Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn (Bài cuối): Xứ Thanh - mảnh đất in đậm dấu ấn lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một dấu son chói ngời trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Trong đó, mảnh đất xứ Thanh là nơi từng tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông đều chứa đựng và mang đậm dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lam Sơn.

Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc).

Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc).

Xứ Thanh - “mảnh đất địa linh nhân kiệt”, nơi đây không chỉ là căn cứ vững chắc của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà còn là nơi “góp” cho cuộc khởi nghĩa nhiều hào kiệt, mãnh tướng, khai quốc công thần. Trong đó, đại diện xuất sắc và vĩ đại hơn cả là Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người có vai trò quan trọng trong việc tập hợp hào kiệt, binh sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn đi đến ngày toàn thắng, mở ra trang sử vàng cho dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, sau khi lên ngôi hoàng đế, dù thời gian trị vì chỉ trong khoảng 6 năm, song Lê Lợi vẫn đặt được một nền móng tương đối vững chắc cho thế hệ con cháu kế thừa và phát triển. Trong đó, sự tồn tại của Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) có thể xem là một minh chứng về sự thịnh vượng của vương triều Hậu Lê. Đồng thời, với những giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, công trình này đã trở thành một biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Hay Lê Lai, người đã xả thân liều mình cứu chúa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo sử sách ghi lại: Lê Lai vốn sinh ra tại làng Thành Sơn (xưa gọi là làng Tép), ông là người ra nhập vào đội quân Lam Sơn ngay từ những buổi đầu thành lập để cùng các hào kiệt, binh sĩ dựng cờ khởi nghĩa. Trải qua những năm tháng trường kỳ kháng chiến, đến khi tình thế nguy cấp, giặc Minh vây hãm toàn bộ núi Chí Linh, nghĩa quân Lam Sơn không còn đường rút lui. Thời khắc ấy, không quản thân mình Lê Lai phải đổi áo bào cho Lê Lợi để liều mình cứu chúa, xông ra trận phá vòng vây, nhưng do lực lượng quân địch quá mạnh nên ông đã bị bắt đem về Đông Đô tra tấn và xử chém. Để tưởng nhớ người có công với dân tộc, với giang sơn xã tắc và sự trân trọng, ngưỡng mộ của Nhân dân, sau khi Lê Lai mất người dân làng Tép xưa đã suy tôn ông lên làm Thành Hoàng làng và xây dựng Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai cùng phu nhân ngay bên cạnh.

Trên khắp mảnh đất xứ Thanh còn nhiều những anh hùng hào kiệt, binh sĩ như: Lê Tông Kiều, Võ Uy, Hà Mộng, Lê Khương; cho đến người dân các dân tộc thiểu số như: Lê Hiểm, Lê Hiêu, Lê Sao, Lê Yết, Lê Xa, Lê Lôi, Lê Cố… hay bà Phạm Thị Ngọc Trần (vợ Bình Định Vương Lê Lợi) - người đã có công trong việc quản lý trang trại, lương thực ở Lam Sơn, chỉ huy đội nữ binh; Hồng Nương công chúa là con gái của Lê Lợi cũng làm nữ tướng tham gia đánh giặc; Nguyễn Thị Bành (vợ Nguyễn Chích) là một nữ tướng tài ba chỉ huy nhiều trận đánh… Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để hình thành nên cuộc khởi nghĩa và phát triển mạnh về sau này.

Thác Ma Hao (Lang Chánh) dưới chân núi Pù Rinh, địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Không chỉ những anh hùng, hào kiệt mà mỗi địa danh, ngọn núi, dòng sông ở xứ Thanh cũng thấm đẫm những câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lam Sơn. Ví như, địa bàn các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành… đều là những nơi nghĩa quân Lam Sơn nương náu, ẩn tránh để củng cố, phát triển lực lượng. Trong đó, phải kể đến thời gian nghĩa quân rút về nương náu ở Chí Linh Sơn (là một dãy núi ở miền Tây Thanh Hóa được Lê Lợi và các văn thần triều Lê thế kỷ XV chính thức đặt tên như vậy. Còn dân gian ở vùng Thái – Mường xung quanh, kề cận với dãy núi này từ xưa tới nay quen gọi là dãy núi Pù Rinh), để bảo tồn củng cố lực lượng chiếm tới gần 3 năm. Theo sách “Lam Sơn thực lục”, khi mới khởi nghĩa chỉ có 200 quân thiết đột, 200 dũng sĩ và 300 nghĩa sĩ. Mặc dù lực lượng nghĩa quân ít, nhưng với phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt nhiều đợt tấn công của quân địch và làm tiêu hao một phần sinh lực địch. Mặc dù chiến đấu dũng cảm, nhưng xét thấy lực lượng không có lợi cho nghĩa quân, vì tính kế lâu dài nên Lê Lợi đã chọn núi Chí Linh làm nơi nương náu. Đối với nghĩa quân Lam Sơn, núi Chí Linh như một ngọn núi thiêng, nơi chủ tướng đồng cam cộng khổ, là biểu tượng của tinh thần chịu đựng gian khổ quật cường và lạc quan. Nhờ vậy, sau ba lần phải rút lên núi cố thủ, nương náu tại Chí Linh Sơn để bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện để năm 1424, nghĩa quân chuyển hướng chiến lược vào Nam, xây dựng căn cứ địa mới ở Nghệ An.

Trong 6 năm (từ 1418 -1423), miền núi xứ Thanh là địa bàn hoạt động chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn, cũng là giai đoạn gian khó nhất của nghĩa quân Lam Sơn. Nhưng từ đây, thanh thế nghĩa quân ngày càng vang dội, tạo đà để phát triển lực lượng và mở rộng phạm vi kháng chiến ra cả nước. Để rồi, từ đó, sau 10 năm kháng chiến trường kỳ, nghĩa quân Lam Sơn đã đưa đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh, tái thiết lại nền độc lập dân tộc, cùng với các triều đại phong kiến Việt Nam đặt nền móng cho nền thái bình vững chắc.

Trải dài suốt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, xứ Thanh đã đóng góp sức người, sức của, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của cuộc khởi nghĩa. Qua đó, mở ra một trang sử mới cho lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay vẫn luôn nhắc nhớ và tự hào, trân trọng những thành quả mà ông cha đã gây dựng nên.

Nhóm PV phòng Chính trị - Xã hội

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu trong Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/hao-khi-lam-son-toa-sang-truong-ton-bai-cuoi-xu-thanh-manh-dat-in-dam-dau-an-lich-su-cua-cuoc-khoi-nghia-lam-son/25062.htm