HANIFF 2016: Đa thanh, đa dạng nhưng chưa 'trẻ'

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 như một đại tiệc phim đa thanh, đa dạng nhưng nhìn vào các thành viên Ban giám khảo thì rất hiếm thấy người trẻ…

Chỉ còn vài giờ nữa là HANIFF 2016 sẽ khai mạc với chủ đề “Điện ảnh, hội nhập và phát triển bền vững”. Đại tiệc phim sẽ cống hiến đến công chúng khán giả Việt những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của các quốc gia trong châu lục và thế giới.

Qua 3 lần tổ chức, đến HANIFF lần thứ tư 2016, số lượng phim và quốc gia tham dự đã tăng lên. Đặc biệt, chất lượng phim được nâng cao, nhiều phim đoạt các giải thưởng ở các Liên hoan phim quốc tế cũng mang tới đây tham dự hay trình chiếu.

Một tổng phổ đa thanh, đa sắc, đa dạng

Từ 327 phim của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ gừi đến HANIFF 206, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 12 bộ phim truyện dài với những bộ phim sáng giá từ nhiều cuộc liên hoan phim quốc tế khác nhau. Việt Nam có 2 phim - cũng là phim đã được chọn tham dự tranh giải “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” Oscar 2016, 2017.

Cảnh trong phim "Cemetery of Splendour"

Trong số 12 phim này, gây tò mò đến khán giả là phim “Cemetery of Splendour”, kể câu chuyện về nữ tình nguyện viên trong trạm quân ý phát hiện ra mối quan hệ bí ẩn giữa nhóm lính với một khu di tích cổ xưa ở gần nơi mình làm việc… Phim vừa đoạt giải “Un Certain Regard” năm 2015 tại Cannes của đạo diễn người Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, sinh năm 1970. Ông đã từng đoạt ba giải tại Cannes, trong đó có Cành cọ vàng. Và phim ở HANIFF 2016 là ứng viên nặng ký đoạt giải cao.

Phim của Pháp “Marguerite” - 2015 của đạo diễn Xavier Giannoli, từng giành giải nữ diễn viên xuất sắc và rất nhiều đề cử tại César trong năm 2016 cũng là một phim gây ấn tượng. Một phim khác của Hàn Quốc “One Way Trip” vừa sản xuất, là tác phẩm đầu tay nhưng đầy gai góc, cảm giác mạnh đến gai người của đạo diễn Choi Jeong Yeol.

Hay “Remember” - Canada & Đức - 2015, của đạo diễn Atom Egoyan người Canada, ông từng là “nhân vật” của các LHP lớn như Cannes, Berlin và Venice. Phim có sự diễn xuất của ngôi sao Christopher Plummer trong vai chính. Phim từng tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2015.

Ngoài 12 phim truyện dài dự thi, ở các hoạt động tham dự không tranh giải, trình chiếu trong khuôn khổ HANIFF2016 cũng có nhiều bộ phim xuất sắc, nghe danh mà công chúng Việt chưa được xem chính thức.

Như “Son of Saul”, phim về đề tài diệt chủng Do Thái của điện ảnh Hungary, từng đoạt giải thưởng lớn tại Cannes năm 2015 và giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất 2016. “I, Daniel Blake” của Anh, giải Cành Cọ Vàng và giải Đặc biệt tại LHP Cannes 2016, Giải Khán giả bình chọn tại LHP Quốc tế Lorcano 2016.

“Wolf Totem” - Pháp & Trung Quốc đoạt các giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Bắc Kinh 2015, Giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Macao 2015.

Cảnh trong phim "Wolf Totem"

“Louder than bombs” - Na Uy: Giải Phim hay nhất tại LHP Quốc tế Stockholm 2015; Giải Phê bình Phim Na Uy tại LHP Quốc tế Na Uy. “Interrogation” của điện ảnh Ấn Độ đoạt giải thưởng Đặc biệt tại Liên hoan phim Venice 2015, giải phim truyện xuất sắc nhất bằng tiếng Tamil, Sen Bạc cho Diễn viên nam phụ và Dựng phim xuất sắc nhất tại Giải thưởng điện ảnh quốc gia Ấn Độ năm 2016.

Hay các phim “Brand New Testament” - Na Uy, “Lost daughter” - Đài Loan (Trung Quốc), “The Island Funeral” - Thái Lan, “Junction 48” – Israel & Đức & Mỹ, “Southside with you” - Mỹ… phim nào cũng sở hữu nhiều giải ở các LHP quốc tế và quốc gia.

30 phim ngắn được tuyển chọn dự thi tại HANIFF 2016, thuộc cả ba thể loại phim truyện, tài liệu và hoạt hình, đại diện cho 15 nền điện ảnh trên thế giới tham gia tranh giải Phim ngắn: Angeria, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Indonesia, Kyrgyzstan, Mỹ, Ấn Độ, Mexico, Phần Lan, Singapore, Philippines, Slovenia, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Uzbekistan và Việt Nam.

