Hành vi phản giáo dục và căn bệnh thành tích

Tuần qua dư luận dậy sóng khi cô Nguyễn Thị Phương Thủy ở Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình đã sử dụng hình phạt cho bạn cùng lớp tát vào má em Hoàng Long Nhật 231 cái bởi vì em này nói tục.

Nhiều lần gặp hết cô rồi trò ở vùng quê nghèo này tìm hiểu thực hư câu chuyện, nỗi buồn cứ xâm chiếm đeo đẳng chúng tôi bởi thật khó lý giải tại sao một cô giáo có gần 20 năm đứng trên bục giảng, tóc đã ngả bạc lại có thể đề ra hình phạt tàn tệ như vậy? Tại sao nhiều em học sinh trong lớp học do cô Thủy chủ nhiệm đã đứng yên hứng chịu hàng trăm cái tát mà không phản ứng? Hoặc biết nhưng vẫn dửng dưng?

Sự việc xảy ra báo chí vào cuộc, Ban Giám hiệu nhà trường vừa cung cấp thông tin vừa xin xỏ: Báo chí đừng đăng vì ảnh hưởng nhà trường, trường sắp được công nhận chuẩn quốc gia… Nỗi ám ảnh về căn bệnh thành tích trong giáo dục chính là một phần căn nguyên xảy ra của vụ việc tệ hại kể trên.

Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình là nơi nhiều lần chúng tôi đã về để trao tiền, quà hỗ trợ giúp đỡ những bà con bị thiệt hại sau mỗi lần bão lũ. Người dân nơi đây chân chất như hạt lúa củ khoai. Đám học trò làng vẫn còn giữ nhiều hình ảnh của chúng tôi vài ba thập niên trước. Vùng quê nghèo này bỗng chốc nổi tiếng theo cách không ai muốn bắt đầu từ việc của cô trò xảy ra.

Chiều ngày 19-11, ở nhiều ngôi trường khác thường cô trò, phụ huynh tất bật cho lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam. Nhưng ở vùng nông thôn Duy Ninh nơi chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn hán khô khốc thì ngày lễ của giáo viên cũng im lìm như bao ngày khác. Chiều hôm đó, khi đến lớp nghe học sinh phản ánh em Nhật vừa nói tục, cô Thủy cho lớp thực hiện ngay hình phạt mà cô đã đề ra từ đầu năm học 2018-2019: bạn nào nói tục các bạn cùng lớp được tát 10 cái vào má.

Trường THCS Duy Ninh, nơi sự việc đáng tiếc xảy ra.

Lớp 27 em, hôm đó nghỉ 4 em nên Nhật "được tặng" 230 cái tát của bạn và 1 cái tát của cô Thủy. Quá uất ức khi bạn cuối cùng thực hiện xong hình phạt, Nhật lại buột miệng chửi thề. Lần này em không còn chửi một cách giấu diếm, mà chửi to, ngay trước mặt cô và các bạn cùng lớp. Bạo lực chẳng bao giờ giáo dục người ta nên người, cũng như hình phạt tàn nhẫn không bao giờ là cách giáo dục tốt để con người thay đổi hành vi.

Ngồi trước mặt chúng tôi, cô Thủy nói về hình phạt mà cô đưa ra. Nhưng cô đang lo sợ. Cô ngồi co rúm, run bần bật. Cô sợ bị đuổi việc, sợ mất lương thì lấy gì nuôi những đứa con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Lương nhà giáo không cao nhưng ở quê tháng được nhận 5-7 triệu đồng là niềm mơ ước của hàng vạn người… Lớp 6.2 vẫn được coi như lớp cá biệt của trường, khi cả lớp chỉ có một vài em học khá.

Cô Thủy được giao chủ nhiệm lớp từ đầu năm học, và mong lớp có thành tích tốt hơn, cô đã sử dụng hình phạt phản giáo dục như đã nói ở trên. Hình phạt cô đưa ra cho học trò nay lại đang phạt bản thân cô mà có thể công lao gần 20 năm đứng trên bục giảng cô sẽ bị xóa sạch.

Chúng tôi hoàn toàn đồng cảm với cô về thân phận con người nhưng không tìm ra bất kỳ lý do gì để có thể biện minh, thông cảm cho cô khi hình ảnh đứa trẻ 11 tuổi đứng co rúm để nhận hàng trăm cái tát từ bạn mình. Chỉ vì thành tích của lớp 6.2, mà thành tích của lớp chính là thành tích của cô. Cô muốn lớp thay đổi theo hướng tích cực, cô muốn lớp được tuyên dương, cô muốn lớp cô hàng tuần được khen vào chào cờ sáng thứ hai đầu tuần… nên cô đề ra hình phạt quái quỷ không thể chấp nhận được trong đời sống xã hội đã bước qua thế kỷ XXI.

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy đang phải đối mặt với hành vi phản giáo dục mà chính cô đưa ra.

Nỗi ám ảnh căn bệnh thành tích đã đẩy cô Thủy vào ngõ cụt của hành động phi giáo dục để cả xã hội lên án. Và thật buồn hơn khi chúng tôi gặp Ban giám hiệu nhà trường để tìm kiếm thông tin, và nhận được những đề nghị mang đặc trưng "thành tích là tất cả", dù thành tích đó nó có thể là ảo, nó không mang lại nhiều giá trị đích thực cho việc dạy và học của mái trường.

Ban giám hiệu thì chỉ lo đi đề nghị các nhà báo đừng đưa vụ việc lên công luận với lý giải rằng Trường THCS Duy Ninh đang làm hồ sơ để được công nhận trường chuẩn quốc gia. Trách gì mà vụ việc em Nhật bị tát 231 cái vỡ lở, trước đó hàng chục học sinh của cái lớp 6.2 do cô Thủy làm chủ nhiệm đã đứng yên cho bạn tát hàng trăm cái nhưng đều rơi vào im lặng.

Vì thành tích của lớp nên học sinh không được nói ra, vì thành tích của trường nên mọi việc phải bưng bít càng kỹ càng tốt. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thành niên… Trường THCS Duy Ninh chắc đều biết chuyện gì đang xảy ra ở trường mình chứ? Sao trước đó không ai lên tiếng để sự việc vẫn tiếp diễn? Tại sao không ngăn khi em đầu tiên bị phạt? Chỉ vì nỗi ám ảnh thành tích của trường, nỗi ám ảnh để đạt được những từ mĩ miều trường chuẩn quốc gia nên không ai lên tiếng hay là một sự vô đạo đức đã trở thành hệ thống ở nơi ấy, một ngôi trường THCS?

Thiết nghĩ để học sinh thực sự "Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui", ngành giáo dục cần giải quyết được việc giảm tải và căn bệnh thành tích trong chính ngành mình đưa ra. Khả năng của mỗi con người hoàn toàn không giống nhau, mỗi học sinh có hoàn cảnh khác nhau, mỗi lớp học có em giỏi, em khá, em học kém, chúng ta phải thấu hiểu chúng để có biện pháp giáo dục phù hợp, đừng cào bằng toàn khá giỏi nhiều khi giả tạo như hiện nay.

Một nền giáo dục dù có tiên tiến đến đâu cũng không thể nào có chuyện học sinh toàn khá giỏi. Loại bỏ được căn bệnh thành tích trong giáo dục, mới mong tránh được nhiều vụ việc không đáng có xảy ra.

Dương Sông Lam

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hanh-vi-phan-giao-duc-va-can-benh-thanh-tich-522315/