Hào khí tháng 3… (Kỳ 1: 'Buổi đầu gieo hạt')

Đà Nẵng những ngày Tháng Ba lịch sử. Cùng thời điểm với các địa phương trong cả nước ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, thì Đà Nẵng cũng đón chào hai sự kiện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra gần như cùng thời điểm. Đó là kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (28-3-1930 – 28-3-2020) và 45 năm Ngày giải phóng (29-3-1975 – 29-3-2020). Đây là những mốc son chói lọi, đánh dấu chặng đường dài Đà Nẵng cùng với cả nước viết tiếp trang sử hào hùng mà các thế hệ cha ông đã để lại...

Nhà 52 Trần Bình Trọng được gắn biển di tích và đăng ký bảo vệ.

Nhà 52 Trần Bình Trọng được gắn biển di tích và đăng ký bảo vệ.

Tôi muốn lấy tựa đề hồi ký của nhà yêu nước Lê Văn Hiến – một người con ưu tú của Đà Nẵng và tìm đến ngôi nhà số 52-Trần Bình Trọng (Q. Hải Châu) để lần theo “dấu vết” quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (Đảng bộ TP Đà Nẵng ngày nay) từ những buổi đầu sơ khởi.

Địa chỉ lịch sử

Khoan hãy bàn đến việc chúng ta đã “đối xử” xứng tầm với một “địa chỉ đỏ” – được xem là nơi khởi nguồn của lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây và Đảng bộ TP Đà Nẵng ngày nay hay chưa; mà trước hết chỉ có thể khẳng định, trong số các địa điểm liên quan tới lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng, địa chỉ 52 - 54 Trần Bình Trọng (Q. Hải Châu) là một nơi mang nhiều ý nghĩa.

Ngôi nhà số 52-Trần Bình Trọng hiện thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Châu và bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, nay được gia đình làm nơi thờ cúng tổ tiên và các vị tiền bối cách mạng. Còn ông Châu – bà Diệp sinh sống tại ngôi nhà số 50 cạnh bên. Ngôi nhà 52 Trần Bình Trọng nằm lẩn khuất sau vườn cây cảnh lớn, được chăm chút tỉ mẩn. Phía trước vốn là một chợ xép khá nổi tiếng có tên Cây Me. Đây là một trong số rất ít căn nhà cổ còn sót lại ở thành phố này kể từ thời Pháp thuộc.

Lần theo lịch sử của ngôi nhà nói trên, được biết, chủ nhà là ông Nguyễn Văn Tùng, ông nội của ông Châu. Thời Pháp thuộc, ông Tùng vốn là thương gia giàu có, chuyên kinh doanh khách sạn lưu trú. Năm 1920, ông dành riêng lô đất kế bên dựng trường tư thục mang tên Cự Tùng (ngôi trường này sau đó mang tên số 54 Trần Bình Trọng nhưng nay đã không còn dấu tích hiện hữu).

Chỉ tay lên tấm liễn bằng gỗ khảm bốn chữ vàng “Khang dân hộ quốc” treo trang trọng giữa nhà, ông Nguyễn Văn Châu bảo dòng chữ đó có nghĩa “làm cho dân giàu, bảo vệ đất nước”, là lý tưởng mà ông nội của ông suốt đời đeo đuổi.

Ngoài thờ ông nội Cự Tùng, gia đình ông Nguyễn Văn Châu còn thờ các nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh...

Năm 1920, ông Cự Tùng quyết định lập nên trường tư thục mang tên mình tại địa chỉ nói trên. Hồi ấy, trường có năm lớp dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở xứ Trung Kỳ với đội ngũ giáo viên là những người có tinh thần khai hóa dân trí. Những lớp học tiếng Việt đầu tiên “ra lò” từ trường Cự Tùng bắt đầu gây tiếng vang, nhiều gia đình giàu có ở Đà Nẵng đưa con đến xin học. Năm 1927, khi phong trào bãi khóa nổ ra tại Huế, nhiều học sinh, sinh viên – là những nhà yêu nước, có tinh thần đấu tranh, giải phóng dân tộc đã vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng nhằm tránh đàn áp và được ông Cự Tùng che chở, cưu mang.

“Dù là thương gia rất giàu có, nhưng ông nội tôi lại là người có khuynh hướng độc lập dân tộc. Vì vậy, ông tìm cách kết giao với các chí sĩ yêu nước lúc bấy giờ như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đỗ Quang, Lê Văn Hiến, Ngô Đức Kế...”, ông Châu cho biết. Và chính vì thế, ngôi nhà này là địa điểm thường xuyên lui tới của những người yêu nước Quảng Nam – Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XX.

