Hào hùng những cánh buồm Việt

Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, người ta đã hoàn toàn chinh phục đại dương bằng những con tàu hiện đại, chịu đựng được sóng gió cấp 12.

Bè tre Thanh Hóa hành trình vượt biển năm 2019 . Ảnh: Đỗ Nguyên Ái.

Tuy vậy, với Việt Nam, nghề đóng thuyền truyền thống vẫn tồn tại và như một mạch không bao giờ ngắt. Nó cho chúng ta niềm tự hào về quá khứ của cha ông với những tri thức dân gian và quá khứ hào hùng….

Việt Nam có hàng nghìn km bờ biển nên việc chinh phục biển khơi, đóng những chiếc thuyền để đánh bắt hải sản có truyền thống từ hàng nghìn năm. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hàng hải thế giới đã phát hiện ra rằng, từ những sự tương đồng về văn hóa, đã có một cuộc giao lưu văn hóa bằng các phương tiện vượt biển thô sơ của cư dân vùng Nam Á (trong đó có Việt Nam) đến vùng Nam Mỹ.

Vào giữa thế kỉ 19, nhà hằng hải, đô đốc hải quân Pháp Paris François-Edmond (1806 - 1893) tiếp tục công bố nhiều cuốn sách nghiên cứu về các phương tiện thủy thô sơ, ghe thuyền Đông Duơng và Nhật Bản.

Kĩ sư, dịch giả Đỗ Thái Bình - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật tàu thủy Việt Nam đánh giá “vị Đô đốc này tìm ra nhiều điểm tương đồng về hàng hải chứng tỏ rằng đã có sự giao tiếp trong quá khứ xa xưa giữa Việt Nam với châu Mỹ xa xôi thông qua con đường trên biển, trước những phát kiến của Christophe. Colomb.

Những luận cứ của ông đã gây tranh cãi sôi nổi và hấp dẫn nhiều nhà khoa học đi vào đề tài nghiên cứu các chuyến xuyên dương của người châu Á cùng như của người Việt cổ xưa”.

Năm 1940, J.B. Píetri công bố cuốn “Thuyền buồm Đông Dương” như một sự tổng hợp các loại ghe, thuyền buồm ở khu vực Đông Dương. Cuốn sách cũng đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam năm 2015. Đến 1942, trên BIIEH, nhóm tác giả Claeys JYC, Công Văn Trung, Phạm Văn Chung đăng bài viết đầu tiên về bè tre ở Thanh Hóa. Những tài liệu này là cơ sở cho các nhà hàng hải, người chơi thuyền buồm, du thuyền tìm hiểu, khảo cứu và đóng những chiếc thuyền buồm mới sau này.

Thanh Hóa là tỉnh ven biển Bắc bộ. Đây chính là quê hương của loại phương tiện đánh bắt hải sản thô sơ có tên là bè tre mà nhiều thư tịch cổ phương Tây nhắc đến. J. Y. Clayes và P. Paris đều cho rằng, có lẽ “đó là phương tiện thủy sơ khai nhất từ những ngày xưa mà vẫn còn lưu truyền tới ngày nay tại vùng ven bờ Đông Dương”.

“Bắt đầu từ Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, những chiếc bè này lại tái xuất hiện, hoàn thiện hơn, có hai hay ba buồm, cho tới tận cửa sông Hồng, cửa Đáy và cửa Ba Lạt”. J.B. Píetri mô tả: “Bè được đóng hoàn toàn từ thân cây tre, 12 cây tất cả, nói chung đường kính khoảng 10cm. Những cây tre này được uốn cong ngược lên trên để tạo thành mũi của con thuyền hình phẳng.

Độ cong đơn giản chỉ bằng cách uốn tre, uốn có kiểm soát khi kéo bè tre trên mặt đất, bè được tựa trên các gối đỡ. Các cây tre được liên kết với nhau bằng dầm ngang và được buộc dây mây với nhau. Hai cây tre có kích thước rất lớn đặt ở bên mạn làm thành tấm chắn nước”. Những mô tả của J.B. Píetri tương đối chính xác và hình dạng của chiếc bè tre đó cũng không khác gì những chiếc bè tre hiện có tại Sầm Sơn.

