Hào quang giả tạo của nghề hoạt náo viên

Dù xinh đẹp, tài năng và đầy nhiệt huyết, các hoạt náo viên phải chịu nhiều bất công do không được trả lương tương xứng với công sức tập luyện.

Zing trích dịch bài đăng trên CNN, đề cập đến tình trạng bất công về thù lao của các hoạt náo viên thuộc nhiều đội bóng bầu dục Mỹ.

Nhiều thập kỷ qua, hoạt náo viên đã trở thành một biểu tượng của NFL (Giải bóng bầu dục Nhà nghề) xứ cờ hoa. Đều đặn hàng tuần, các nhóm nhảy - đa số là nữ giới - tham gia cổ vũ trong các trận đấu, khuấy động hàng nghìn khán giả trên toàn nước Mỹ.

Nhưng ẩn dưới nụ cười rạng rỡ và vũ đạo lôi cuốn trên sân bóng, các hoạt náo viên phải chịu nhiều bất công do không được trả lương tương xứng với công sức tập luyện, biểu diễn.

Mới đây, A Woman's Work: The NFL's Cheerleader Problem - phim tài liệu do đạo diễn Yu Gu thực hiện - gây chú ý khi phơi bày góc khuất đằng sau sự hào nhoáng mà nghề hoạt náo đem lại cho những cô gái trẻ.

 Các hoạt náo viên chịu nhiều bất công và không được trả lương tương xứng với khả năng. Ảnh: People.

Các hoạt náo viên chịu nhiều bất công và không được trả lương tương xứng với khả năng. Ảnh: People.

Bộ phim xoay quanh hành trình đòi lại công bằng của Lacy Thibodeaux-Fields và Maria Pinzone - hai cựu hoạt náo viên, từng tham gia đội cổ vũ cho các đội bóng bầu dục đình đám tại Mỹ.

Trả lời CNN, Gu cho biết anh không nghĩ dự án sẽ kéo dài suốt 7 năm, từ 2014 tới 2021. Trải nghiệm này giúp anh nhận ra tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng của giới bóng bầu dục nhà nghề.

“Các nữ hoạt náo viên phải chịu nhiều bất công giống bao phụ nữ ngày nay: bị phân biệt đối xử, hạ thấp danh dự và không được trả lương xứng đáng”, đạo diễn Gu nói.

Thù lao không xứng với cống hiến

Ngay từ lúc nhỏ, Thibodeaux-Fields luôn khao khát được khuấy động không khí trong các trận bóng NFL. Sau nhiều năm nỗ lực, ước mơ của cô trở thành hiện thực khi khoác lên mình bộ đồng phục đội nhảy Raiderettes, sát cánh cùng đội bóng Oakland Raiders.

Trước đó, Thibodeaux-Fields từng tham gia cổ vũ 2 mùa NBA trong màu áo Golden State Warriors. Với cô, đó là khoảng thời gian quý báu vì vừa có cơ hội sống trọn đam mê, vừa có đủ tiền chăm lo cuộc sống.

Nhưng từ khi gia nhập Raiderettes, mọi thứ hoàn toàn đảo lộn. Trả lời CNN, Thibodeaux-Fields cho biết mình không được trả lương tối thiểu cho việc tập luyện, biểu diễn. Ngoài ra, cô phải tự mình mua thiết bị, phục trang để duy trì hình ảnh và kỹ thuật nhảy múa.

Năm 2014, Lacy Thibodeaux-Fields đâm đơn kiện đội Oakland Raiders, đòi quyền lợi cho đồng đội. Ảnh: CNN.

Năm 2014, Thibodeaux-Fields đại diện cho các cô gái đội Raiderettes đâm đơn kiện Oakland Raiders về hành vi ăn quỵt thù lao của các hoạt náo viên.

“Không ít người tình nguyện làm việc không lương vì đam mê, nhưng với tôi thì không. Chúng tôi cần được trả công xứng đáng với những cống hiến của mình”, cô nói với CNN.

Luật sư Sharon R. Vinick, người tiếp nhận vụ kiện từ phía Thibodeaux-Fields, bày tỏ bất ngờ khi lần đầu đọc bản hợp đồng giữa đội bóng và các cô gái. “Nó có nhiều điều khoản bất hợp pháp hơn bất kỳ tài liệu nào tôi từng đọc suốt gần 30 năm hành nghề”.