Bí mật bên trong trường học

Trong cuốn hồi ký “Buổi đầu gieo hạt”, nhà yêu nước Lê Văn Hiến đã nói khá chi tiết việc ông cùng Đỗ Quang – Bí thư Chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng (VNTNCM) đồng chí hội Quảng Nam – Đà Nẵng chọn địa điểm “trường Cự Tùng” làm nơi hoạt động, nhen nhóm phong trào cách mạng. Theo đó, năm 1926-1927, trong số học sinh bãi khóa hoặc bị bọn Pháp đuổi không cho học từ các nơi vào Đà Nẵng lúc bấy giờ có Đỗ Quang, sinh viên Trường Thú y Hà Nội. Đỗ Quang đấu tranh bãi khóa và sau đó bỏ học, tham gia hoạt động cách mạng. Ông được chọn cử sang học lớp huấn luyện ở Trường Hoàng Phố (Trung Quốc). Học xong, khi về nước, Đỗ Quang vào ngay Đà Nẵng là một trong những nơi lúc ấy có phong trào yêu nước sôi nổi.

Tại Đà Nẵng, Đỗ Quang và Lê Văn Hiến cùng một số nhà yêu nước khác như Thái Thị Bôi, Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ… bàn với nhau tìm chỗ đứng chân để hoạt động cách mạng. “Tôi nghĩ đến hai nơi có thể mở trường dạy học được là nhà trường của Đốc Thái và chỗ nhà ông Nguyễn Văn Tùng, thường gọi là Hội đồng Tùng, hoặc Cự Tùng vì ông Tùng có chân trong hội đồng thành phố Đà Nẵng. Về sau, quyết định mượn nhà ông Hội đồng Tùng vì nơi này kín đáo hơn. Tôi giới thiệu anh Đỗ Quang làm quen với Hội đồng Tùng” (trích Hồi ký).

Ban đầu, trường chỉ tổ chức dạy một số ít trẻ em, dần dần mở ra thành năm lớp, bên ngoài là dạy học, thực ra bên trong là hoạt động bí mật cho cách mạng. Và giáo viên của “trường Cự Tùng” này đều là học sinh bãi khóa: Đỗ Quang, Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ, Nguyễn Long, Đỗ Lân...

“Khi đã hiểu chúng tôi tương đối kỹ, anh Đỗ Quang đưa chương trình và điều lệ của VNTNCM đồng chí hội ra tuyên truyền, rồi tiến hành làm công tác tổ chức. Trên cơ sở đó, vào khoảng đầu năm 1927, chi bộ đầu tiên của TNCM đồng chí hội ở Đà Nẵng được thành lập. Ngày ấy, dù trình độ giác ngộ còn non, tôi bồi hồi xúc động và cảm thấy đây là một ngày trọng đại trong cuộc đời mình nói riêng cũng như trong đời sống chính trị của thành phố quê hương mình nói chung. Chi bộ đầu tiên của TNCM đồng chí hội ấy gồm các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Lê Quang Sung (tức Lê Hoành), Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Thị Thuyền”, (trích Hồi ký “Buổi đầu gieo hạt”).

Cũng trong thời gian này, ở Đà Nẵng còn có một tổ Hội VNCMTN do Nguyễn Tường phát triển trong số cốt cán của Hội Ái hữu lái xe miền Trung, gồm có Phan Văn Định, Nguyễn Văn Giao. Ở Hội An, một Chi bộ Hội VNCMTN được thành lập vào tháng 10-1927 tại nhà Đức An (nay là số nhà 129, đường Trần Phú, Hội An) do Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh) làm Bí thư.

Từ 3 tổ chức trên, đến đầu năm 1928, một hội nghị ở Giếng Bộng đã chính thức bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội VNCMTN Quảng Nam gồm có Đỗ Quang, Phan Thêm, Nguyễn Tường, Nguyễn Thái, Phan Long, Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến do Đỗ Quang làm Bí thư. Thực hiện chỉ thị “vô sản hóa” của Tổng bộ, Tỉnh bộ cho một số hội viên hăng hái đi vào nhà máy đồn điền để cùng lao động, ăn ở, đấu tranh với công nhân rèn luyện bản thân, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong giai cấp công nhân.

Trước vai trò lịch sử của Hội VNCMTN đã hoàn thành, tình hình cần có Đảng Cộng sản ra đời. Ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) đã quyết định thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 28-3-1930, tại bãi cát Trường Lệ, Hội An, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trên hành trình đấu tranh, giành độc lập, thống nhất đất nước

(Còn nữa)

DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_222280_hao-khi-thang-3-ky-1-buoi-dau-gieo-hat-.aspx