Đến những năm cuối thế kỉ XX, những chiếc bè tre đánh cá của ngư dân Sầm Sơn là một động lực hấp dẫn cho nhà hàng hải kiêm nhà văn nổi tiếng Tim Severin. Khi đã nghiên cứu và tham khảo trực tiếp ý kiến của những nhà hàng hải hàng đầu thế giới, Tim Severin đã đến Sầm Sơn, gặp những ngư dân ở đây và đóng một chiếc bè có kích cỡ dài 18,3m, rộng 4,6m, cao gần 1m, cánh buồm rộng tới 75m2.

Tim Severin (ngoài cùng bên phải) gặp lại người làm bè tre ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) năm 2018. Ảnh: Lí Nguyễn.

Thời gian đóng bè trong 4 tháng với sự trợ giúp về kĩ thuật và vật liệu của ngư dân Sầm Sơn. Tim Severin và thủy thủ đoàn 4 người (trong đó có 1 người Sầm Sơn là anh Lương Viết Lợi) đã cùng nhau đi trên chiếc bè tre này vượt Thái Bình Dương, từ Hồng Kông sang California (Mỹ) trong suốt 6 tháng trời.

Rất tiếc, khi đi được chặng đường 5.500 dặm, toàn bộ thủy thủ đoàn đã phải rời chiếc bè để lên tàu container California Galaxy tránh bão, để lại chiếc bè lênh đênh trên biển với dòng chữ thông báo: “Đây là mảng tre Từ Phúc mà chúng tôi đã rời khỏi ngày 16 tháng mười một năm 1993 tại tọa độ 31,41 bắc 148,27 tây, cách bờ châu Mỹ 1.000 dặm sau khi đã vượt 5.500 dặm từ Hồng Kông. Toàn bộ thủy thủ đoàn an toàn.

Ai tìm thấy mảng xin liên lạc với bảo tàng người đi biển, tại Newport News, Virginia, Hoa Kỳ, thông báo rõ vị trí và ngày tìm thấy. Các ghi chép hay hình ảnh về tình trạng của mảng sẽ được hoan nghênh, cảm ơn. Tim Severin, người chỉ huy chuyến du hành”.

Năm 2017, Tim Severin có quay trở lại Thanh Hóa để gặp những người đã giúp ông đóng bè, và gặp Lương Viết Lợi, người thủy thủ cùng đoàn du hành. Một lần nữa, Tim Severin khẳng định những tính ưu việt và độc đáo của bè tre Thanh Hóa. Cốt yếu nhất, Tim đã chứng minh những điều mà thư tịch cổ của các nhà hàng hải xưa kia nói là có lí: Bè tre Đông Dương, bè tre Sầm Sơn hoàn toàn có thể vượt đại dương để đến những chân trời xa xôi, không phải chỉ ven theo đường bờ biển của Việt Nam.

Sẽ thật bất ngờ vào những năm đầu của thế kỉ XXI này, bước chân đến xã Quảng Đại, cách thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) chừng 9km, chúng ta sẽ bắt gặp những chiếc bè tre thô sơ được gắn máy nổ đang nườm nượp ra khơi đánh cá vào sáng sớm.

Bên bờ biển là những nhóm đóng bè của gia đình anh Nguyễn Bá Trông và Phạm Kim Mạnh. Công việc hàng ngày của những người thợ này là đóng bè theo đơn đặt hàng của ngư dân đi biển.

Những chiếc bè ngư dân sử dụng có kích thước và hình dáng rất giống với mô tả của J.B. Píetri, chỉ khác ở chỗ số cây luồng là 18 và bây giờ có gắn máy nổ. Nguyễn Bá Trông kể rằng, anh theo nghề biển từ nhỏ. Sương gió đã nhiều. Từ vài năm nay, ở nhà đóng bè, ít đi biển hơn. Công việc đóng bè cũng tạm ổn.

