Hào quang và bóng tối

DoanhNhanOnline – Cái tên JP Morgan có tiếng vang đặc biệt trong thế giới tài chính và lịch sử kinh tế nước Mỹ. Nhờ hào quang rực rỡ có được từ thời quá khứ mà thương hiệu này mới tránh...

DoanhNhanOnline – Cái tên JP Morgan có tiếng vang đặc biệt trong thế giới tài chính và lịch sử kinh tế nước Mỹ. Nhờ hào quang rực rỡ có được từ thời quá khứ mà thương hiệu này mới tránh khỏi bị u ám bởi bóng tối ở thời hiện đại.

Trong thế giới thương hiệu, JP Morgan đặc biệt không chỉ ở những thành tựu kinh doanh mà còn cả với vai trò riêng rất quyết định đối với nền kinh tế nước Mỹ trong một số giai đoạn nhất định. Gần như không có thương hiệu nào khác ngoài JP Morgan lại đảm nhiệm vai trò chính trị chẳng khác gì một dạng “sứ mệnh lịch sử”. Quá trình phát triển thương hiệu này cũng còn là lịch sử một dòng họ nổi tiếng ở Mỹ, cho dù JP Morgan của ngày trước và JP Morgan của bây giờ rất khác nhau về cơ cấu sở hữu và nhân sự điều hành. Đã từ rất lâu rồi, dòng tộc Morgan không còn ảnh hưởng gì nữa tới số phận hiện tại của thương hiệu. Nhưng những gì mà người của dòng họ này thực hiện trong quá trình gây dựng thương hiệu vẫn được kế thừa và phát huy như những bí quyết gia truyền.

“Vương triều tài chính”

JP Morgan là một “Vương triều tài chính” bởi trong thời gian hơn một trăm năm đầu tiên của lịch sử thương hiệu, nó không chỉ là tài sản riêng của dòng họ Morgan mà còn hoàn toàn do người trong dòng tộc này quản lý. Kể từ năm 1943, người ngoại tộc đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo và năm 2000, JP Morgan được bán cho ngân hàng Chase Manhattan với giá 36 tỷ USD. Nhưng cái tên của dòng tộc vẫn được giữ. Trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu của hãng Interbrand năm 2011, thương hiệu JP Morgan được xếp thứ 28 với giá trị 12,438 tỷ USD trong số 100 thương hiệu sáng giá nhất thế giới. Trước nó chỉ có 1 thương hiệu trên cùng lĩnh vực kinh doanh tài chính. Đã từng có thời JP Morgan là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về phương diện giá trị trên thị trường chứng khoán. Chỉ riêng điều đó đã đủ để cho thấy JP Morgan có ảnh hưởng to lớn như thế nào trong thế giới tài chính và đã từng đóng vai trò gì trong việc định ra luật chơi cho Phố Wall.

Lịch sử thương hiệu JP Morgan bắt đầu từ năm 1838. Thời đó, công ty George Peabody & Company được thành lập và Junius Spencer Morgan là một trong những đối tác góp vốn. Junius Morgan cho người con trai là Piermont Morgan ăn học và rồi làm việc ở chi nhánh của công ty tại London khi Pierpont 19 tuổi. Năm 1871, Pierpont Morgan cùng với ông chủ nhà băng Anthony Drexel thành lập ngân hàng Drexel, Morgan & Co. Năm 1895, Anthony Drexel qua đời và rồi ngân hàng của họ được đổi tên thành J.P. Morgan & Company. Năm 2000, ngân hàng Chase Manhattan mua lại J.P. Morgan & Company và đổi tên thành JP Morgan Chase. Ngân hàng thì có tên chính thức như vậy, nhưng thương hiệu thì lại chỉ là JP Morgan và nền tảng giá trị của thương hiệu là “Vương triều tài chính” Morgan chứ không phải ngân hàng lớn Chase Manhattan.

Những người con và cháu của Pierpont Morgan chung tay gây dựng và phát triển thương hiệu JP Morgan cũng như hai thương hiệu khác có chung gốc Morgan là Morgan Stanley và Morgan Grenfell. Năm 1913, Pierpont Morgan qua đời, để lại ngân hàng cho con trai là Pierpont Jr. Morgan. Năm 1943, người con trai này qua đời và từ đó không còn hậu duệ nào của dòng họ này cai quản JP Morgan. Ngay từ thủa ban đầu, Pierpont Morgan đã định hướng kinh doanh là kết hợp ngân hàng thương mại với ngân hàng đầu tư. Sau khi ở Mỹ ban hành luật bắt buộc tách ngân hàng thương mại đa năng với ngân hàng đầu tư, JP Morgan buộc phải tách bộ phận kinh doanh chứng khoán ra khỏi ngân hàng và thành lập ngân hàng Morgan Stanley. Ngân hàng Morgan Grenfell được thành lập khi tách bộ phận kinh doanh ở thị trường bên ngoài ra khỏi ngân hàng. Đó cũng còn là những dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử thương hiệu này.

