Hào phóng nối nhịp cầu nông thôn

Khi UBND tỉnh triển khai Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, không ít người thấy 'ngán' với mục tiêu xây dựng 481 cây cầu chỉ trong 5 năm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chung sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt là tấm lòng hào sảng của nông dân An Giang theo đúng nét đặc trưng của người Nam Bộ, các vùng quê giờ đây đã được kết nối bởi những cây cầu vững chãi.

Hòa vào niềm vui lớn

Trong quá trình vận động xây dựng cầu nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng có lần phân tích: “Xây 1 ngôi nhà sẽ giúp 1 gia đình được yên ấm, xây 1 cây cầu sẽ giúp hàng ngàn người được hưởng lợi”. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều nông dân khi có người chấp nhận đổ cả gia tài của mình vào “sự nghiệp” xây cầu.

“Chủ trương của Đảng bộ tỉnh là quyết tâm xây dựng hoàn thành Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn lực chủ yếu từ các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Chú Út Ổi tự hào trên cây cầu Rạch Gòi Lớn 1

Chính ý nghĩa to lớn của những chiếc cầu nông thôn đã kích thích tinh thần thiện nguyện của cả cộng đồng. Với nông dân Nguyễn Minh Lương (thường gọi Út Ổi), ngụ khóm Mỹ Phú (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, An Giang), việc tự bỏ tiền túi hơn 8 tỷ đồng để xây những chiếc cầu bê-tông lại rất nhẹ nhàng.

Khắp các tuyến kênh, rạch của TP. Long Xuyên, người ta bắt gặp trên tấm bảng của những chiếc cầu xây to, đẹp, rộng 5 - 7m như: Ba Khoái (Rạch Gòi Lớn 1), cầu Đôi Lớn, Tây An 9, Tây An 10, Đức Thành, Bà Miễu, Ngã Ba, Rạch Gòi Lớn 3, cầu Kinh, Cây Lựu… đều có thông tin tri ân lão nông Út Ổi.

“Năm nay, tôi đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, chỉ còn lo không sống thêm được bao lâu để bắc thêm những cây cầu”- ông Út bộc bạch.

Với công việc bơm nước thuê và canh tác dăm công ruộng, số tiền 700 triệu đồng là cả một tài sản tích lũy hàng chục năm của vợ chồng chú Lâm Văn Nhơn và cô Ngô Thị Thanh Thoảng (ấp Tô Thủy, xã Núi Tô, Tri Tôn).

Vậy mà khi triển khai xây cầu kênh 5 (bắc từ đầu kênh 5 ngang qua kênh 13), nối ấp Tô Thủy với ấp Tân Trung (xã Tà Đảnh), vợ chồng cô, chú vui vẻ góp 700 triệu đồng mà không chút đắn đo.

“Hàng ngày, thấy bà con, các cháu học sinh đi lại trên cây cầu vững chãi là mình vui rồi. Trước đây, việc đi xuồng qua kênh 13 hết sức nguy hiểm, giờ thì đã yên tâm khi có cầu”- chú Nhơn tâm sự.

Cầu kênh 5 do chú Lâm Văn Nhơn đóng góp 700 triệu đồng

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Bên cạnh những nông dân hào phóng, sẵn lòng góp công, góp của xây cầu thì nhiều đội thi công cầu thiện nguyện cũng đã ra đời.

Những đội thi công cầu như: Út Ngộ, Tám Ngợi (Thoại Sơn), Nguyễn Văn Được (Châu Phú), Sáu Nhãn (TX. Tân Châu), Ba Đạt (Tri Tôn)... nổi tiếng bởi thi công tiết kiệm chi phí thấp nhất, nhưng chất lượng công trình luôn ở mức cao.

“Chúng tôi lên TP. Hồ Chí Minh, vào tận đại lý lớn để mua sắt số lượng lớn, rẻ hơn nhiều so mua lẻ. Cát, đá thì vào tận các đơn vị khai thác mua, vừa đủ khối lượng lại rẻ hơn, còn được cho thêm.

