Hành vi cá độ bóng đá bị xử phạt như thế nào?

Tại thời điểm cơ quan công an bắt giữ thì em tôi đã không chơi cá độ bóng đá được 30 ngày. Tôi xin hỏi em tôi có bị xử lý không và nếu có thì sẽ xử lý như thế nào?

Em tôi từng tham gia cá độ bóng đá nhưng vì thua quá nên đã không chơi nữa. Sau đó, công an đã bắt được người tổ chức cá độ và một số người đang thực hiện hành vi cá độ. Tại thời điểm cơ quan công an bắt giữ thì em tôi đã không chơi cá độ bóng đá được 30 ngày. Tôi xin hỏi em tôi có bị xử lý không và nếu có thì sẽ xử lý như thế nào? Em tôi đã bị đi tù về tội đánh bạc 3 tháng cách đây 5 năm. Tôi xin cảm ơn luật sư! (Bạn đọc Tuấn Quỳnh - Hải Dương (Email: Tuanquynh....@gmail.com)

Luật sư tư vấn:

Trước hết phải khẳng định rằng hành vi cá độ bóng đá, tổ chức cá độ bóng đá là hành vi đánh bạc trái phép, theo quy định pháp luật hiện hành. Tùy theo mức độ vi phạm có thể chịu trách nhiệm pháp lý ở các mức khác nhau.

Về mặt xử lý hành chính, vấn đề này được quy định rõ tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Điều 26 của Nghị định này quy định mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác.

Hành vi cá độ bóng đá bị xử lý như thế nào?

Hành vi cá độ bóng đá bị xử lý như thế nào?

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Một cá nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 khi có các hành vi sau:

Đánh bạc trái phép với số tiền hoặc tài sản từ 5.000.000 VNĐ trở lên. Đánh bạc trái phép với số tiền hoặc tài sản dưới 5.000.000 VNĐ nhưng đã bị xử phạt hành chính về tội đánh bạc hoặc tội tổ chưc đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc mà chưa được xóa án tích.

Như vậy hành vi đánh bạc trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc khi có 02 dấu hiệu trên, các trường hợp khác không có 02 dấu hiệu nêu trên, có thể bị xử phạt hành chính. Trường hợp của em bạn đã bị kết án về tội đánh bạc 3 tháng cách đây 5 năm thì thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo kết luận điều tra để xem xét xử phạt theo quy định.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật TNHH Đức An - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/hanh-vi-ca-do-bong-da-bi-xu-phat-nhu-the-nao-d144271.html