Loạt phim ngắn tại HANIFF 2016 sẽ cho khán giả những cái nhìn sinh động, đa chiều về thế giới, xã hội, tình yêu đầy tính nhân văn, thế giới nội tâm và những góc nhìn thú vị của cuộc sống, cùng những quan niệm nghệ thuật khác nhau của các nhà làm phim khắp thế giới.

Riêng phim ngắn Việt Nam đã rất tự tin sánh vai với các nền điện ảnh quốc tế, có tới 10 đại diện trong HANIFF 2016: “Bông hoa Mặt trời” - Hồng Linh, “Cá dọn bể” - Chu Ánh Nguyệt, “Dành tặng ông Điều” - Nguyễn Hiền Anh, “Khát vọng người” - Phạm Huyên, “Mèo trắng mèo mun” - Phạm Ngọc Tuấn, “Ngày mai” - Phan Lê Dzung, “Người mẹ trẻ đỉnh Vài” - Đào Thanh Hưng, “Những mặt phẳng” - Trần Khánh Duyên, “Thành phố khác” - Phạm Ngọc Lân, “Vọng phu nơi đầu sóng” - Phùng Ngọc Tú.

Giám khảo không còn trẻ và ít “sao” tham dự

Nhìn vào danh sách các phim dự tranh giải, gồm phim truyện dài, phim ngắn và NETPAC thấy phần lớn là các đạo diễn trẻ, đặc biệt là phim ngắn và NETPAC. Nội dung của phim phần lớn là những vấn đề đương đại và là mối quan tâm của người trẻ. Ngay các phim truyện dài, đạo diễn trẻ cũng chiếm phần lớn…

Nhưng nhìn vào thành phần giám khảo thì chỉ duy nhất có một đại diện trẻ ở tuổi 8X (1982) người Philippines. Ngay như giám khảo phim ngắn, thể loại toàn đạo diễn trẻ, thậm chí có đạo diễn là học sinh, nhưng giám khảo thì lại không còn trẻ. “Trẻ” nhất là đạo diễn người Australia, bà Maxine Williamson sinh năm 1964, hai giám khảo còn lại thì một người 58 tuồi, một người 59 tuổi. Giám khảo của giải NETPAC - Giải phim xuất sắc châu Á, có hai người tuổi 56, và một người 57 tuổi.

Giám khảo Maxine Williamson.

Tất cả các giám khảo đều là những đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim, diễn viên lừng danh và có uy tín trong nghề. Nhưng khi thành phần ban giám khảo không có người trẻ thì dù họ có “nghề”, thì có chắc họ sẽ thẩm định phim của người trẻ chính xác?

Khi người trẻ làm phim có nhiều sáng tạo, nhiều đổi mới, thậm chí có nhiều sự đột phá, phá cách trong nghệ thuật thể hiện, khác biệt trong cách lý giải vấn đề đương đại, giám khảo không trẻ có nhìn nhận để đánh giá đúng?

Theo dự tính, HANIFF 2016 sẽ có khoảng 1.200 khách mời. Ngoài hai tên tuổi nổi bật là đạo diễn người Pháp Régis Wargnier và nữ diễn viên nổi tiếng Catherine Deneuve sẽ đến HANIFF 2016 nhân kỷ niệm 25 năm bộ phim “Indochine” (Đông Dương) được quay tại Việt Nam, và “sao” Bunga của điện ảnh Indonesia thì chưa thấy những cái tên “sao”, “thần tượng” của các nền điện ảnh lớn trong khu vực tham dự HANIFF 2016.

Phải chăng, không chỉ HANIFF 2016 hạn chế kinh phí tổ chức, nên khó mời “sao” với nhiều tốn kém, mà còn vì HANIFF là LHP non trẻ, chưa đủ uy tính, danh tiếng, chất lượng để có thể thu hút các “sao” trong ngành điện ảnh tìn đến?

Phim Việt có đoạt giải cao trong HANIFF 2016 không là điều quan trọng vì hiểu “sức” của phim Việt tới đâu. Nhưng HANIFF 2016 thật sự là một đại tiệc phim thế giới chất lượng cao. Không những công chúng Việt được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh xuất sắc thế giới, mà còn mang đến rất nhiều kinh nghiệm thực tế cho các nhà làm phim Việt.

Chắc chắn HANIFF 2018 sẽ có nhiều đổi mới hứa hẹn thú vị hơn nữa./.

Giám khảo phim truyện dài: Đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch người Pháp, ông Régis Wargnier (Chủ tịch - 1948); Diễn viên Hollywood người Mỹ, bà Geraldine Chaplin(1944); Đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch Ấn Độ, ông Adoor Gopalakrishnan(1941); Diễn viên Philippines, bà Maria Izadora Calzado(1982); Đạo diễn Việt Nam ông Đào Bá Sơn (1952).

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/haniff-2016-da-thanh-da-dang-nhung-chua-tre-565112.vov