Hào hùng Nam bộ kháng chiến

Nhân dân Nam bộ xứng đáng là 'Thành đồng Tổ quốc' trong cuộc chiến đấu chống thực dân đế quốc. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã có Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, đã có Nguyễn Trung Trực với câu nói nổi tiếng 'Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây'. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Nam bộ càng quyết liệt hơn.

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam bộ, tại Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), ngày 24-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam bộ, tại Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), ngày 24-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Nam bộ kháng chiến

Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh mừng Độc lập, thực dân Pháp đã xả súng bắn làm 47 người dân thiệt mạng và nhiều người bị thương. Cùng thời gian này, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương Gracey đòi UBND Nam bộ giải giáp lực lượng vũ trang, cấm quần chúng xuống đường biểu tình.

Ngày 23-9-1945, với sự hỗ trợ của quân Anh và quân Nhật yểm trợ, 6.000 quân Pháp đã đánh úp trụ sở UBND Nam bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn. Chúng có âm mưu chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, để từ đó chiếm lại cả Đông Dương. Chỉ chưa đầy một tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Nam bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.

Từ sớm ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam bộ và UBND Nam bộ đã khẩn trương họp và quyết định kiên quyết kháng chiến. Đồng chí Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”. Đến chiều ngày 23-9-1945, người dân Sài Gòn tổ chức đình công, đóng cửa công sở, xí nghiệp, cửa hàng, dựng chướng ngại vật khắp phố phường. Lực lượng công đoàn và thanh niên bắt đầu chiếm lĩnh vị trí chiến đấu để đánh trả quân địch. Trong thành phố, 6.500 chiến sĩ đã bám trụ tại các vị trí chiến đấu chống lại thực dân Pháp.

Ngày 26-9-1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”... Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước. Nước Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam bộ muôn năm!”. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến. Quỹ Nam bộ kháng chiến cũng ra đời. Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men động viên, cổ vũ đồng bào Nam bộ kháng chiến.

Ngày 30-9-1945, thực dân Pháp lâm vào thế chân tường phải nhờ vả quân đội Anh để điều đình với UBND Nam bộ. Vậy là, những thắng lợi của quân dân Nam bộ đã đập tan chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.

Tuy nhiên, với dã tâm không thay đổi, Pháp lại liên hệ với Anh nhờ giúp đỡ. Ngày 8-10-1945, tại London, Anh, Thủ tướng Anh Atlee công khai tuyên bố chính sách của Anh về Đông Dương gồm 3 điểm chính: Chính phủ Anh yểm trợ cho Pháp tái chiếm Việt Nam; Anh công nhận chính quyền Pháp tại Sài Gòn; giao quyền cai trị ở phía Nam cho Pháp quản lý.

Do đó, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” vào ngày 25-11-1945 và vạch rõ đường lối, nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là “củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, tập trung cuộc đấu tranh vào “kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược”. Cuối tháng 12-1945, để trang bị cho các tỉnh miền Tây, quân ta tước vũ khí quân Nhật ở Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Đây là nguồn vũ khí đáng kể đầu tiên của quân đội ta tại Nam bộ.

Tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công của Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.

Toàn quốc kháng chiến

Ở miền Bắc, thời điểm này, tình hình cũng cực kỳ nguy hiểm cho nền độc lập. Quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật nhưng mục đích là sẵn sàng yểm trợ Pháp trở lại Đông Dương. Kết quả là sau quá trình thương thuyết từ tháng 10-1945, tại Trùng Khánh (Thủ đô Trung Hoa Dân Quốc), ngày 28-2-1946, Hiệp ước Pháp – Hoa được ký giữa Đại sứ Pháp Jacques Mayrier với Ngoại trưởng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thế Kiệt với nội dung Pháp được đưa quân vào miền Bắc Việt Nam thay quân Trung Hoa sẽ rút về nước trong thời gian từ ngày 15-3 đến ngày 31-3-1946.

Tuy thế, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nhân dân ủng hộ là một thực tế buộc thực dân Pháp phải tiến hành thương lượng nếu muốn đưa quân vào miền Bắc Việt Nam. Đó chính là lý do mà đại diện Pháp ở Việt Nam là J. Sainteny có cuộc thương lượng kéo dài với Chủ tịch Hồ Chí Minh và kết thúc bằng bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với nội dung quan trọng là Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay quân Tưởng và sẽ rút hết sau 5 năm, mỗi năm rút 3.000 quân. Việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 nhằm nhanh chóng để quân Tưởng rút về nước, tránh trường hợp Pháp – Tưởng cấu kết chống phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Hiệp ước Pháp – Hoa đã được ký.

Tháng 11-1946, thực dân Pháp ngang ngược chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, thực dân Pháp liên tục khiêu khích bằng quân sự. Ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng. Do đó, đến ngày 19-12-1946, trước những hành động bộc lộ dã tâm đô hộ nước ta một lần nữa đã quá rõ ràng của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” kêu gọi đồng bào toàn quốc “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Phát huy sức mạnh của Ngày Nam bộ kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã có Ngày Toàn quốc kháng chiến. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc dân mà xây dựng nên”.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hao-hung-nam-bo-khang-chien-post433360.html