Hành vi tiếp tay cho gian lận trong nhập khẩu cá tầm sẽ bị xử lý nặng

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý hành vi tiếp tay cho gian lận trong nhập khẩu cá tầm

Liên quan đến việc thời gian gần đây, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

 Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc được bắt giữ tại Lào Cai. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.

Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc được bắt giữ tại Lào Cai. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.

Hơn nữa, hành vi này cũng trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Chỉ thị số 05).

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05.

Các cơ quan này cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Trước đó, ngày 24/12, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan về việc đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm.

Theo lãnh đạo Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, trong thời gian gần đây có tình trạng cá tầm được nhập khẩu vào Việt Nam không nằm trong danh mục được phép kinh doanh (Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản); tình trạng nhập lậu cá tầm qua đường mòn, lối mở dùng làm thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản nước lạnh trong nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.

Bên cạnh đó, để đối phó với cá tầm Trung Quốc giá rẻ, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm nhỏ lẻ trên cả nước đã có thư kiến nghị gửi các bộ ngành liên quan đề nghị làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng khe hở pháp luật để nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc không nằm trong danh mục loài được cấp phép theo quy định.

Hiệp hội đề nghị thực hiện sát sao công tác quản lý thị trường nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Công ước CITES.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, cạnh tranh công bằng với cá tầm nuôi trong nước…

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu gia tăng do giá cá tầm Trung Quốc quá rẻ so với giá cá tầm tại Việt Nam. Giá cá tầm tại Trung Quốc chỉ ở mức 50.000-70.000 đồng/kg, qua Việt Nam giá đội lên 100.000-130.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá tầm do các doanh nghiệp Việt Nam nuôi có mức giá khoảng 180.000-230.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận hưởng được từ chênh lệch giá, cá tầm Trung Quốc nhập lậu đang “đè bẹp” các doanh nghiệp nuôi cá tầm nội địa, đua nhau tràn vào thị trường trong nước bất chấp những cảnh báo về an toàn thực phẩm và bệnh dịch.

Một nguyên nhân nữa khiến cá tầm nội địa không cạnh tranh được với cá tầm Trung Quốc nhập lậu là phần lớn cá tầm Trung Quốc đã được nuôi công nghiệp, sử dụng nhiều kháng sinh, thức ăn tăng trọng. Trong khi đó, cá tầm nhập lậu, không được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh và mức độ an toàn thực phẩm nên nguy cơ cho sức khỏe người ăn là rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản đã lấy mẫu cá tầm nhập lậu để kiểm tra. Kết quả cho thấy 1/10 mẫu cá tầm nhiễm chất kháng sinh cấm Malachite Green. Malachite green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da.

Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Độc tố Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, Malachite Green có biểu hiện gây ung thư và có thể gây đột biến trong cơ thể các loài động vật. Nhưng để giảm giá thành nuôi trồng thủy sản, người nông dân thường dùng thức ăn giá rẻ, thức ăn tự chế. Các loại thức ăn này càng khiến cá dễ nhiễm Malachite green.

Malachite Green là chất màu cực kỳ nguy hiểm, chỉ dùng trong công nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể gây ung thư, đặc biệt ở nữ giới. Do tính chất nguy hại của Malachite green với sức khỏe, nó đã bị cấm và kiểm soát rất chặt trong sản xuất thủy sản. Hiện nay có nhiều nước trong EU và Mỹ kiểm tra rất ngặt nghèo về hàm lượng chất này. Do đó, sau khi cá bị nhiễm, Malachite green sẽ tích lũy dần trong thịt và tế bào mỡ, đặc biệt trong mỡ luôn tích lũy hàm lượng độc tố này cao gấp nhiều lần so với trong thịt, do đó ăn mỡ cá còn nguy hại hơn ăn thịt.

Thu Hà

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hanh-vi-tiep-tay-cho-gian-lan-trong-nhap-khau-ca-tam-se-bi-xu-ly-nang-d182931.html