Hành vi bạo hành trẻ em bị xử phạt như thế nào?

Thời gian qua, những vụ bạo hành trẻ em do chính người thân hay giáo viên trông giữ trẻ liên tiếp xảy ra. Bạo hành trẻ em đang ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết với số lượng vụ bạo hành xảy ra nhiều, mức độ gây thương tích cho trẻ là vô cùng nặng. Những vụ bạo hành trẻ em kinh hoàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý, sự phát triển và quyền lợi của trẻ. Vậy hành vi bạo hành trẻ em bị xử phạt như thế nào?

Phẫn nộ với liên tiếp các vụ học sinh mầm non bị bạo hành

Theo VTC News, ngày 27-4, cả cộng đồng phẫn uất khi biết vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non xã Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Với clip lộ trên mạng ghi lại cảnh ngày 16-4, một cô giáo liên tục đút cơm cho một bé trai, cùng với đó đánh liên tiếp vào người và đầu cháu bé. Đáng nói, trong phòng có các giáo viên khác nhưng không một ai đứng ra can ngăn hành vi bạo hành này, tỏ thái độ dửng dưng.

 Giáo viên liên tục ép trẻ ăn, đánh liên tiếp vào người và đầu trẻ (Ảnh cắt từ clip)

Giáo viên liên tục ép trẻ ăn, đánh liên tiếp vào người và đầu trẻ (Ảnh cắt từ clip)

Trước đó, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip được trích xuất từ camera cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mi ghi lại cảnh hai giáo viên cầm hai tay các trẻ nhỏ quăng xuống chiếu trải dưới nền nhà. Theo hình ảnh từ camera, vào buổi trưa 11/4, trong một phòng tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mi, hai giáo viên trải chiếu dưới nền nhà và lần lượt cho khoảng 20 bé nằm xuống ngủ trưa.

Điều đáng nói, hai giáo viên này cầm cánh tay nhiều trẻ lôi xềnh xệch bắt nằm xuống chiếu. Choảng váng hơn, có bé bị túm cánh tay quăng xuống bắt nằm ngủ. Tiếng khóc thét vang lên trong căn phòng được camera ghi lại, khiến người xem phẫn nộ về cách chăm sóc trẻ của 2 nữ nhân viên này.

Hai giáo viên cầm tay trẻ lôi xềnh xệch bắt nằm xuống ngủ, trẻ đau đớn gào khóc (Ảnh cắt từ clip)

Clip sau khi được đăng tải đã thu hút sự theo dõi, bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng. Các ý kiến đều tỏ thái độ bức xúc và lên án hành động phản giáo dục này. Còn nhiều vụ bạo hành trẻ em kinh hoàng đã được đưa ra ngoài ánh sáng, gây bao đớn đau cho gia đình và toàn xã hội.

Hành vi bạo hành trẻ em bị xử phạt như thế nào?

Với hành vi bạo hành trẻ em, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, sự phát triển của trẻ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Dưới ánh sáng công lý, mọi hành vi làm tổn hại đến trẻ nhỏ đều bị xử lý nghiêm khắc.

Theo Luật Việt Nam có trả lời cho bạn đọc mức phạt đối với kẻ gây ra hành vi bạo hành trẻ em như sau:

Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, nhưng trên thực tế, tình trạng xâm hại, ngược đãi trẻ em vẫn liên tiếp diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của trẻ em.

Phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng

Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.

Phạt từ 5 đến 10 triệu đống đối với các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ (Ảnh: Công Luận)

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.

Ngoài bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, người có các hành vi nêu trên còn phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

Phạt hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015

Tùy tính chất của từng sự việc, người có hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử lý về một trong các tội sau đây:

- Tội cố ý gây thương tích (Điều 134)

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu… (Điều 185)

Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

- Tội hành hạ người khác (Điều 140)

Nếu không thuộc trường hợp của Tội ngược đãi tại Điều 185, người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Các mức phạt nêu trên chỉ có tính chất tham khảo, mức phạt thực tế đối với từng sự việc bạo hành trẻ em còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

Nguyễn Nhật (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/hanh-vi-bao-hanh-tre-em-bi-xu-phat-nhu-the-nao/808695.antd