Gần 70 năm nay, thương hiệu này không còn do người của dòng họ lãnh đạo, thậm chí về sau không còn thuộc về dòng họ Morgan, nhưng về những phương diện có tầm quan trọng quyết định nhất đối với thương hiệu là định hướng phát triển cũng như bí quyết thành công thì truyền thống và bản sắc có từ thủa “vương triều tài chính” vẫn được kế thừa và tiếp nối. Điều ấy như mạch ngầm tuôn chảy không ngừng trong bản chất thương hiệu.

Danh tiếng và tai tiếng

Định hướng phát triển của JP Morgan là kết hợp kinh doanh ngân hàng thương mại thuần túy với đầu tư và đầu cơ tài chính. Bản sắc của thương hiệu này là nhận biết, tạo dựng và tận dụng cơ hội kinh doanh. Trong thế giới thương hiệu, ngoài JP Morgan cho tới nay chưa thấy có thương hiệu nào khác mà cái tên thương hiệu được sử dụng thành biểu tượng cho cả một ngành kinh doanh. “Morgan hóa” là khái niệm xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và là tiền thân của hoạt động “đầu tư tài chính” vốn rất phổ biến từ đó đến nay. “Morgan hóa” là mua lại hoặc thâu tóm kiểm soát những doanh nghiệp gặp khó khăn để rồi sau đó cơ cấu lại doanh nghiệp, đổi mới định hướng kinh doanh và tiếp tục phát triển. Ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ ở đây rất mong manh. Đầu tư hay đầu cơ tùy thuộc vào cách nhìn nhận của các bên liên quan và bên ngoài. Bằng cách ấy, JP Morgan dàn xếp những vụ hợp nhất cần thiết để thành lập nên tập đoàn General Electric ngày nay. JP Morgan huy động tài chính để đầu tư vào ngành công nghiệp đường sắt ở Mỹ bởi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn của ngành này. JP Morgan đóng vai trò quyết định trong việc thành lập tập đoàn luyện thép lớn nhất nước Mỹ United States Steel Corporation năm 1901. Cho tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được thành lập năm 1913, JP Morgan trên thực tế đóng vai trò không khác gì một ngân hàng trung ương phát hành tiền. JP Morgan đã từng 3 lần cứu thành phố New York khỏi tình cảnh bị phá sản. Theo thời gian, JP Morgan trở thành một quyền lực thực thụ trên thị trường chứng khoán Mỹ và trong cả thế giới tài chính.

Cho đến nay, JP Morgan không còn thuộc về dòng họ Morgan, nhưng định hướng phát triển vẫn được kế thừa và tiếp nối

Thời ban đầu, một bí quyết thành công của JP Morgan là tập trung hàng đầu vào diện khách hàng là chính phủ, các doanh nghiệp thành đạt nhất và những người giàu có nhất. Về sau, sự bám giữ quá lâu vào đối tượng khách hàng này trở nên phản tác dụng khi JP Morgan không để ý đến tiềm năng tăng trưởng của kinh doanh chứng khoán và thị trường cổ phiếu của các tập đoàn kỹ thuật công nghệ cao khi thị trường tài chính được “dân chủ hóa”, các nhà đầu tư cá nhân tận dụng các quỹ đầu tư, bảo lãnh đầu tư và đầu tư trực tuyến không cần đến các ngân hàng nữa.

Rồi những vụ đầu cơ bất thành bại lộ khiến JP Morgan bộc lộ yếu kém trong kiểm tra và giám sát. Hào quang tuy vẫn còn, nhưng bóng tối ngày càng lan rộng và đậm màu. Danh tiếng vẫn có, nhưng tai tiếng cũng không phải là ngoại lệ. Địa vị của JP Morgan không còn vững chãi đến mức không thể bị làm cho lung lay. JP Morgan hiện đang phải trả giá cho việc sao nhãng chính những bí quyết đã giúp nó trở nên sáng giá.

Ngư Phủ

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/hao-quang-va-bong-toi/