Theo đó, một hoạt náo viên Raiderettes có thu nhập trung bình mỗi mùa giải là 1.250 USD/người. Song, số tiền này được chi trả nhỏ giọt trong nhiều tháng. Thibodeaux-Fields khẳng định khoản tiền này ít hơn rất nhiều so với mức thù lao tối thiểu các cô gái nên nhận.

Tháng 9/2014, đội Raiders phải thanh toán 1,25 triệu USD nợ lương từ năm 2010 đến 2014 cho các thành viên đội cổ vũ. Vinick tiết lộ mỗi cô gái nhận được 2.000-30.000 USD tùy vào thời gian tham gia hoạt động.

Tuy nhiên, nữ luật sư tỏ ra chưa hài lòng với kết quả cuối cùng. “Các hoạt náo viên chỉ được trả lương tối thiểu. Họ xứng đáng nhận được nhiều hơn với những cống hiến của mình”.

Không được công nhận

Maria Pinzon, nhân vật chính thứ 2 trong bộ phim, ôm mộng trở thành hoạt náo viên từ nhỏ. Cô chính thức gia nhập Buffalo Bills sau 2 lần thi tuyển thất bại. Thế nhưng, giấc mơ nhanh chóng trở thành ác mộng với cô gái trẻ.

Tương tự Thibodeaux-Fields, Pinzone cũng không được trả lương tử tế. Cô buộc phải bỏ tiền túi cho việc mua sắm trang phục, tham gia lớp tập nhảy, điều trị chấn thương… Đôi khi, cả đội được yêu cầu tham gia những sự kiện không thù lao.

“Tôi cảm thấy bị lợi dụng. Tôi tập luyện hàng tháng trời, bỏ công sức nhảy múa, góp phần khuấy động không khí các trận đấu nhưng chẳng nhận được gì”, Pinzone nói với CNN. Vì thế, năm 2014, cô cùng 5 thành viên khác quyết định kiện đội Buffalo Bills.

Các hoạt náo viên không được coi là nhân viên chính thức thuộc đội bóng, do đó họ bị trả lương thấp hơn. Ảnh: Buffalo News.

Sau 7 năm theo đuổi vụ kiện, nhóm Pinzone mới chỉ được tòa công nhận thân phận nhân viên chính thức thuộc các đội bóng. Nhưng vì đại dịch Covid-19, thủ tục tố tụng đang gặp nhiều trở ngại.

“Thật đáng thất vọng. Môn thể thao này cần thay đổi các họ đối xử với các hoạt náo viên. Đây là biểu hiện rõ ràng của tình trạng bất bình đẳng giới”, đạo diễn Yu Gu nhận định.

"Tôi sẽ không bao giờ làm hoạt náo viên NFL"

A Woman's Work: The NFL's Cheerleader Problem chỉ rõ phụ nữ vẫn chịu chỉ trích vì lên tiếng cho quyền lợi của mình. CNN đưa tin một số hoạt náo viên đã trở thành đối tượng tẩy chay trong cộng đồng NFL vì tham gia vụ kiện.

Dù vậy, Thibodeaux-Fields và Pinzone cảm thấy tự hào khi có can đảm đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và đồng đội.

Nhiều đội bóng NFL bị kiện vì ăn quỵt thù lao, điều kiện làm việc không an toàn, quấy rối tình dục và phân biệt đối xử với các hoạt náo viên. Ảnh: NFL.

"Nếu xem bộ phim này từ trước, tôi sẽ không bao giờ làm hoạt náo viên NFL. Tôi cũng không khuyến khích bất kỳ cô gái nào dấn thân vào nghề này. Tôi sẽ dùng tài năng của mình ở một lĩnh vực khác", Thibodeaux-Fields - nay là giáo viên dạy nhảy - chia sẻ.

"Họ (các công ty quản lý đội bóng) không quan tâm đến bất kỳ điều gì khác ngoài tiền. Tôi hy vọng bộ phim tài liệu này sẽ giúp những người có hoàn cảnh tương tự lên tiếng vì chính mình", Pinzone bộc bạch.

Tính đến tháng 9/2020, 10 trong số 26 đội bóng NFL có đội cổ vũ đã bị kiện vì các hành vi ăn quỵt thù lao, điều kiện làm việc không an toàn, quấy rối tình dục và phân biệt đối xử.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hao-quang-gia-tao-cua-nghe-hoat-nao-vien-post1175237.html