc kháng chiến lần 2 năm 1285, đưa đất nước đến tình thế nguy nan “nghìn cân treo sợi tóc” thì bị bắn chết ở Lạng Sơn khi trên đường tháo chạy sang Trung Quốc. Còn những kẻ còn sống sang được Trung Nguyên thì hổ thẹn suốt đời như Trần Ích Tắc và chết trong hổ thẹn, bị dân tộc và muôn dân phỉ nhổ muôn đời. Nhiều kẻ bị chính triều đình Trung Quốc đày lên phía Bắc và chết trong tủi hờn ghẻ lạnh. Số phận những kẻ bán nước không tốt đẹp gì. Đó là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ bán nước thời cận hiện đại.

Dù còn nhiều hạn chế nhưng hơn 1206 trang “Việt Nam diễn nghĩa” đã chuyển tải tiến trình Lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương cho đến triều đại Tây Sơn với biết bao biến cố bằng hình thức văn học dễ hiểu, chuyển tải thông điệp lịch sử anh hùng của cha ông, của dân tộc cho người đọc đủ mọi tầng lớp, qua đó thực hiện mục đích tối cao là giáo dục tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cho mọi người dân để bách tính hành động trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc thời kỳ hiện đại.

Hà Nội 6-12-2019
M-T-S

Mã Thanh Sơn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hap-dan-bo-tieu-thuyet-lich-su-viet-nam-dien-nghia-73973