Hào khí tháng 3... (Kỳ cuối: Xốc lại tinh thần, tiến lên với 'hào khí 29-3')

Từ bài học được rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng nói chung, công tác cán bộ và xây dựng Đảng bộ thành phố nói riêng, chắc chắn Đà Nẵng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế mới. Chưa thể nói trước được kết quả, nhưng tin chắc rằng, cùng với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Quyết định 393 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 vừa mới ban hành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tiến lên với tinh thần, hào khí ngày 29-3.

 Với tiềm lực sẵn có, vào cuộc với tinh thần "hào khí tháng 3", tin chắc Đà Nẵng sẽ nhanh chóng tiệm cận với cực phát triển mới, nhanh và bền vững hơn (Toàn cảnh Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Đoàn Nguyên).

Với tiềm lực sẵn có, vào cuộc với tinh thần "hào khí tháng 3", tin chắc Đà Nẵng sẽ nhanh chóng tiệm cận với cực phát triển mới, nhanh và bền vững hơn (Toàn cảnh Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Đoàn Nguyên).

Cơ hội vươn ra biển lớn

Còn nhớ, tại buổi gặp mặt các lão thành cách mạng nguyên là Đặc khu ủy viên - Đặc khu Quảng Đà, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ do Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, qua các vụ việc vừa rồi, Đà Nẵng, và kể cả Quảng Nam đã rút ra nhiều bài học. Đồng thời cho rằng, đây là bài học chung cho các tỉnh, thành khác trên cả nước. "Bài học lớn nhất là dân chủ trong sinh hoạt, minh bạch trong các hoạt động của mình", ông Nghĩa nói. Đồng thời khẳng định, hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ xốc lại tinh thần, đưa địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của Trung ương dành cho Đà Nẵng và Quảng Nam trong tình hình mới.

Một trong những tín hiệu vui, được xem là "kim chỉ nam" cho Đà Nẵng thời gian tới là mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Nghị quyết mới đã nhìn nhận rất rõ những vấn đề của Đà Nẵng cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đồng thời, cũng mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội vươn ra biển lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đều nhận thấy đây là thời cơ cần phải nắm chắc và phát huy tối đa cơ hội.

Như tiếp đà cho động lực ấy, mới đây nhất, ngày 4-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định 393 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Quyết định 393 nêu rõ Đà Nẵng phải nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân. Đà Nẵng cũng cần phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...

Quan điểm nhất quán của Chính phủ là "phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm. Thành phố tập trung phát triển ba trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển".

Nhanh chóng tiệm cận cực phát triển mới

Đà Nẵng được định hướng phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng. Phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.

Trong đó, bốn trọng tâm đầu tư du lịch chính gồm: Sơn Trà sẽ thành khu du lịch sinh thái cao cấp, gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; vịnh Đà Nẵng thành đô thị biển mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; khu trung tâm thành phố, phố mua sắm và nhà hàng truyền thống; các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng (gồm cả loại hình dịch vụ vui chơi giải trí có hoạt động cá cược theo quy định).

Về công nghiệp xây dựng, thành phố Đà Nẵng được định hướng tổ chức, phân bổ tám khu công nghiệp, năm cụm công nghiệp, bốn khu công nghệ cao và công nghệ thông tin tập trung...

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia thuộc top 500 của thế giới. "Các chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng: Phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị miền Trung. Phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống, đô thị thông minh, đô thị toàn cầu và đô thị khởi nghiệp sáng tạo", Quyết định 393 nêu rõ.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, Quyết định 393 đã kế thừa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. "Với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố thì Quyết định 393 là nền để Đà Nẵng triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 43", ông Trung nói.

Liên quan đến Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, ông Võ Công Trí - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng từng cho rằng: Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 đến 2030 phải hơn 12%/năm. Theo ông Trí, đây là tốc độ tăng trưởng rất cao so với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ này cũng thể hiện khát vọng tăng trưởng nhanh của thành phố và kỳ vọng rất lớn của Trung ương về vai trò động lực, có sức lan tỏa của Đà Nẵng đối với khu vực. Nghị quyết nhấn mạnh đến chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển năm lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản và nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn xây dựng đô thị sáng tạo và khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn xây dựng nền kinh tế số và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. "Với những mục tiêu quan trọng này, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thật sự "cởi trói", xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước", ông Trí nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cũng nhiều lần bày tỏ tâm đắc của mình khi nói về Nghị quyết 43. Ông cho rằng, Trung ương đặt nhiều hy vọng vào Đà Nẵng là thành phố đầu tàu, động lực ở miền Trung và Tây Nguyên, là thành phố đáng sống. Để đạt được mục tiêu ấy là cả chặng đường dài, nhất là còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. "Để người dân Đà Nẵng giữ và phát huy được lửa nhiệt tình thì Đảng bộ phải đổi mới, sáng tạo nhiều trong công tác vận động quần chúng, cũng như thực hiện quy hoạch. Tôi tin rằng TP Đà Nẵng sẽ phát triển xứng tầm kỳ vọng", ông An nói.

Thiết nghĩ, bước vào chặng đường phát triển mới, các cấp chính quyền Đà Nẵng trước hết phải "xốc" lại tinh thần, tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" và tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới, Đà Nẵng rất cần một đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm cao, xứng tầm, đoàn kết thống nhất, vì dân, tạo được sự đồng thuận trong dân, luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Với phương châm này, tin chắc Đà Nẵng sẽ không khó để trở thành trung tâm động lực năng động kéo cả khu vực miền trung phát triển, hội nhập, bền vững.

"Thời gian tới, để vượt qua những khó khăn, vướng mắc, đồng thời để lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, bền vững hơn, thì Đảng bộ Đà Nẵng cần tăng cường dân chủ trong Đảng, đề cao ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức có quyền, đi đôi với việc đưa hoạt động chất vấn trong Đảng trở thành hoạt động bình thường và không thể thiếu trong các kỳ họp của cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy từ thành phố đến phường/xã", ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

Doãn Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_222457_hao-khi-thang-3-ky-cuoi-xoc-lai-tinh-than-tien-len.aspx