Hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông giữa dịch Covid-19

Trung Quốc vừa liên tiếp có những việc làm ngang ngược và phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đang dồn mọi nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19 vốn xuất phát đầu tiên từ chính Trung Quốc.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974

Hành vi nguy hiểm trên Biển Đông trong đại dịch

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 18-4, Chính phủ nước này đã quyết định của cái gọi là “thành phố Tam Sa” thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Theo đó, trụ sở của cái gọi là “huyện đảo Tây Sa” đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, còn trụ sở của cái gọi là “huyện đảo Nam Sa” đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ một ngày sau, Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông vào ngày 19-4. Theo trang ecns.cn, Bộ Nội vụ Trung Quốc và Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố kinh độ và vĩ độ của phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Trước đó, Trung Quốc đã có một loạt các hành vi nguy hiểm, gây căng thẳng tình hình Biển Đông như việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam trong khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng thời gian này, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống trở lại Biển Đông khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và tiến tới các vùng biển ở phía Nam Biển Đồng về phía Malaysia.

Những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và làm căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông của Trung Quốc liên tiếp diễn ra trong bối cảnh các quốc gia khu vực và cả thế giới đang dồn hết sức lực nhằm chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Đại dịch này bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc và lây lan ra toàn thế giới, khiến khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh và hơn 170 nghìn người tử vong tính tới hết ngày 21-4.

Hàng loạt hành động gây căng thẳng và phức tạp tình hình Biển Đông vừa qua của Trung Quốc cho thấy rõ quốc gia này đang gia tăng các hoạt động xâm chiếm Biển Đông bất chấp phản đối của quốc tế. Rõ ràng Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông để ngang ngược có những hành vi phi pháp, gây căng thẳng trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đều đang căng sức, gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.

Không thể phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam

Những động ngang ngược và nguy hiểm mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”) hoàn toàn không có giá trị pháp lý, hoàn toàn không thể phủ nhận chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định về chủ quyền lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực hiện chủ quyền của mình trên thực tế đối với hai quần đảo này.

Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 30-3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 82) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định rõ: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc” và Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970 cũng quy định rõ việc không chấp nhận dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Vì thế, Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.

Chính vì thế, dư luận cho rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc làm suy yếu lòng tin giữa Trung Quốc với Việt Nam cũng như Trung Quốc với các bên liên quan trong khu vực bởi Bắc Kinh liên tục vi phạm các cam kết của họ rằng giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại với các nước có quan tâm trực tiếp.

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario kêu gọi Chính phủ Philippines phản đối việc Trung Quốc ngang ngược thành lập hai cơ quan hành chính nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông Del Rosario cũng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang đối phó với đại dịch Covid-19 để theo đuổi những yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển Đông, gây tổn hại cho các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/hanh-vi-ngang-nguoc-cua-trung-quoc-o-bien-dong-giua-dich-covid19/851378.antd