Việc cơm nước đã có bà con lo tại chỗ, mà ăn cơm chay nên chẳng tốn bao nhiêu. Khi xây dựng, người dân và các lực lượng công an, dân quân tự vệ giúp mình. Nhờ vậy mà xây cầu chắc chắn nhưng giá rẻ”- chú Cao Hồng Nhãn (Sáu Nhãn, xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) giải thích đơn giản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết, trước khi thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, khu vực nông thôn trên toàn tỉnh có 1.208 cây cầu, tổng chiều dài 42.080m. Trong đó có 344 cây cầu bê-tông (11.822m), cầu sắt 229 cây (7.456,4m), cầu gỗ 263 cây (7.585m) và 372 cây cầu treo (15.216,2m).

Đề án đưa ra mục tiêu xây dựng 481 cây cầu vững chãi với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 1.577 tỷ đồng. Sau 3 năm (giai đoạn 2016-2018), có 294 cây cầu được xây dựng với tổng chiều dài 9.570m, đạt 61% kế hoạch đề ra (năm 2016 xây 88 cây, 2017 xây 101 cây, 2018 xây 105 cây).

“Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, năm 2019 đã xây dựng hoàn thành thêm 153 cây, năm 2020 dự kiến xây 71 cây nữa. Như vậy là vượt chỉ tiêu 27 cây cầu so với đề án”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng thông tin.

Khởi công xây dựng 16 cây cầu do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ cho huyện Tri Tôn

Ông Nưng cho rằng, trong quá trình triển khai đề án, điểm nổi bật có thể thấy chính là tinh thần chia sẻ cộng đồng. “Người dân có điều kiện sẵn sàng góp công, góp của để cùng nhà nước xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc.

Đặc biệt, khi triển khai Đề án xã hội hóa đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tài lực để xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Đáng chú ý nhất, tỉnh được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tạp chí Nông thôn Việt vận động các nhà tài trợ, hỗ trợ huyện An Phú 15 tỷ đồng, TX. Tân Châu 17 tỷ đồng để xây dựng 26 cầu bê-tông cốt thép khu vực biên giới.

Tại huyện Tri Tôn, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động 13,5 tỷ đồng để hỗ trợ huyện xây dựng 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông thôn Việt. Thời gian tới, Chương trình cầu nông thôn sẽ tiếp tục lan tỏa đến Tịnh Biên, Châu Đốc” - ông Nưng chia sẻ.

Lan tỏa ý nghĩa cao đẹp

Khi triển khai Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh xác định nguồn lực chủ yếu để thực hiện là các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, chính quyền địa phương ở các cấp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng và tập hợp nguồn lực để xây dựng.

Những công trình cầu nông thôn tiếp tục được xây dựng

Sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung sức của doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng sự đồng thuận rất cao của dân với tinh thần “ai cũng muốn được góp công, góp sức để xây dựng quê hương giàu đẹp” giúp đề án triển khai thuận lợi.

Ông Lê Văn Nưng cho biết, dự kiến lễ tổng kết Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-2020).

“Dịp này, tỉnh sẽ vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của An Giang cũng như các tập thể, cá nhân góp phần thực hiện thành công đề án.

Đây sẽ là món quà dâng lên Bác Tôn, là công trình kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng thông tin.

“Việc xây dựng đã khó nhưng giữ gìn và bảo vệ để các cây cầu được sử dụng lâu dài càng khó hơn. UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương phải có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo và duy trì chất lượng tốt nhất cho công trình. Đồng thời, duy trì, phát triển và tạo điều kiện hơn nữa cho các đội thi công thiện nguyện sẵn có tại địa phương, phát huy cao nhất tinh thần cống hiến của người dân cho quê hương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hao-phong-noi-nhip-cau-nong-thon-a263029.html