Đối với Nguyễn Bá Trông và Phạm Kim Mạnh, kỉ niệm không thể quên với họ chính là chuyện đóng 2 chiếc bè theo đơn đặt hàng của nhóm chơi thuyền bè Đỗ Nguyên Ái ở Quảng Nam thực hiện chuyến dùng bè tre Thanh Hóa để du hành từ đền Độc Cước (Sầm Sơn) vào Phú Quốc.

Cũng mang tinh thần yêu biển, yêu nghề truyền thống, nhóm của Đỗ Nguyên Ái xác định đóng bè tre Thanh Hóa theo nguyên mẫu, không gia cố thêm để to lớn hơn như Tim Severin nhằm thử nghiệm vượt biển.

Đỗ Nguyên Ái và thủy thủ đoàn trên bè tre năm 2019. Ảnh: Châu Hùng.

Ròng rã hàng tháng trời, nhóm thợ của Nguyễn Bá Trông, Phạm Kim Mạnh đã hoàn thành 2 chiếc bè tre với kích thước chiều dài 10m, chiền rộng 2,9m, mỗi bè có 3 buồm chữ nhật (buồm trên bè của Tim Severin là buồm cánh dơi Hạ Long), cột buồm cao 10m.

Tổng số luồng đóng mỗi bè là 27 cây. Bè được đóng tại ngay thôn Phú Xá, xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo đúng “tiêu chuẩn” bè mảng truyền thống của ngư dân Sầm Sơn.

Khởi hành ngày 20/1/2019 từ đền Độc Cước (Sầm Sơn), chạy dọc theo bờ biển Việt Nam với du hành đoàn trên mỗi bè có 3 người, sau 21 ngày lênh đênh trên biển, qua 876 hải lí (tức 1.622km), với vận tốc trung bình 2,87 hải lí/giờ, đến ngày 23/3/2019, bè tre được cập bến ở Giồng Trôm (Bến Tre), kết thúc chuyến hành trình. Vì đoàn du hành gặp những trục trặc khác nên chuyến du hành không thể đến Phú Quốc như dự kiến, cũng dang ở như chuyến hành trình của Tim Severin.

Trưởng đoàn du hành là Đỗ Nguyên Ái cũng thừa nhận mấy điều với chúng tôi rằng, sau chuyến đi bè tre từ Sầm Sơn về Bến Tre và sau lần gặp Tim Severin ở Thanh Hóa năm 2018, một thực tế mà Tim và anh em thủy thủ đoàn Việt Nam phải thừa nhận, không thể cải tiến bè tre Thanh Hóa ở bất kì một chi tiết nào khác.

Trí tuệ dân gian hàng ngàn năm của ngư dân vùng biển đã đúc kết và hội tụ ở chiếc bè tre, do vậy, nhưng cải tiến của Tim (như nối luồng để bè dài hơn 10m, đáy bè đóng 3 lớp luồng...; như bè của Đỗ Nguyên Ái lại làm thành những khe thủng lớn ở đáy bè…, tất cả đều không thành và là một trong những điểm yếu của bè.

Tiếp tục chuyến đi của Tim Severin, nhóm thủy thủ Đỗ Nguyên Ái một lần nữa chứng minh rằng, những chiếc bè tre Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt biển, đi xa bằng những cánh buồm giản dị. Đó cũng là một bằng chứng để khẳng định cha ông ta xưa kia đã chinh phục biển khơi, thừa khả năng đi biển, thừa các phương tiện để khẳng định chủ quyền biển đảo của mình ở những nơi xa đất liền nhất.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, kĩ sư, dịch giả Đỗ Thái Bình - người đã kết nối Tim Severin với Việt Nam có nói rằng, sau chuyến hành trình của Tim, gia đình ông Phạm Văn Lợi - người Quảng Yên (Quảng Yên) người đã may chiếc buồm mành cho bè tre của Tim Severin nên đặt một biển thông báo ở cửa nhà với dòng chữ “Đây là nơi đã làm chiếc buồm cho nhà hàng hải Tim Severin và đồng đội vượt Thái Bình Dương năm 1993”.

