Hào khí tháng 3... (Kỳ 3: Những 'nốt nhạc' trầm)

Lịch sử phát triển của một dân tộc, một đất nước luôn có sự thăng trầm, đó là quy luật. Và tất nhiên, lịch sử của một Đảng bộ địa phương, như ở Đà Nẵng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Đà Nẵng đã bước vào một "cuộc viễn chinh thần tốc" trong phát triển đô thị. Thành quả của công cuộc phát triển ấy có lẽ không ai có thể phủ nhận, chỉ có điều Đà Nẵng cũng phải đánh đổi nhiều bài học đắt giá cho mình.

Trong cuộc "viễn chinh thần tốc" để phát triển, Đà Nẵng cũng phải đánh đổi với nhiều bài học đau xót liên quan đến công tác cán bộ.

Trong cuộc "viễn chinh thần tốc" để phát triển, Đà Nẵng cũng phải đánh đổi với nhiều bài học đau xót liên quan đến công tác cán bộ.

Bài học từ những lãnh đạo "ngã ngựa"

Còn nhớ, tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015), trong diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ lúc bấy giờ đã nêu rõ: Năm tháng qua đi, cuộc sống sẽ không ngừng tiến về phía trước, nhưng sự kiện giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975 mãi mãi là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất của thành phố Đà Nẵng anh hùng; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là bản anh hùng ca tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, tinh thần bất khuất và ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta. Mỗi người dân Đà Nẵng hôm nay đều có quyền tự hào về thành phố quê hương trong niềm tin tưởng và yêu mến của nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương. "Tự hào với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, chúng ta đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm để nhằm tìm ra những biện pháp khắc phục giúp thành phố tiếp tục vững bước tiến lên", ông Trần Thọ nói.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không e ngại và né tránh khuyết điểm, lãnh đạo thành phố thời điểm ấy đều nhận thấy rằng: tiềm năng, lợi thế của thành phố còn nhiều nhưng có những mặt chưa được khai thác tốt; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp; đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng và chưa có sự bứt phá; vai trò động lực, sức lan tỏa của Đà Nẵng trong vùng còn hạn chế... Đặc biệt, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những khuyết điểm, yếu kém này là điều khó tránh khỏi trong quá trình phát triển, đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận và có biện pháp khắc phục, không để chúng cản trở sự đi lên của một Đà Nẵng đang từng ngày đổi mới, phát triển.

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố cũng thừa nhận, sau khi Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng vào đầu năm 1997, đặc biệt là sau hơn 20 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng càng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố với nhiều kết quả rõ rệt, tạo cho Đà Nẵng một diện mạo đô thị mới, tốc độ phát triển nhanh đến mức có người cho rằng Đà Nẵng thay đổi từng ngày, được xem là một thành phố có thương hiệu.

Tuy nhiên, theo ông Tiếng, bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển, trong đó có không ít thành tựu được xem là kỳ tích, thì thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đà Nẵng cũng phải "trả giá đắt" khi hàng loạt đảng viên - cán bộ cấp cao vi phạm và bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau.

Có lẽ bài học đau xót nhất mà ông Tiếng kể đến, đó là Đà Nẵng đã phải trả giá đắt về công tác cán bộ, khi gần đây, hàng loạt đảng viên - cán bộ cấp cao đương nhiệm và cả nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật. Mới đây nhất, hàng loạt đảng viên - lãnh đạo cấp cao của thành phố phải vướng vào vòng lao lý, chịu các mức hình phạt khác nhau vì dính dáng đến vụ bán, thao túng đất công sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm"). Trong số đó có ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn từ năm 2006 - 2011); Văn Hữu Chiến-Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2011 - 2014), Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND thành phố...

Ông Tiếng cho rằng, ở đây có vấn đề tha hóa quyền lực và chủ nghĩa cá nhân dẫn đến sự thao túng của các nhóm lợi ích, nhưng cũng có trường hợp do sốt ruột vì việc chung mà làm trái một số quy định của pháp luật tuy đã không còn phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn chưa được sửa đổi và còn nguyên giá trị thực thi. "Bài học cần rút ra qua việc "trả giá" thời gian qua là một mặt phải tăng cường dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội, đề cao ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức có quyền; mặt khác phải đề xuất với Trung ương sớm luật hóa, thể chế hóa về mặt Nhà nước đối với các cơ chế đặc thù với tư cách là động lực phát triển nêu trong các nghị quyết của Đảng dành riêng cho thành phố bên sông Hàn", ông Tiếng đúc rút.

Nhìn thẳng, chỉ rõ để khắc phục hạn chế

Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII (2015-2020) được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vào đầu tháng 8-2019 vừa qua, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật", Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của mình. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương, hạn chế, khuyết điểm nổi lên là có thời điểm một số cán bộ lãnh đạo các cấp của thành phố xa rời tính Đảng, tính quần chúng trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng; coi nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện không nghiêm tự phê bình và phê bình; bắt đầu hình thành hiện tượng cá nhân lũng đoạn tập thể, bên ngoài chi phối cơ quan Nhà nước, trong lúc lợi ích của đại đa số nhân dân có nơi bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Không những thế, hiện tượng chủ quan, say sưa với thành tích ban đầu đã bắt đầu xuất hiện, trở thành lực cản của việc tiếp thu đổi mới, sáng tạo trong Đảng.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải hầu tòa và chịu các mức hình phạt nghiêm khắc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Cũng theo ông Võ Văn Thương, nửa đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ của thành phố có nhiều thiếu sót, như quy hoạch, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý còn chậm, bị động, hụt hẫng, khép kín; chưa có sự kế thừa, phát triển, liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương; một số trường hợp thiếu minh bạch, thiếu dân chủ trong công tác cán bộ...

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác cán bộ cũng từng nói, những thành tựu to lớn của Đà Nẵng đạt được thời gian qua là nhờ sự cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân thành phố. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Và trên hết là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chung tay giúp đỡ vô tư, trong sáng của các bộ, ban, ngành và các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, một số lãnh đạo chủ chốt cũng như tập thể Ban Thường vụ Thành ủy đã có một số sai lầm, khuyết điểm đến mức phải kỷ luật cả tập thể và cá nhân có liên quan. "Đây là một điều đau xót và là bài học lớn, sâu sắc, đau đớn với Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ và cá nhân các đồng chí Thường trực Thành ủy, nhất là người đứng đầu", ông Chính nói.

(còn nữa)

DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_222389_hao-khi-thang-3-ky-3-nhung-not-nhac-tram-.aspx