Đó là một gợi ý không chỉ cho niềm tự hào của những người gìn giữ tinh hoa nghề biển của cha ông, mà còn làm động lực để phát triển du lịch ở đây. Bây giờ, ông Phạm Văn Lợi đã già yếu không còn làm nghề, nhưng vợ, con, cháu ông vẫn theo và giữ nghề.

Nhiều lần kĩ sư Đỗ Thái Bình trăn trở với chúng tôi rằng, công việc nghiên cứu thuyền buồm cổ, công việc thực hành đóng những chiếc thuyền xưa ở ta hiện còn thiếu và yếu. Hơn nữa chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất hẳn những làng nghề đóng thuyền thống, nghề làm buồm truyền thống.

Xưa kia, cha ông ta khẳng định chủ quyền bằng sự hiện hiện của mình trên những vùng biển, đảo xa bờ, hành trình bằng những phương tiện cổ sơ nhưng độc đáo và kết tinh trí tuệ. Đó là những chiếc bè tre, những con thuyền ba vát và nhiều loại hình ghe, bầu, thuyền cổ khác của Việt Nam.

Tự tin về sức sống của những làng nghề truyền thống, dòng huyết mạch yêu biển, yêu nghề của những ngư dân, nhưng cũng cần lắm những chính sách và quyết sách để bảo tồn và phát huy những giá trị này.

Nghề làm buồm cánh dơi, nghề đóng thuyền ba vát ở vùng đất Yên Hưng (tên cũ của Quảng Yên, Quảng Ninh) có từ hàng trăm năm nay, lúc nào cũng có dòng mạch lưu truyền. Ông Lê Đức Chắn là truyền nhân nghề đóng thuyền đời thứ 17 của họ Lê ở vùng Phong Hải, Quảng Yên.

Nghệ nhân Lê Đức Chắn đang làm thuyền ba vát mô hình. Ảnh: Lí Nguyễn.

Bên tư gia của ông ở Phong Hải, ngoài những con tàu sắt, tàu vỏ gỗ dùng máy loại to đang được các con ông thi công thì trong nhà ông la liệt mô hình những con thuyền ba vát buồm cánh dơi.

Ông Chắn bảo, đóng thuyền mô hình vừa có thu nhập (khoảng 2 triệu đồng/thuyền) lại vừa quảng bá được thuyền cha ông. Mấy năm trước, ông đóng một chiếc thuyền ba vát buồm cánh dơi đúng theo quy cách của tổ tiên cho một dự án nghiên cứu thuyền buồm với kích thước chuẩn: Chiều dài 11m, chiều rộng 3,6m, chiều cao cột buồm 8,4m.

Khi con thuyền đóng xong, đã có nhiều nhà hàng hải người Mỹ liên hệ để xin bản vẽ mang về làm một phiên bản khác ở Mĩ. Điều đó cho thấy, nhiều nhà hàng hải nước ngoài cũng rất quan tâm đến lĩnh vực thuyền buồm truyền thống của Việt Nam.

Theo ông Lê Đức Chắn, người làm thuyền ba vát bây giờ còn ít, người để làm con thuyền chạy êm, thẳng, không rung lắc thì còn rất ít. Ông Chắn đang truyền những bí quyết và sự tâm huyết của nghề đóng thuyền cho những người con của mình.

Hơn nữa, việc đẩy mạnh quảng bá giới thiệu những con thuyền của Việt Nam thêm lần nữa khẳng định nét độc đáo và tài hoa của cha ông, khẳng định bản quyền về giá trị của chiếc thuyền do cha ông ta làm nên giữa lúc nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tài liệu khoa học đang có sự nhầm lẫn thuyền ba vát của Việt Nam với những con thuyền cổ của Trung Hoa.

Lí Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hao-hung-nhung-canh-buom-viet-post255801.html